Đắk Lắk:

Người dân phải bơi thuyền vào nhà vì đường ngập quanh năm!

(Dân trí) - Con đường duy nhất dẫn vào xóm bị ngập sâu trong nước, có chỗ ngập quá đầu người. Nhiều lần kiến nghị đến cơ quan chức năng nhưng bốn năm nay người dân trong xóm vẫn phải sử dụng ghe thuyền để đi lại.

Từ đầu mùa mưa, tuyến đường chính qua thôn Nghĩa Tín (xã Quảng Thành, TX. Gia Nghĩa) thường xuyên rơi vào tình trạng ngập úng. Theo phản ánh của nhiều người dân, nguyên nhân do từ ngày công trình hồ trung tâm Gia Nghĩa tích nước, cứ đến mùa mưa là nước hồ dâng cao kết hợp với mưa lớn nhiều ngày khiến con đường bị ngập. Tình trạng trên diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến đời sống và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều hộ dân sống trong khu vực này.


Hàng ngày ông Nhân phải sử dụng thuyền để di chuyển trên con đường duy nhất ngập sâu trong nước

Hàng ngày ông Nhân phải sử dụng thuyền để di chuyển trên con đường duy nhất ngập sâu trong nước

Chèo thuyền dẫn chúng tôi dạo quanh diện tích đất của gia đình, ông Phạm Văn Nhân (ngụ thôn Nghĩa Tín) cho hay, ngôi nhà của ông mấy tháng nay đã bị nước bao quanh nhà, không có đường đi lại. Con đường duy nhất nối trục đường chính của xã với xóm bị ngập sâu trong nước, có chỗ ngập hơn 2,5m khiến các hộ dân trong xóm rơi vào tình cảnh bị cô lập, chia cắt cục bộ với bên ngoài.

Ông Nhân cho biết, để ra ngoài gia đình ông và các hộ khác phải đóng một chiếc thuyền bằng nhôm làm phương tiện đi lại. Hàng ngày ngoài việc bơi thuyền đi làm ông phải dùng nó để đưa đón 3 con nhỏ và người thân của mình. Các phương tiện như xe máy, dụng cụ sản xuất nông nghiệp, ông Nhân phải gửi nhà người quen hoặc để trên bờ cách nhà 500m.

“Gia đình tôi hiện có hơn 8 sào đất để sản xuất nông nghiệp và làm nhà ở, nhưng hễ mùa mưa đến lại bị ngập. Cả thôn chỉ có mỗi tuyến đường để đi lại. Giờ đây đường đã chìm dưới nước, người dân chúng tôi không biết đi lại bằng cách gì. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của gia đình chúng tôi”, ông Nhân bức xúc cho biết.

Nhiều gia đình phải di dời nhà lên cao để tránh bị ngập
Nhiều gia đình phải di dời nhà lên cao để tránh bị ngập

Trong tình cảnh tương tự, gia đình bà Lê Thị Hường (ngụ thôn Nghĩa Tín) cũng thường xuyên bị cô lập vì nước dâng cao vào mùa mưa. Bà Hường phản ánh: “Cách đây ít hôm, nước từ hồ trung tâm Gia Nghĩa dâng cao đã khiến cho nhà của tôi bị ngập sâu. Thấy tình cảnh nguy hiểm, tôi phải gọi điện cho đội cứu hộ của tỉnh vào đưa hai mẹ con ra ngoài. Sau đó, chúng tôi được chính quyền địa phương bố trí ở tạm tại hội trường thôn, chờ nước rút mới về nhà”.

Cũng theo bà Hường, hai ba năm trước thì nước chỉ ngập vào mùa mưa nhưng từ năm ngoái, con đường trước cửa nhà bà lúc nào cũng ngập. Trước tình trạng nước hồ dâng cao, gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là trẻ nhỏ nên nhiều gia đình đã tháo dỡ nhà để di chuyển lên cao. Song gia đình bà neo người, khó khăn nên bà chưa di dời sang chỗ ở khác được.

Theo UBND xã Quảng Thành, mỗi lần tuyến đường chính của thôn Nghĩa Tín bị ngập nước, có khoảng 10 hộ dân bị cô lập, chia cắt đường đi. Hầu hết những hộ này có nhà và đất rẫy thuộc vào diện được giải tỏa để xây dựng công trình hồ trung tâm Gia Nghĩa. Trước tình trạng bị ngập nhà cửa, cây trồng, cuộc sống, hoạt động sản xuất, chăn nuôi ảnh hưởng nên các hộ dân rất đồng tình, ủng hộ chủ trương và mong muốn được chính quyền sớm có phương án giải tỏa, đền bù để họ chuyển đến nơi ở mới.

Ông Phạm Công Chiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết thêm, ở thôn Nghĩa Tín đã có một số hộ dân đã kê khai, kiểm đếm tài sản, nhưng vẫn chưa được Nhà nước đền bù hoặc đền bù chưa xong. Những hộ này bị ảnh hưởng nặng nề nhất mỗi khi nước hồ trung tâm Gia Nghĩa dâng cao. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị đến chủ đầu tư sớm đền bù, hỗ trợ để người dân chuyển đến nơi ở mới, thế nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm.

Ông Nhân bên cạnh nên móng của ngôi nhà cũ
Ông Nhân bên cạnh nên móng của ngôi nhà cũ

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông cho rằng, hiện nay dự án đang thiếu vốn, nên chưa thể đền bù cho các hộ dân. Dự kiến đến cuối năm 2017, dự án mới được Trung ương bố trí vốn cho giai đoạn 2. Khi đó, đơn vị sẽ ưu tiên đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân ở thôn Nghĩa Tín trước. Ban Quản lý cũng sẽ tiến hành xây dựng tuyến đường mới ở thôn Nghĩa Tín để cho các hộ dân ở khu vực này có thể đi lại thuận tiện hơn.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ, việc tổ chức di dời cho các hộ dân ở thôn Nghĩa Tín là cần thiết và cấp bách. Các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng tuyến đường mới nhằm giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống.

Dương Phong