Bài 3:

Mô hình HTX dịch vụ điện lực nhìn từ vụ hoả hoạn khiến cụ già cùng bà bầu thoát chết trong “gang tấc”

(Dân trí) - Vụ hoả hoạn do chập điện làm cháy rụi toàn bộ nhà và xưởng gỗ của anh anh Đỗ Ngọc Hiếu, trú tại thôn Châu Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội khiến hai bố mẹ già 90 tuổi, người vợ mang thai của anh thoát chết trong gang tấc. Từ vụ việc nghiêm trọng này, luật sư Nhâm Mạnh Hà đã đưa ra một số đánh giá về Mô hình HTX dịch vụ điện lực tại địa phương.

Trong những năm trở lại đây, công tác tiếp nhận lưới điện nông thôn, bán lẻ điện đến khách hàng tiêu thụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành điện. Mặc dù các Công ty điện lực đã có những nỗ lực để triển khai đề án này tuy nhiên một số tổ chức bán lẻ điện ở nông thôn vẫn chưa tích cực hưởng ứng. Việc không hợp tác bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn không chỉ gây khó khăn cho ngành điện trong quá trình triển khai Đề án mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân.

Liên quan tới công tác quản lý, phân phối điện, trách nhiệm của các đơn vị bán lẻ điện đến người dân và công tác bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn huyện Đông Anh, Báo điện tử Dân trí đã có cuộc gặp và trao đổi với Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội dưới góc nhìn pháp lý.

PV: Thưa Luật sư, hiện nay trong khi phần lớn người dân trên cả nước đang mua điện trực tiếp từ các công ty điện lực (trực thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam) thì rất nhiều người dân trên địa bàn huyện Đông Anh vẫn phải mua điện từ các HTX kinh doanh dịch vụ điện. Luật sư có đánh giá như thế nào về mô hình này?

Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Từ năm 2002 trở về trước, theo quy định tại Nghị định số 80/HĐBT ngày 19/7/1983 về việc ban hành điều lệ cung ứng và sử dụng điện và các văn bản hướng dẫn cộng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, việc quản lý và kinh doanh tiêu thụ điện tại khu vực nông thôn chủ yếu do tổ, phòng, ban quản lý điện thuộc UBND xã và các HTX nông nghiệp đảm nhiệm.

Sau khi có Quyết định số 22/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án điện nông thôn, Nghị định 45/2001/NĐ-CP ngày 02/8/2001 về hoạt động điện lực và sử dụng điện, Luật Điện lực năm 2004 và ngày 22/6/2006, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 147/2006/QĐ-TTg, 148/2006/QĐ-TTg chuyển Tổng Công ty Điện lực Việt Nam từ mô hình Tổng Công ty 91 thành Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tỉnh, thành phố đều có đề án chỉ đạo bổ sung, sắp xếp, chuyển đổi, đổi mới mô hình quản lý kinh doanh điện bao gồm cả việc quản lý, kinh doanh điện tại khu vực nông thôn để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Theo các đề án này thì các tổ chức mua bán điện nông thôn buộc phải chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần điện, Công ty TNHH, Doanh nghiệp tư nhân quản lý bán điện...


Cây cột điện nằm ngay sát xưởng sản xuất và nhà dân trong vụ hoả hoạn kinh hoàng.

Cây cột điện nằm ngay sát xưởng sản xuất và nhà dân trong vụ hoả hoạn kinh hoàng.


Hiện trường tan hoang sau vụ cháy nhưng may mắn người già và bà bầu đã kịp thoát thân nên không có thiệt hại về người.

Hiện trường tan hoang sau vụ cháy nhưng may mắn người già và bà bầu đã kịp thoát thân nên không có thiệt hại về người.

