Lời xin lỗi của bí thư Thành ủy Hà Nội

“Tôi thực sự lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người”, chiều 5/11/2008, bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị đã nói như trên, sau khi ông có “những lời lẽ” mà chính ông thừa nhận, đã “gây nên sự bức xúc và bị phê phán”.

Các chính trị gia trên thế giới vẫn thường lỡ lời. Các quan quan chức Việt Nam lỡ lời cũng không phải là chuyện hiếm. Nhưng, ông Phạm Quang Nghị, có thể nói đã trở thành một quan chức trong nước, rất hiếm hoi, lựa chọn cách ứng xử văn minh: thấy sai thì “xin lỗi”.

 

Ba ngày trước đó, khi trả lời phỏng vấn qua điện thoại của phóng viên Vietnamnet về tình hình chống lũ, ông Nghị nói: “Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm”. Câu nói của ông lập tức bị phản ứng.

 

Chắc hẳn, dân chúng và, đặc biệt, những người làm báo ở Việt Nam sẽ có cảm nhận tích cực với lời xin lỗi của ông bí thư Thành uỷ Hà Nội. Thời gian qua, nhiều nhà báo đã từng phải điêu đứng, phải “tường trình” lên “tường trình” xuống, khi đăng những phát biểu của các quan chức mà sau đó, những phát biểu ấy bị dư luận hoặc bị cấp trên phê phán. Uỷ viên bộ Chính trị Phạm Quang Nghị đã không lựa chọn cách ứng xử như vậy, cho dù ông có thể “đổ lỗi” cho phóng viên và gây sức ép để tờ báo này rút bài báo xuống.

 

Có thể vì đã từng là Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin, ông Phạm Quang Nghị hiểu sức mạnh của truyền thông, việc “xử lý” một tờ báo hay vài phóng viên không làm thay đổi nhận thức của những người dân đã đọc được những lời phát biểu ấy. Nhưng, có lẽ, điều quan trọng hơn, sau những ngày mục kích cuộc sống của những người dân trong lũ, chính ông nhận thấy, không phải là dân chúng ngày nay “cứ chờ trên về, cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia”. Người dân đã chống chọi hết sức mình trong mưa lũ. Hơn 20 người đã chết, hàng triệu người dân bị kẹt trong lũ ngay giữa thủ đô vì một hệ thống hạ tầng yếu kém, vì khả năng dự báo chưa tốt, vì phản ứng lúng túng trong ngày đầu tiên, và vì, cho tới nay, cuộc sống của người dân vẫn chưa trở lại bình thường.

 

Lời xin lỗi của ông Phạm Quang Nghị, về mặt cá nhân, sẽ tìm kiếm được không ít cảm thông, rằng ông đã nói như thế, khi đang lo lắng và có nhiều bức xúc; về phương diện chung, hy vọng lựa chọn của ông Nghị, một Uỷ viên Bộ Chính trị, sẽ bắt đầu đưa “xin lỗi” trở thành “văn hoá ứng xử”, nhất là ứng xử với dân, được ứng dụng trong hệ thống, càng ngày càng rộng rãi.

 

Theo Huy Đức
Sài Gòn Tiếp Thị