Mười năm chưa giải quyết xong một vụ tranh chấp đất: Đề nghị UBND TP Cà Mau báo cáo!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Mười năm, 5 đoàn kiểm tra vẫn không giải quyết xong một vụ tranh chấp đất”, nguồn tin của PV Dân trí cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã có văn bản đề nghị UBND TP Cà Mau báo cáo vụ việc.

Mua 36m, bán... 40m

Trong một diễn biến khác liên quan đến vụ tranh chấp đất của gia đình bà Lê Thị Khiêm, mới đây, bà Khiêm đã cung cấp cho PV những tài liệu mà bà và người nhà nhận định chính là mấu chốt đã dẫn đến việc tranh chấp kéo dài hơn 10 năm qua.

Tài liệu thể hiện, bà Đặng Thị Phấn (ngụ phường 1, TP Cà Mau) xác nhận, trước đây bà chỉ bán cho ông Nguyễn Quang (ngụ cùng địa phương) diện tích đất có chiều ngang 36m mặt tiền, nhưng khi ông Quang làm giấy bán lại cho người khác thể hiện đến 40m mặt tiền.

Để làm rõ vấn đề, PV đã trực tiếp gặp bà Đặng Thị Phấn tìm hiểu và bà Phấn thừa nhận đúng như những gì mà phía gia đình bà Khiêm đã cung cấp thông tin cho báo chí và cơ quan chức năng.

“Lúc tôi sang nhượng cho ông Quang thì ông ấy chỉ làm giấy tay mà không làm hợp đồng công chứng. Một thời gian sau, ông đưa cho tôi xem bản hợp đồng sang nhượng và kêu tôi ký vào hợp đồng đó. Điều lạ là hợp đồng sang nhượng này thể hiện tên tôi và người mua đất từ ông Quang, chứ không phải ông Quang đứng tên sang nhượng. Xem hợp đồng, tôi phát hiện bề ngang mặt tiền đến 40m nên tôi không chịu ký vì đất của tôi chỉ có 36m”, bà Phấn khẳng định với PV Dân trí.

Theo phân tích bảng vẽ hiện trạng của người nhà bà Lê Thị Khiêm, do phần đất ông Nguyễn Quang thửa nào cũng dư nên bảng vẽ hiện trạng mặt tiền các thửa đất ông Quang sang nhượng cho người khác đã lấn sâu vào hiện trạng đất thực tế của gia đình bà Khiêm.
Theo phân tích bảng vẽ hiện trạng của người nhà bà Lê Thị Khiêm, do phần đất ông Nguyễn Quang thửa nào cũng dư nên bảng vẽ hiện trạng mặt tiền các thửa đất ông Quang sang nhượng cho người khác đã lấn sâu vào hiện trạng đất thực tế của gia đình bà Khiêm.

Theo hồ sơ, trước đây, khi biết được việc sang nhượng đất liên quan đến ông Nguyễn Quang có mặt tiền chênh lệch quá lớn như nói trên, gia đình bà Lê Thị Khiêm đã có đơn kiến nghị ngành chức năng kiểm tra lại toàn bộ nguồn gốc GCNQSDĐ của ông Quang xem có đúng với hồ sơ gốc được pháp luật công nhận; đồng thời, gia đình bà Khiêm cũng yêu cầu đo đạc ngay tại những phần đất không tranh chấp nằm cách đó vài thửa để làm rõ phần đất mặt tiền có đúng với thực tế của bảng vẽ hiện trạng hay không, nhưng không thấy cơ quan chức năng trả lời.

Theo gia đình bà Khiêm, nếu thực hiện đo đạc theo đơn yêu cầu của gia đình bà, cơ quan chức năng sẽ thấy những sai số trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ qua các thời kỳ và nguyên nhân phát sinh tranh chấp từ đâu mà có.

“Tôi cho rằng, mấu chốt của vấn đề có lẽ xuất phát từ phần đất của bà Phấn, vì bà Phấn khẳng định đất bà sang cho ông Quang chỉ 36m mặt tiền, nhưng ông Quang lại chuyển nhượng cho người khác đến 40m. Trong khi đó, đất của hộ bà Phấn trước đây vốn không tranh chấp, tức đất đã có ranh rõ ràng”, anh Giang Văn Trọng (con trai bà Khiêm) nêu quan điểm.