Với những yêu cầu về chuyển đổi, đổi mới như trên thì mô hình hoạt động quản lý, kinh doanh dịch vụ điện thông qua Hợp tác xã (đặc biệt là các HTX kinh doanh dịch vụ điện tách ra từ các HTX dịch vụ nông nghiệp đang kinh doanh điện) không chỉ trên địa bàn huyện Đông Anh mà còn ở nhiều khu vực khác trên cả nước đã bộc lộ nhiều yếu kém và không còn phù hợp, cụ thể:

Thứ nhất, các HTX dịch vụ điện hạn chế về năng lực tài chính:

Thực tế cho thấy, các HTX thường có mô hình nhỏ, hoạt động dựa trên phần vốn góp của các thành viên nên khả năng tài chính rất hạn chế. Trong khi đó, để thực hiện việc nâng cấp, cải tạo công trình lưới điện cần rất nhiều kinh phí. Do đó, phần lớn các HTX kinh doanh dịch vụ điện lực mới chỉ lo việc khai thác tối đa lưới điện sẵn có được hình thành trong quá khứ để hưởng chênh lệch giá điện mà chưa quan tâm đầy đủ, chưa có thực lực trong việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp lưới điện. Chính vì vậy, tình trạng quá tải, “cắt, cúp điện” thường xuyên xảy ra; đường dây xuống cấp, cũ nát, hiệu quả kinh doanh thấp đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.

Mặt khác, chính bởi việc tận dụng lưới điện sẵn có từ trước mà vấn đề an toàn điện cho người dân không được đảm bảo dẫn đến các sự cố chập, cháy đường dây tải điện thường xuyên xảy ra, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại lớn cho người sử dụng điện .

Thứ hai, các HTX kinh doanh dịch vụ điện đang thể hiện sự thiếu và yếu trong chuyên môn nghiệp vụ:

Đa số các HTX kinh doanh điện lực còn thiếu phương pháp, kỹ năng và nghiệp vụ quản lý chuyên nghiệp; thiếu các trang thiết bị chuyên dụng, thiết bị công nghệ thông tin, thậm chí cả các thiết bị văn phòng; thiếu kiểm soát tài chính thiếu chặt chẽ.

Bên cạnh đó, bộ máy quản lý của HTX còn yếu cả về năng lực quản lý và kỹ thuật chuyên môn; nhân viên kỹ thuật vận hành chưa được đào tạo đầy đủ, chủ yếu chỉ được học qua các lớp ngắn hạn nên còn hạn chế về năng lực, kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh đột ngột trên thực tế.

PV: Vừa qua đã xảy ra một số vụ cháy trên địa bàn thôn Châu Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh. Xem xét các vụ việc này và quan sát hệ thống mạng lưới điện tại địa bàn xã Liên Hà - Đông Anh, Luật sư có đánh giá như thế nào về vấn đề bán lẻ điện tới người dân của HTX dịch vụ điện Liên Hà?

Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Hiện người dân tại khu vực xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội đang sử dụng điện do HTX dịch vụ điện Liên Hà (gọi tắt là HTX Liên Hà) cung cấp. Theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thì HTX Liên Hà hoạt động với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí (Loại khoản (130-131): Sản xuất, truyền tải và phân phối điện).

Xem xét thực tế cho thấy rằng HTX Liên Hà cũng đang tồn tại những yếu kém của một HTX dịch vụ điện dẫn đến không đảm bảo được quy định các yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn đối với một đơn vị quản lý, kinh doanh điện, cụ thể:

Thứ nhất, HTX Liên Hà không đảm bảo được khoảng cách an toàn của đường dây dẫn điện trên địa bàn quản lý:

Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 11 Nghị định 14/2014/NĐ-CP thì: Đối với hành lang bảo vệ an toàn của đường dây dẫn điện trên không thì chiều rộng hành lang được giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng về hai phía của đường dây, song song với đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh. Đối với mức điện áp đến 22kV thì khoảng cách an toàn trong trường hợp dây bọc là 1,0m, đối với dây trần thì khoảng cách là 2,0m.


Trao đổi với PV Dân trí, ông Dương Văn Phong - Chủ nhiệm HTX dịch vụ điện Liên Hà cho rằng căn cứ vào kết luận giám định hiện trường vụ cháy xác định hoả hoạn xảy ra phía sau công tơ điện nên hợp tác xã không có trách nhiệm gì mà còn là nạn nhân.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Dương Văn Phong - Chủ nhiệm HTX dịch vụ điện Liên Hà cho rằng căn cứ vào kết luận giám định hiện trường vụ cháy xác định hoả hoạn xảy ra phía sau công tơ điện nên hợp tác xã không có trách nhiệm gì mà còn là nạn nhân.

