Bài 6:

Lãnh đạo huyện đi xe hơi nhận nhà nghĩa tình “khủng” từng thoát kỷ luật như thế nào?

(Dân trí) - Gần 3 năm sau khi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định cắt trợ cấp chất độc hóa học, ông Lê Văn Tuấn mới nộp lại số tiền hơn 43 triệu đồng đã lãnh trước đó. Lãnh đạo Sở cho biết ông Tuấn tự giác nên không truy cứu việc ông khai man hồ sơ.

Lãnh đạo huyện đi xe hơi nhận nhà nghĩa tình “khủng” từng thoát kỷ luật như thế nào? - 1
Lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Tây Ninh khẳng định việc ông Tuấn không bị xử lý là đúng quy định.

Sau khi Dân trí đăng tải loạt bài viết về việc ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch HĐND, ủy viên thường vụ Huyện ủy Châu Thành nhận nhà nghĩa tình gần 300 triệu đồng, đã có nhiều ý kiến phản hồi đa chiều từ độc giả.

Ông Tuấn cũng từng khai man lý lịch để hưởng chế độ dành cho nạn nhất nhiễm chất độc da cam từ 2012-2013. Nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao UBND huyện Châu Thành không tiến hành kỷ luật ông Tuấn, thậm chí giấu kín chuyện này trong nhiều năm qua. Nhiệm kỳ 2016-2021, ông Tuấn vẫn được giữ chức danh Phó Chủ tịch HĐND, ủy viên thường vụ Huyện ủy. 

Trao đổi với PV Dân trí về những thắc mắc trên, bà Nguyễn Thị Nhiều - Phó Giám đốc sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết: "Thời điểm đó Sở kiểm tra hồ sơ chính sách thủ tục, đầy đủ giấy tờ là mình ra quyết định đối với các trường hợp được hưởng chế độ dành cho người nhiễm chất độc hóa học. Sau đó phát hiện khai man hồ sơ thì mình thu hồi, có quyết định thu hồi số tiền mà người khai man đã lãnh. Trường hợp ông Lê Văn Tuấn tự giác, có đơn đề nghị ngưng nhận trợ cấp nên mình không xử lý. Nói chung anh Tuấn là thương binh, mình nghĩ ảnh thấy sai rồi nên thôi".

Lãnh đạo huyện đi xe hơi nhận nhà nghĩa tình “khủng” từng thoát kỷ luật như thế nào? - 2
Ông Tuấn cũng là lãnh đạo nhận được nhà nghĩa tình "khủng" gây xôn xao dư luận.

Khi PV trao đổi về việc ông Tuấn bị Chi hội CCB ấp Thanh Phước xã Thanh Điền phát hiện lãnh trợ cấp và có kiến nghị với UBND huyện, Sở LĐTB&XH thì ông Tuấn mới viết đơn xin ngưng trợ cấp, lãnh đạo phòng Người có công thuộc Sở cho biết Chi hội CCB chỉ phát hiện ban đầu, ngay sau đó ông Tuấn đã làm đơn xin khắc phục trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc.

"Chi hội chỉ phát hiện bước đầu, thời gian này chưa có cơ quan nào điều tra. Trong thời gian điều tra, không căn cứ vào biên bản của HCCB ấp Thanh Phước mà căn cứ vào đơn ông Tuấn tự nguyện nộp. Chi hội ấp không phải cơ quan điều tra, chi bộ ấp không có chức năng này. Nếu ông Tuấn nộp đơn sau khi cơ quan điều tra vào cuộc thì đó là không tự nguyện. Ở đây, ông Tuấn nộp đơn trước khi cơ quan điều tra vào cuộc nên là tự nguyện", ông Ngụy Hoàng Châu Duy - Phó trưởng Phòng Người có công - Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết.

