Mong hàng cứu trợ sớm được phân phát công bằng

(Dân trí) - Miền Trung đang phải hứng chịu những trận lũ lụt liên tiếp, gây ra nhiều thiệt hai nặng nề. Nhân dân cả nước hướng về Miền Trung cảm thông và chia sẻ những tổn thất lớn lao đó và mong hàng cứu trợ sớm đến tay đồng bào đang lúc khốn khó.

Cảnh đau thương, tang tóc, mất mát về  con người và của cải không thể nào nói hết được. Đặc biệt,  dải đất miền Trung- khúc giữa của hai miền Nam, Bắc, thường hay bị bão lụt hoành hành, tàn phá dữ dội, khủng khiếp nhất. Thấm nhuần truyền thống, đạo lý của dân tộc " Thương người như thể thương thân", mỗi khi nghe tin dân mình ở nơi này nơi kia bị thiệt hại do thiên tai,  là đồng bào trong và ngoài nước, từ cá nhân đến tập thể, các doanh nghiệp... đều hướng về với tất cả tấm lòng, sẵn sàng tự nguyện san sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất và tinh thần dành cho địa phương, những người, gia đình bị nạn. Người hỗ trợ, giúp đỡ cũng luôn mong mỏi chút tình cảm- vật chất của mình đã quyên góp, nhanh chóng, kịp thời  đến được với người bị nạn để họ giải quyết một phần nào khó khăn, thiếu thốn trong lúc cam go, bĩ cực.

Mỗi người góp một chút nhưng nhiều người, nhiều tập thể  cộng lại thành số tiền, số  hàng không nhỏ, có khi lên  đến hàng trăm , hàng ngàn tỉ đồng. Thời gian trước đây, có tình trạng mạnh ai nấy phân phát hàng, tiền cứu trợ nên không kiểm soát được và dẫn đến chuyện thiếu công bằng, kẻ ít người nhiều, nơi có, nơi không. Mấy năm nay, chúng ta đã chấn chỉnh được hạn chế đó. Tất cả đóng góp, hỗ trợ của cá nhân và tập thể đều quy về một mối: Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp. Nhiều nơi, nhiều địa phương, cán bộ làm rất tốt công tác phân phối tiền, hàng cứu trợ cho những nơi, những gia đình, cá nhân gặp nạn.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Tuy nhiên, qua nhiều lần thiên tai, vẫn còn một số địa phương, chính quyền, cán bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ mang tính nhân đạo này. Có địa phương, cán bộ tắc trách, không phân phát kịp thời hàng cứu trợ. Hàng chục tấn gạo cứu trợ của Chính phủ cấp về không chịu cấp phát cho dân, để nơi ẩm ướt, mưa gió tạt vào, đến khi mở kho ra thì tất cả số gạo đã bị mốc meo, không dùng được nữa, chỉ còn nước đổ đi.  Một biểu hiện khác, cán bộ chính quyền thôn, xã..." nặng" tình cảm cá nhân, gia đình, phân phát thiếu công bằng, cố tình dành những xuất có giá trị cao hơn cho bà con, người thân thích của mình. Người đáng được hỗ trợ nhiều thì lại hỗ trợ ít. Người chưa đáng hỗ trợ ở mức ấy thì lại được nhận rất nhiều. Nhân dân một số nơi bất bình, bức xúc, dẫn đến khiếu kiện tùm lum, cũng vì cách phân, phát thiếu công bằng, hợp lý của chính quyền, cán bộ cấp dưới. Thậm chí, có nơi, có cán bộ còn cố tình chấm mút, xà xẻo tiền, hàng cứu trợ của dân. Hai năm trước đây, Chính phủ từng chi ra hàng trăm tỉ đồng, lấy từ ngân sách dành cho những người nghèo, hộ nghèo cả nước, mỗi xuất 200.000 đồng để họ có một cái Tết đầm ấm, tươm tất hơn. Những tưởng, công việc cấp phát diễn ra kịp thời, trước Tết, đúng đối tượng, nào ngờ, Tết đi qua được mấy tháng rồi, người nghèo, hộ nghèo một số nơi vẫn chưa nhận được đồng nào. Có nơi, cán bộ còn cả gan lấy tiền đó chia chác và sử dụng vào mục đích khác. Khi báo cáo sự việc lên trên thì cán bộ đưa ra đủ lẽ để biện hộ cho sự chậm trễ và việc làm sai trái của mình.

Trong đợt thiên tai nặng nề này, cần triệt để đề phòng thói vô trách nhiệm, hoặc cố tình cấp, phát thiếu công bằng; thậm chí còn xà xẻo, ăn chia, tư túi tiền và hàng cứu trợ cho đồng bào lúc gặp hoạn nạn. Đấy là những hành vi vô lương tâm, cần nghiêm khắc loại trừ. Nó làm suy giảm niềm tin của người ủng hộ, quyên góp đối với công việc phân phát hàng, tiền của các cấp chính quyền địa phương. Sai phạm tuy chỉ là hiện tượng số ít nhưng tác hại, ảnh hưởng xấu  thì vô cùng lớn. Do đó, chúng ta cần lên án, phê phán mãnh mẽ và kiên quyết xử lý " những con sâu làm rầu nồi canh" ấy để công tác nhân đạo này luôn thể hiện đúng bản chất và ý nghĩa tốt đẹp vốn có của nó. Muốn được vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là cấp trên cần chỉ đạo và thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra kịp thời và thường xuyên công tác cấp phát tiền, hàng cứu trợ. Vì lâu nay, công tác này thường bị xem nhẹ, cho qua, dễ tạo "khoảng trống" cho một số cán bộ lợi dụng tình trạng "đục nước béo cò".  

 
                                                    Đỗ Tấn Ngọc
Quảng Ngãi      
LTS Dân trí -Trong lúc đồng bào ta đang bị thiên tai liên tiếp, lũ chồng lên lũ, rất cần cứu giúp kịp thời, nhiều cán bộ tại chỗ đã nêu những tấm gương sáng trong lúc gặp hoạn nạn. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp còn tự tư tự lợi, thiếu ý thức trách nhiệm trước dân, cho nên phân phối hàng cứu trợ chưa kịp thời, thiếu công bằng và minh bạch như bài viết trên đây đã nêu.

Công việc khẩn thiết trong lúc này là nhanh chóng cứu giúp đồng bào đang gặp hoạn nạn, đưa được tiền và hàng cứu trợ đến tận tay người dân trong những vùng bị lũ lụt tàn phá nặng nề; ai bị mất mát, thiệt thòi nhiều phải được hỗ trợ nhiều. Số tiền và số hàng được cứu giúp từ nhiều nguồn và việc phân phát cụ thể như thế nào cần được báo cáo công khai trước nhân dân. Đấy là trách nhiệm của các cấp Chính quyền và mặt trận Tổ quốc ở những địa phương bị thiên tai được nhân dân cả nước quan tâm hỗ trợ với ý thức “lá lành đùm lá rách”.