Xem xét mạng lưới điện tại địa bàn thôn Châu Phong, Liên Hà có thể dễ dàng nhận thấy hệ thống mạng lưới điện không đảm bảo khoảng cách an toàn như quy định, nhiều cây cột điện được đặt sát nhà dân, những bó dây điện chằng chịt được buộc tạm bợ, vắt vẻo, nhiều chỗ dây điện sa xuống thấp; hàng chục công tơ điện “chen lấn nhau” trên cột điện. Mạng lưới điện này tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện và tai nạn điện, gây nguy hiểm cho người và tài sản nhất là khi thời tiết mưa gió to.

Thứ hai, HTX Liên Hà không đảm bảo được an toàn về điện, phòng chống cháy nổ:

Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 14/2014/NĐ-CP đã quy định rõ: Việc thiết kế, chế tạo thiết bị, xây dựng công trình điện lực phải thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, quốc tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép áp dụng tại Việt Nam và phải đảm bảo “An toàn về điện”“An toàn về phòng, chống cháy nổ”.

Tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực cũng đã nhấn mạnh: “Đơn vị truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, lộ trình cải tạo, nâng cấp các đường dây, trạm biến áp truyền tải và phân phối điện hiện có để đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) …”.

Như vậy, là một đơn vị bán lẻ điện tại địa phương, theo quy định trên thì HTX Liên Hà phải đảm bảo được yêu cầu an toàn điện, an toàn về phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, theo thông tin người dân sử dụng điện do HTX Liên Hà cung cấp thì từ thời điểm HTX Liên Hà tiếp quản mạng lưới điện nay trên địa bàn đã xảy ra rất nhiều vụ chập, cháy đường dây tải điện gây hậu quả nghiêm trọng, điển hình là vụ cháy ngày 14/5/2016 xảy ra tại gia đình anh Đỗ Ngọc Hiếu, chập cháy trên cây cột điện khu vực ngã ba thôn Châu Phong vào đầu tháng 8/2016, chập cháy đường dây trên cây cột điện Thảm Len thôn Châu Phong vào ngày 04/3/2017 và chập cháy đường dây trên cây cột điện cũng tại thôn Châu Phong vào đêm ngày 27/3/2017…

Ngoài ra, vấn đề năng lực chuyên môn của cán bộ, nhân viên kỹ thuật của HTX Liên Hà và việc tuyển dụng, bố trí lao động của đơn vị này cũng cần phải xem xét lại khi tình trạng mất an toàn điện thường xuyên xảy ra, nghiêm trọng hơn việc giải quyết sự cố lưới điện lại chỉ mang tính chắp vá, tạm thời, không giải quyết dứt điểm và không đảm bảo an toàn, ổn định cho hệ thống lưới điện. Do vậy, an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân đang bị đe dọa hàng ngày, hàng giờ khiến họ luôn trong tình trạng hoang mang, lo lắng.

Việc HTX Liên Hà không đảm bảo được các điều kiện về an toàn điện, an toàn về phòng, chống cháy nổ để cho tình trạng cháy nổ liên tục xảy ra trong thời gian qua là vi phạm các quy định pháp luật. Với hành vi vi phạm trên, ngoài việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại, đơn vị này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền áp dụng cho tổ chức là từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.

Dịch vụ điện là một hoạt động đặc thù đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật; mạng lưới điện yêu cầu độ an toàn cao và việc quản lý, phân phối, sử dụng điện ưu tiên tính tiết kiệm, hiệu quả nên rõ ràng những yếu kém trên của mô hình HTX kinh doanh dịch vụ điện là vấn đề cần phải được xem xét lại. Phải chăng đã đến lúc gạt đi những lợi ích cục bộ của một nhóm người, xóa bỏ đi mô hình kinh doanh không phù hợp để người dân có thể yên tâm sử dụng điện, tạo sự bình đẳng trong sử dụng điện giữa người dân trong cả nước và đưa những chính sách ưu đãi của Chính phủ về điện lực đến gần người dân hơn?

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Anh Thế