Theo ông Duy, tháng 1/2014, Sở đã ban hành quyết định thu hồi số tiền ông Tuấn đã hưởng từ 1/2/2012- 31/12/2013 là 43.962.800 đồng. Tháng 8/2016, sau 2 năm 7 tháng nhận quyết định, ông Tuấn đã nộp đầy đủ số tiền trên. Quyết định không nêu rõ thời gian phải nộp lại số tiền thu hồi nên ông Tuấn nộp sau gần 3 năm cũng không sao.

Lãnh đạo huyện đi xe hơi nhận nhà nghĩa tình “khủng” từng thoát kỷ luật như thế nào? - 3
Sau gần 3 năm bị thu hồi, ông Tuấn nộp lại số tiền hơn 43 triệu nhận chính sách sai.

Về thủ tục xét duyệt hồ sơ, ông Duy cho biết Sở khi nhận hồ sơ thì hồ sơ của ông Tuấn đã đầy đủ. "Lúc đó, hồ sơ của ông Tuấn đầy đủ thủ tục giấy tờ. Xác nhận ở địa phương ông có bệnh. Trong hồ sơ có giám định y khoa. Thẩm định đủ về mặt pháp lý.  Việc thẩm định không quy định hộ khẩu nên ông Tuấn ngụ xã Thanh Điền nhưng vẫn có thể hưởng chế độ ở xã An Bình", ông Duy nói thêm. 

Cũng theo ông Duy, trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm trên thuộc cấp cơ sở, Sở chỉ là nơi tiếp nhận: "Đầu tiên là trách nhiệm ở xã, xong tới huyện, Sở là nơi cuối cùng. Do vậy, nếu có sai sót thì ông xã chịu trách nhiệm".

Trái ngược với ý kiến lãnh đạo Sở, ông Trần Quốc Bảo - Phó Chánh Thanh tra Sở lại tỏ ra khá bất ngờ vì ông Tuấn không bị xử lý kỷ luật sau khi khai man hồ sơ. Ông Bảo cho rằng, trường hợp của ông Tuấn cần được xem xét kỷ luật về mặt Đảng cũng như về mặt công chức. Những cán bộ xử lý hồ sơ để xảy ra sai phạm cũng cần xử lý, thậm chí buộc thôi việc nếu vi phạm nghiêm trọng. 

Lãnh đạo huyện đi xe hơi nhận nhà nghĩa tình “khủng” từng thoát kỷ luật như thế nào? - 4
Ông Tuấn khai man hồ sơ để được nhận chế độ chính sách.

Để làm rõ vụ việc trên, PV Dân trí đã nhiều lần liên hệ với ông Phạm Văn Tân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh nhưng gần ông Tân cho biết đang đi công tác. Ông Tân hướng dẫn PV liên hệ HĐND tỉnh Tây Ninh để liên hệ làm việc nhưng lãnh đạo HĐND liên tục "bận họp". 

Trước đó, như Dân trí đã thông tin, năm 2012, ông Tuấn đã tự chỉnh sửa bản khai lý lịch cá nhân, ghi thêm phần thông tin ông tham gia du kích trước năm 1975 để hưởng chính sách chế độ chất độc da cam. Mặc dù ông Tuấn thường trú tại xã Thanh Điền, huyện Châu Thành nhưng ông lại được hưởng chính sách chế độ chất độc da cam tại xã An Bình, huyện Châu Thành. 

Ngày 13/11/2013, sau khi phát hiện sự việc khác thường của ông Tuấn, Chi hội CCB ấp Thanh Phước xã Thanh Điền đã họp khẩn với sự tham gia của 28 hội viên xác định ông Tuấn tham gia bộ đội từ sau 1975, không thuộc diện hưởng chính sách này. Sau đó, ngày 23/12/2013, ông Tuấn đã nộp đơn xin cắt trợ cấp nạn nhân chất độc hóa học với lý do tham gia cách mạng sau năm 1975 và được chấp thuận. Ông Tuấn không hề bị xử lý hay kỷ luật sau vụ việc trên. 

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc. 

Xuân Hinh - Phạm Nguyễn