Để chứng minh cho lời nói của mình, anh Trọng đưa cho PV một bảng vẽ hiện trạng, trong đó bảng vẽ mới được in chồng lên bảng vẽ cũ thể hiện rất rõ sai số của 2 bảng vẽ là rất lớn, và con kênh 83 (một con kênh cũ có thể xác định ranh đất của các hộ-PV) cũng đã bị lệch so với vị trí trong bảng vẽ cũ trước đây với sai số khá lớn.

Khi in chồng 2 bảng vẽ hiện trạng lên nhau thì hiện trạng mới có sai số khá lớn so với hiện trạng cũ. Gia đình bà Khiêm cho rằng, bảng vẽ hiện trạng cũ là đúng với thực tế.
Khi in chồng 2 bảng vẽ hiện trạng lên nhau thì hiện trạng mới có sai số khá lớn so với hiện trạng cũ. Gia đình bà Khiêm cho rằng, bảng vẽ hiện trạng cũ là đúng với thực tế.

Anh Giang Văn Trọng thông tin thêm, có rất nhiều chứng cứ, tài liệu liên quan có thể chứng minh được nguồn gốc đất mà gia đình anh đã cung cấp cho ngành chức năng, thế nhưng vẫn chưa được xem xét. Thêm vào đó, vụ việc phát sinh đã hơn 10 năm qua, nếu khi ấy cơ quan có thẩm quyền xử lý dứt điểm thì hiện trạng đâu thay đổi và phức tạp như ngày hôm nay.

“Hiện, anh em chúng tôi vẫn còn một vài thửa đất vốn không tranh chấp, nhưng do nằm giữa các thửa đất đang tranh chấp nên gia đình cũng không thể chuyển mục đích sử dụng, dẫn đến gặp nhiều khó khăn để sử dụng các thửa đất này”, anh Trọng nêu nỗi khổ mà gia đình đang gặp phải.

Từ khi xảy ra tranh chấp, khu vực đất này của gia đình bà Lê Thị Khiêm hầu như đã trở thành đất hoang.
Từ khi xảy ra tranh chấp, khu vực đất này của gia đình bà Lê Thị Khiêm hầu như đã trở thành đất hoang.

Như Dân trí đã phản ánh, vụ việc tranh chấp đất của gia đình bà Lê Thị Khiêm đã diễn ra hơn 10 năm, hiện trạng đất đã thay đổi rất nhiều và cơ quan chức năng của TP Cà Mau cũng đã cử nhiều đoàn thanh tra, xác minh làm rõ vụ việc. Thế nhưng, các đoàn thanh tra chỉ ra kết luận rồi... im lặng một cách khó hiểu.

Trong hồ sơ mà gia đình bà Khiêm cung cấp có báo cáo số 130 (ngày 3/10/2011) của Phòng Tài Nguyên & Môi trường TP Cà Mau, thể hiện, trong các thửa đất nằm trong khu vực tranh chấp, một số thửa đất do ông Nguyễn Quang đứng tên chuyển nhượng cho người khác thì thửa nào cũng dư ra so với diện tích thực tế khá lớn.

Cụ thể, tại thửa 476, tờ bản đồ số 01, diện tích 1.912m2, ông Nguyễn Quang chuyển nhượng cho Phú Cường diện tích 914m2; diện tích còn lại chỉ 997,80m2, nhưng ông Quang lập thủ tục làm GCNQSDĐ với diện tích 1.046,70m2 (tức ông Quang đã chuyển nhượng cho Phú Cường dư ra 48,90m2).

Còn tại thửa 173, tờ bản đồ số 01, ông Nguyễn Quang chuyển nhượng cho ông Trần Thanh Liêm và Phú Cường diện tích 3.646m2; diện tích còn lại là 2.054m2, nhưng ông Quang lập thủ tục làm quyền sử dụng đất với diện tích 2.196m2 (tức dư ra 195m2).

Theo kết quả xác minh vào năm 2011, hầu như các thửa đất của ông Quang, thửa nào cũng được cấp dư so với thực tế.
Theo kết quả xác minh vào năm 2011, hầu như các thửa đất của ông Quang, thửa nào cũng được cấp dư so với thực tế.

Từ những thực tế nói trên, Phòng Tài Nguyên & Môi trường TP Cà Mau đề xuất Chủ tịch UBND TP Cà Mau chỉ đạo chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan thanh tra cùng cấp để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền. Thế nhưng, không biết vì nguyên nhân gì mà vụ việc đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Trong khi đó, gia đình bà Lê Thị Khiêm đã gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng hơn 10 năm qua, nhưng vẫn không có cơ quan nào trả lời thỏa đáng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Tuấn Thanh