Bắc Giang - Bài 1:

Người dân kinh hãi trước sai phạm to bằng… quả núi của doanh nghiệp khoáng sản!

(Dân trí) - Bất chấp các quy định pháp luật, bất chấp luôn tính mạng và tài sản của người dân, Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang ngang nhiên đổ thải tràn lan tạo thành quả núi phế thải khổng lồ sau khi khai thác than tại mỏ Bố Hạ, Yên Thế (Bắc Giang). Nhìn "quả bom" chất thải luôn trực vỡ, người dân địa phương "dựng tóc gáy".

Liên quan đến việc Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản Bắc Giang, đơn vị khai thác mỏ than Bố Hạ đổ thải đất đá chất cao như núi tại thôn Đền Trắng, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế bất chấp các quy định pháp luật, đe doạ trực tiếp đến tài sản và tính mạng của người dân, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) để làm rõ những sai phạm nghiêm trọng của đơn vị này.

Luật sư Lực cho rằng: Do những ảnh hưởng nghiêm trọng của chất thải đến đời sống dân cư, xã hội nên việc xây dựng các bãi đổ thải được pháp luật quy định vô cùng chặt chẽ.

Đặc biệt trong lĩnh vực khai thác khoáng sản than, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định Số: 403/QĐ-TTg ngày 14 tháng 03 năm 2016 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than việt nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Một trong những nội dung quy hoạch này là phải xây dựng quy hoạch đổ thải, tất cả các vị trí xây dựng bãi đổ thải phải nằm trong phê duyệt.

Để xây dựng bãi đổ thải, chủ đầu tư phải hoàn tất các thủ tục xin giấy phép, chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Bắc Giang, hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, xử lý nước thải…

Người dân kinh hãi trước sai phạm to bằng… quả núi của doanh nghiệp khoáng sản! - Ảnh 1.
Người dân kinh hãi trước sai phạm to bằng… quả núi của doanh nghiệp khoáng sản! - Ảnh 2.

Núi phế thải khổng lồ đe doạ trực tiếp tính mạng và tài sản nhân dân do Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Giang tạo nên. 

Ông Hà Văn Hòe, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang thừa nhận, việc đổ thải là chưa đúng quy định song do áp lực sản xuất, Công ty không còn cách nào khác, sau đó mới hoàn thiện các thủ tục tiếp theo.

Ông Hòe lý giải, các khu vực đơn vị đổ thải đều nằm trong quy hoạch nhưng chưa giải phóng mặt bằng bởi người dân chưa nhất trí với phương án giải tỏa đề ra. Về giải pháp, ông Hòe cho biết, sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, đơn vị sẽ xây dựng bờ bao ngăn chất thải tràn ra ngoài. Công ty cũng cam kết chịu trách nhiệm, bồi thường nếu để xảy ra thiệt hại.

Đây là sự thừa nhận tình trạng làm trước báo cáo sau, cứ làm sai rồi sửa, giật gấu vá vai, đối phó với các tác hại của bãi thải, phó mặc nguy hiểm sức khỏe, mạng sống  đối với dân cư xung quanh khu vực".

Theo luật sư Lực, những sai phạm đổ thải như trên bằng mắt thường, kết hợp với sự thừa nhận của chủ đầu tư đã quá rõ ràng. Sai phạm của một tổ chức kinh tế, trực tiếp đe dọa sinh kế nông nghiệp của hàng loạt hộ gia đình, gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của người dân trong khu vực, xâm phạm tâm linh khi nước thải chảy vào Khu di tích Đền Trắng, gây thiệt hại cho đường xá xâm phạm tài sản Nhà nước phải được UBND tỉnh Bắc Giang ra quyết định chấm dứt hoạt động ngay lập tức, vô điều kiện.

"Tiến tới, cơ quan chức năng cần yêu cầu Công ty này khắc phục thiệt hại tài sản, sức khỏe đã gây ra cho khu vực dân cư, sửa chữa đường bị hư hỏng. Sau khi khắc phục xong các hậu quả thì mới cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng bãi thải theo đúng quy định pháp luật.

Người dân kinh hãi trước sai phạm to bằng… quả núi của doanh nghiệp khoáng sản! - Ảnh 3.

Luật sư Quách Thành Lực: Việc cần làm ngay là các cơ quan chức năng cần lập tức đình chỉ hoạt động đổ thải của doanh nghiệp này.

Đặc biệt, nếu những sai phạm về đổ thải gây ô nhiễm môi trường không được khắc phục có thể không loại trừ việc Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang phải xem xét xử lý hình sự các cá nhân tổ chức có liên quan theo quy định tại Điều 235. Tội gây ô nhiễm môi trường năm 20015, sửa đổi bổ sung năm 2017

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 3.000 kilôgam đến dưới 10.000 kilôgam chất thải nguy hại khác…".

Báo Dân trí sẽ đồng hành cùng Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang và các cơ quan hữu quan tiếp tục thông tin giám sát quả trình xử lý và giải quyết sự việc.

Anh Thế