Bình Định:

Nghi chuông cổ, Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện đem bán... đồng nát!

(Dân trí) - Lấy lý do chuông để chật kho, vị Giám đốc Trung tâm Văn hóa -Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước (Bình Định) đem đi bán mà không xin phép.

Thủ kho mất việc sau “tố giác” mất chuông

Vì sợ trách nhiệm, trước khi bị thôi việc làm bảo vệ kiêm thủ kho Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước do “không đảm bảo công việc”, ông Phạm Văn Long đã tố giác Giám đốc Trung tâm này đã tự ý bán chuông quý giá (nghi chuông cổ) đang lưu.

Nghi chuông cổ, Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện đem bán... đồng nát! - 1
Ông Phạm Đình Long bức xúc trình bày vụ việc với phóng viên Dân trí.

Theo tường trình, đến đời ông Võ Tuấn Khanh ngồi vào vị trí Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước, ông Long làm công việc bảo vệ kiêm thủ kho cơ quan này đã qua 3 đời giám đốc.

Suốt hàng chục năm làm việc tại đây, ông Long biết trong kho của cơ quan có lưu giữ 1 chiếc chuông được làm bằng chất liệu đồng và để trong kho từ những năm đầu giải phóng.

Ông Long cho biết, chiếc chuông này có chiều cao khoảng gần 1m, đường kính khoảng 40 cm, chung quanh mặt chuông có nhiều chữ Hán khắc nổi. Điều đặc biệt là chiếc chuông có mặt từ rất lâu, để nằm lăn lóc trong kho, không được bảo quản tốt, nhưng không hề bị hoen gỉ và khi gõ vào tiếng vang rất thanh…

Nghi chuông cổ, Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện đem bán... đồng nát! - 2
Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định)

“Tôi không am hiểu về cổ vật, nhưng căn cứ vào thời gian chiếc chuông có mặt trong kho, chưa tính thời điểm ra đời của nó tôi nghĩ đây là vật quý nên có ý thức bảo vệ rất cao. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, chiếc chuông này bị chính Giám đốc cơ quan này bán”, ông Long cho hay.

Theo lời ông Long, ông Võ Tuấn Khanh đã yêu cầu ông đưa chìa khóa kho để ông Khanh kiểm tra. Sau đó, khi ông Khanh đưa trả chìa khóa lại thì phát hiện chiếc chuông đã biến mất một cách khó hiểu.

“Ngay sau khi phát hiện chuông mất tôi liền hỏi ông Khanh, vì sao trước khi tôi đưa chìa khóa kho cho ông chiếc chuông vẫn còn, nhưng khi ông giao lại chìa khóa thì chiếc chuông đã biến mất. Lúc đó, ông Khanh không trả lời. Vài ngày sau, tôi dọn vệ sinh phòng giám đốc thì thấy chiếc chuông đang bỏ trong bao để trong góc phòng, sau đó chiếc chuông mất tích”, ông Long kể lại.

Nghi chuông cổ, Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện đem bán... đồng nát! - 3
Ông Long phải làm đơn vì sợ bị vạ lây.

Thời gian sau đó, vì sợ trách nhiệm, ông Long công khai với gần 20 cán bộ trong cơ quan về lý do chiếc chuông bị mất. Thế nhưng, chẳng những không được giải quyết thắc mắc mà ông Long còn bị ông Khanh cho nghỉ việc vì lý do “không đảm bảo công việc”.

Để…chật kho!

Làm việc với báo chí, ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước, thừa nhận chính ông là người đã bán chiếc chuông trên cho một cơ sở đúc đồng ở Đập Đá (thị xã An Nhơn) vì lý do “kho bị chật”.  

Nghi chuông cổ, Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện đem bán... đồng nát! - 4
Ông Huỳnh Văn Hạnh, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Tuy Phước: "1 cây kim sợi chỉ" đã là tài sản Nhà nước muốn hủy hoặc thanh lý phải xin phép cấp thẩm quyền".

“Tôi và một số người đồng ý đem bán chiếc chuông với giá chưa đến 2 triệu đồng. Số tiền này sau đó nhập vào tiền quỹ của cơ quan”, ông Khanh cho hay.

Tuy nhiên, khi chúng tôi muốn xem chứng từ bán thanh lý chiếc chuông thì ông Khanh nói rằng không có chứng từ gì, cứ bán rồi nhập tiền vào quỹ cơ quan, đưa thủ quỹ giữ…

Về việc ông Long cho rằng, đây là chiếc chuông cổ, có giá trị cao nhưng lại được bán giá đồng nát. Ông Khanh nói: “Tôi sẽ lên gặp lại chủ cơ sở và thu hồi lại chiếc chuông…”.

Để rõ hơn về nguồn gốc chiếc chuông này, chúng tôi đã làm việc với ông Huỳnh Văn Hạnh, người chuyển giao vị trí Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước cho ông Võ Tuấn Khanh.

Ông Hạnh nhớ lại, chiếc chuông nói trên là của 1 nhà chùa trên địa bàn được đưa về kho của Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước từ những năm đầu giải phóng. Thời điểm khi ông bàn giao công việc cho ông Khanh vào tháng 12/2016 thì chiếc chuông vẫn còn trong kho.

“Mặc dù chưa được cơ quan chức năng thẩm định về niên đại, nhưng khi đã nhập kho là thuộc sở hữu của Nhà nước, hàng năm đều được ngành chức năng kiểm kê. Nếu ông Khanh bán chiếc chuông mà không xin phép cấp thẩm quyền là sai. Bởi, “1 cây kim sợi chỉ” nếu đã là tài sản của Nhà nước thì trước khi muốn thanh lý hoặc hủy đều phải xin phép cấp thẩm quyền theo quy định”, ông Hạnh khẳng định.

Doãn Công