Lời tri ân tháng 7

(Dân trí) - Để có được ngày hôm nay sống trong tự do, hòa bình và hạnh phúc đã có không biết bao người ngã xuống. Hướng về ngày 27/7, bạn đọc Dân trí gửi những tình cảm chân thành, lời biết ơn sâu sắc nhất tới những người anh hùng, liệt sĩ...

Câu chuyện về Ngã Ba Đồng Lộc cùng 10 nữ thanh niên xung phong đã đi vào những trang sử hào hùng của dân tộc. Và sẽ thật thiếu sót nếu như không nhắc đến nữ anh hùng đếm bom La Thị Tám, chứng nhân của Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại năm xưa.

 

Hình ảnh hiên ngang, gan dạ của cô gái trẻ 18 tuổi La Thị Tám đã đi vào bài hát nổi tiếng “Người con gái sông La” của nhạc sĩ Doãn Nho. Dù có nhiều cống hiến trong chiến tranh, nhưng chị vẫn khiêm tốn nói rằng “Vinh quang, công lao thuộc về tập thể”, khiến bao người cảm phục.

 

“Thật là khâm phục những người phụ nữ quả cảm và anh dũng. Đọc qua bài báo cháu thấy cô Tám dũng cảm vô cùng khi đứng dưới làn bom đạn của quân thù mà không hề sợ hãi, quyết chiến đấu vì mảnh đất quê hương khi mới 18 tuổi tròn. Chúng cháu là lớp thanh niên sau này cần phải học tập tấm gương của cô” - Lê Hiếu: vnecohieu@gmail.com chia sẻ.

 

Xúc độc khi đọc bài viết về anh hùng La Thị Tám, độc giả Nguyen Ngoc Hien: hienhcb@yahoo.com  viết: “Cháu rất ngưỡng mộ cô. Những cống hiến của nhiều chiến sỹ bảo vệ độc lập, tự do cho đất nước trong đó có cô, đã được lịch sử ghi nhận, các thế hệ con cháu luôn ghi nhớ và trân trọng. Chỉ cần nghe bài hát "Người con gái sông La" mà nước mắt cháu đã muốn trào ra vì xúc động, rung động trước những hy sinh to lớn của những người phụ nữ như cô đã cống hiến cho Tổ quốc nói chung và chúng cháu nói riêng có được cuộc sống như ngày hôm nay. Cho phép cháu kính chúc cô và gia đình sức khỏe và hạnh phúc”.


Lời tri ân tháng 7 - 1

Nữ anh hùng Lê Thị Tám lần dở những tấm ảnh chị chụp cùng đồng đội thời thanh xuân. (Ảnh: T.T)

 

Đã có dịp tới thăm Ngã ba Đồng Lộc, Thanh Nhàn: thanhnhan_p@gmail.com càng cảm nhận được sự gan dạ của các nữ anh hùng: “Cháu cũng đã được đi thăm  ngã ba Đồng Lộc, được nghe giới thiệu rất nhiều về các cô. Ngay khi đọc tiêu đề cháu đã biết ngay bài báo đã nói đến nữ anh hùng La Thị Tám. Xem trên mô hình sẽ thấy rõ hơn 1 đốm sáng nhỏ giữa bạt ngàn rừng núi, chạy đi chạy lại từ đỉnh đồi xuống rồi lại lên. Cháu thực sự rất ngưỡng mộ cô! Cháu chúc cô và gia đình luôn mạnh khoẻ và tràn đầy sức trẻ, hạnh phúc!”.

 

“Có lẽ những ai đã sống và đi qua hai thời: chiến tranh và hòa bình mới thấu hiểu những nỗi đau, những khó khăn vất vả và biết quý trọng cuộc sống. Và những thế hệ ấy thật sự là những người yêu nước, không sợ hi sinh, sẵn sàng làm hết sức mình để bảo vệ Tổ quốc. Xin cảm ơn bác và những đồng đội của bác đã góp phần đem lại độc lập tự do và niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam” - Hoa Hoa: nuhon_vungve1986@yahoo.com bày tỏ.

 

Là một trong những người cùng thời với chị La Thị Tám, ông Ngô Song Trí - 82 tuổi bồi hồi ôn lại những kỷ niệm "đạn bom" mà cũng rất thắm đượm tình người.

 

“O Tám à! Chắc O chẳng nhớ tôi nhưng tôi mãi vẫn nhớ O, nhớ những ngày gian khổ, kiên cường của các O. Nhớ lúc được cùng PCT chui vào lều 'cũi chó' của các O ven đường (à mà sao O không kể lại cảnh này để truyền thông biết dựng lại)... Được nghe PCT kể lúc nắng các O vui như Tết cảnh giới ngã ba: đếm bom, lấp hố bom để hàng đoàn xe qua. Nhưng những lúc mưa, rúc trong lều, ôm nhau khóc, chẳng rõ tương lai ra sao, khi tuổi thanh xuân đã qua, cái già sồng sộc đến, chồng con không... khiến PCT phải ra sức dỗ dành.

