Ba phút cùng luật sư:

Loại hình tội phạm "Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" được xác định khi nào?

(Dân trí) - Trong nhiều trường hợp bị áp bức cực lớn khiến người ta kích động, bùng phát và giết người. Tội danh “Giết người trong trạng tái tinh thần bị kích động mạnh” sẽ bị xử lý nhẹ hơn tội danh “Giết người”. Tuy nhiên, để xác định tình trạng tinh thần kích động hay kích động mạnh khi gây án là không dễ dàng.

Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này của báo Dân trí, luật sư Nguyễn Đức Chánh - cộng tác viên Thư viện Pháp luật, sẽ tư vấn cho bạn đọc rõ hơn tội danh “Giết người trong trạng tái tinh thần bị kích động mạnh” và tính pháp lý của việc xác định tình trạng tinh thần kích động hay kích động mạnh khi gây án.

Thế nào là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?

Vụ án ông Nguyễn Văn Nam (SN 1958, ngụ quận Gò Vấp) chém chết con rể là là bị hại Tôn Thanh Việt rồi chở xác đến trụ sở công an đầu thú đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Một số bạn đọc thắc mắc tại sao TAND TPHCM lại ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại với lý do “có dấu hiệu phạm tội khác nghiêm trọng hơn”. Ông có thể giải thích cho bạn đọc hiểu trường hợp này, thưa luật sư?

Viện kiểm sát ra Cáo trạng để truy tố ông Nam về “Tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo Điều 95 BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) là trên cơ sở nhận định rằng khi thực hiện hành vi giết con rể là bị hại Việt, thì ông Nam thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của bị hại gây ra với con gái mình cũng như đe dọa những người thân trong gia đình mình. Việc này lặp lại nhiều lần trong thời gian dài trước khi vụ án xảy ra…

Còn Hội đồng xét xử của TAND TPHCM thì cho rằng bị cáo Nam có dấu hiệu phạm tội nặng hơn là “Giết người” theo Điều 93 BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) với tình tiết “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra”. Do đó, TAND TPHCM trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.

Theo luật sư, việc xác định người gây án trong tình trạng kích động hay kích động mạnh là rất khó khăn
Theo luật sư, việc xác định người gây án trong tình trạng kích động hay kích động mạnh là rất khó khăn

Tình trạng tinh thần kích động hay kích động mạnh được hiểu như thế nào thưa luật sư?

Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người.

Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.

Theo quy định pháp luật thì việc xác định phạm tội trong trạng thái “tinh thần bị kích động mạnh” hay chỉ là “bị kích động” có dễ dàng không thưa luật sư?

Hiện nay cả về lý luận và thực tiễn để xác định ranh giới giữa “tinh thần bị kích động” và “tinh thần bị kích động mạnh” là rất khó.

Theo hướng dẫn tại điểm b Mục 1 Chương 2 Nghị quyết số 04/HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì để có thể xác định tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không và để phân biệt giữa “kích động” với “kích động mạnh”, cần xem xét một cách khác quan, toàn diện các mặt: thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, diễn biến, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc; mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội, trình độ văn hóa, chính trị, tính tình, cá tính của mỗi bên; mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân với tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội.

Vâng, xin cảm ơn luật sư Nguyễn Đức Chánh và Thư viện Pháp luật đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)