Bạn đọc viêt:

Lừa đảo núp bóng từ thiện tung hoành ngày giáp Tết

(Dân trí) - Lợi dụng mác nhân đạo nhiều kẻ xấu đã thực hiện hành vi lừa đảo gây phiền phức, khó chịu cho người dân và làm mất văn hóa ở các điểm công cộng. Bán tăm, kẹo cao su, giả mất tiền… là những hình thức từ thiện núp bóng đang gia tăng vào dịp Tết.

Đủ chiêu trò, mánh khóe

Giấy ghi tên, địa chỉ và số tiền ủng hộ mà những kẻ lừa đảo đưa ra chứng minh với người dân
Giấy ghi tên, địa chỉ và số tiền ủng hộ mà những kẻ lừa đảo đưa ra chứng minh với người dân

Bán tăm, bán kẹo cao su nhân đạo là hình thức chèo kéo khách hàng lợi dụng lòng tốt của người dân mà nhiều kẻ lừa đảo đang thực hiện. Những hành vi này đã tốn không ít giấy mực, công sức của báo chí nhưng đến nay những chiêu trò này vẫn diễn ra sôi động tại các điểm công cộng trong những ngày cuối năm.

Lợi dụng và đánh vào tâm lý của từng đối tượng mà những kẻ lừa bịp này giở các mánh khóe khác nhau. Những mánh khóe lừa đảo này ngày càng có  thủ đoạn tinh vi. Từ thuyết phục những người được chúng coi là “thượng khách”, đến ép mua, thậm chí sẵn sàng to tiếng, chửi tục.

Khi được hỏi giấy tờ chứng minh là người của tổ chức từ thiện, hầu hết trong số này chỉ đưa ra một tấm thẻ in tên Hội và dòng chữ viết tắt khó dịch rất sơ sài và thiếu cơ sở pháp lý. Các đối tượng này thường đi theo nhóm 3 - 5 người và mang theo một túi đeo chéo cùng một quyển số, chiếc bút, cùng một vài tờ giấy có ghi tên và số tiền những người đã ủng hộ.

Vũ Xuân Hiếu (SV trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) đã hai lần mất tiền oan với những kẻ bán tăm tại bến xe bus và cổng trường bức xúc nói: “Một lần là khi mới xuống học, mình bị mấy người mời mua tăm nói đó là tăm nhân đạo bắt mình ủng hộ, họ còn cho xem tờ giấy có tên tuổi, số tiền ủng hộ của những người khác nữa, nên mình ủng hộ 20 nghìn đồng. Lần thứ 2, khi đang đứng đợi xe bus, thì có mấy chị đến nhét tăm vào tay mình, mình trả lại nhưng họ không chịu cầm rồi đòi tiền mình, mình chưa kịp phản ứng gì họ đã giật ngay 5.000đ trên tay mình”.

Gói tăm mang tên “tăm tình thương”
Gói tăm mang tên “tăm tình thương”

Trần Thị Huệ (SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng là một trong những nạn nhân từng bị lừa. Huệ mua tăm nhưng không có tiền lẻ và đã được những người bán tăm trả lại, không chút nghi ngờ, cô bạn đinh ninh là đúng và vui vẻ vì vừa làm từ thiện. Nhưng khi dùng số tiền đó để trả tại shop thời trang, cô mới tá hỏa biết mình bị lừa khi đó là tiền giả, tiền rách mất góc và cũng biết người bán tăm kia không ở tổ chức từ thiện nào.

Ngoài những trò lừa đảo dưới mác bán tăm nhân đạo, việc bán kẹo cao su theo phương thức “dai như đỉa” cũng được rất nhiều đối tượng sử dụng. Địa điểm tập trung đông nhất các nhóm bán kẹo là những điểm ăn nhậu, trà chanh vỉa hè. Để ép khách mua kẹo, nhiều người sẵn sàng lao vào đấm lưng, bóp vai gây phiền phức cho khách.

Anh Nguyễn Văn Hiền (trú tại Ngã Tư Sở, Quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi gặp rất nhiều trường hợp bán kẹo cao su ở các quán nhậu. Tôi nghĩ chưa chắc họ khổ thật như họ nói vì lần nào ra tôi cũng gặp họ, mà hình như hoạt động theo địa bàn, cứ đi theo đoàn rồi vòng đi vòng lại. Biết thế mà nhiều lần vẫn phải mua vì mấy đứa cứ đấm vai, bóp tay lại ca tụng, nhõng nhẽo bên cạnh mình”.

Tung hoành theo thời vụ

Những đối tượng lừa đảo không xuất hiện ở tất cả các địa điểm mà kén chọn địa điểm để hoạt động theo từng “vụ mùa”.

Các nhóm bán kẹo cao su thường chọn quán bia, quán nước mía, trà chanh khi mùa hè, và chuyển địa bàn sang các quán nướng, quán nhậu vỉa hè vào mùa đông. Mất mỹ quan hơn khi chúng trèo kéo, ép người nước ngoài mua kẹo ở Hồ Gươm, các tuyến phố trung tâm và luôn tỏ ra rất thương tâm để lấy lòng khách hàng.

Địa bàn hoạt động bán tăm núp bóng nhân đạo thì hầu hết các điểm công cộng, đông người và hướng sự chú ý vào những người chân ướt chân ráo mới đến Hà Nội.

Những đối tượng kiếm lời qua hình thức bán tăm nhân đạo còn lần mò đến một số bệnh viện lớn để chèo kéo với lời mời chào “Mua tăm nhân đạo sẽ mang may mắn đến cho người bệnh”.
 
Nhiều trường hợp xin tiền tại các bến xe
Nhiều trường hợp xin tiền tại các bến xe

Bà Phạm Thu Thảo (Nam Định) đang chăm người nhà tại bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Thấy người ta bán vì nhân đạo nên mình cũng mua, nghĩ bụng là tích phúc đức cho người nhà. Ai ngờ vào nói chuyện với mấy người cùng phòng mới biết mình mắc lừa. Cũng chẳng đáng bao nhiêu, nhưng nghĩ họ lợi dụng lòng tốt của mọi người, bảo vệ, hay quản lý cũng không can thiệp gì nên cũng bực mình”.

Hiện tượng lừa đảo dưới mác nhân đạo vẫn đang diễn ra gây nên sự phiền phức cho nhiều người dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức từ thiện chân chính và mất văn minh nơi đô thị.

Bài và ảnh: Vũ Thúy - Trần Hằng