 

Các bạn tôi cùng có trong ảnh với O trong hố bom nay đã khuất, người còn lại chỉ hai, ba. Hi vọng khi O ra thăm gia đình cháu Trinh, tôi được gặp lại để cùng nhớ lại chuyện xưa kể cho các cháu nhà tôi. Chúc O và anh cùng các cháu mãi hạnh phúc. Đ/c của tôi: Ô. Trí 50 Hàng Bài - Hà Nội (nhà trong)”.
 
Lời tri ân tháng 7 - 2

Cô Bảy bên mộ liệt sĩ Võ Thị Thư - một trong những đồng đội được kết nạp Đảng vào năm 1964. (Ảnh: L.T)

 

Một câu chuyện khác về nghĩa cử cao đẹp của người bán vé số ở Đồng Tháp - nữ thương binh 1/4 Đặng Thị Bảy cũng làm nhiều người xúc động và ngưỡng mộ. Trên người còn mang nhiều thương tích là vậy, nhưng cô Bảy (cái tên mà người dân trìu mến gọi bà Đặng Thị Bảy) vẫn thuyết phục bằng được lãnh đạo xã nhà cho cô đóng góp để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ.

 
“Nước mắt tự nhiên chảy xuống khi đọc bài báo viết về chị Đặng Thị Bảy. Xin nghiêng mình cảm phục chị bằng những việc làm thiết thực từ tấm lòng để thực hiện lời hứa. Vong linh của các anh hùng liệt sĩ sẽ được ấm áp và mãn nguyện, bởi họ vẫn còn được những người đồng đội, đồng chí, đảng viên chân chính như chị nhớ đến họ...” - Chí Công: chicong888@yahoo.com  xúc động chia sẻ.

 

Đồng cảm với những lời tâm sự của cô Bảy, Hồ Ngọc Vinh: Vinhho8384@gmail.com rơi lệ: “Thật đáng ngưỡng mộ và khâm phục đức hi sinh cao cả của Mẹ. Người là hiện thân trọn vẹn và bất tử cho những người Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đọc đến dòng Người đã “Gửi lại cuộc chiến tranh vệ quốc cả tuổi xuân thì và một nửa thân thể, giờ đây lại mang cả gia tài gặng chắt cả đời để lo cho đồng đội...", chúng con xúc động không cầm được nước mắt. Sự hi sinh ấy quá đỗi lớn lao, nghĩa cử ấy quá đỗi cao đẹp. Xin gửi đến Mẹ Bảy lòng tri ân sâu sắc của tất cả chúng con!”

 

“Đất nước mình đã có nhiều người Mẹ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc như thế. Các Mẹ tiếp tục là dòng suối tắm mát cho đời, là tấm gương rạng ngời cho thế hệ trẻ chúng con noi theo. Chúng con xin hứa sẽ làm tất cả những gì có thể để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúc Mẹ nhiều sức khỏe và sống vui, thanh thản với con cháu”, độc giả này nói thêm.

 

“Đọc bài viết  về người chiến sĩ cách mạng (Bảy Nhỏ)  Đặng Thị Bảy, tôi thật sự xúc động - cảm xúc dâng trào đến nghẹn ngào. Tôi thật tự hào về người đồng đội vẫn giữ vững chí khí Bộ Đội Cụ Hồ giữa đời thường trong khi tuổi tác đã cao, trên mình còn nhiều thương tích, bệnh tật ... Tấm gương của bà là sự động viên, nhắc nhở chúng ta luôn tỏ rõ khí tiết ở mọi hoàn cảnh, sẵn sàng hi sinh, san sẻ vì nghĩa cử cao đẹp ... !!! Chúc chị Bảy luôn mạnh khỏe và hạnh phúc bên con cháu!” - Nguyễn Công Ninh: dungninh@gmail.com nghẹn ngào.

 

Cho rằng nghĩa cử cao đẹp của bà Đặng Thị Bảy không phải ai cũng có thể làm được, thậm chí cả những người khá giả về kinh tế, Phungfp: phungfp@gmail.com bày tỏ: “Vừa đọc xong thì không biết sao tôi lại khóc, tôi khóc vì quá cảm động trước tấm lòng cao cả của người chiến sĩ - thương binh nặng Đặng Thị Bảy. Ngay giữa lúc đồng tiền làm mờ mắt bao người, mà vẫn còn một bông hoa vĩ đại như thế. Mong sao sẽ còn nhiều, nhiều bông hoa vĩ đại nữa để tô thắm cho đời người. Cám ơn Chị - một bông hoa vĩ đại”.  

 

Những việc làm của các mẹ, các anh và các chị không chỉ là bài học về đức hi sinh, về tinh thần đoàn kết mà sẽ mãi mãi là tấm gương đạo đức cho các thế hệ trẻ noi theo.

 

Một lần nữa, xin dành những lời tri ân gửi đến những người đã hy sinh một phần xương máu của mình để góp phần giành độc lập, tự do cho dân tộc, đem lại cuộc sống hòa bình, hạnh phúc cho tất cả chúng ta hôm nay... 

 

Trần Bách