Bạn đọc viết:

Kiến trúc xanh trên nền xanh quê hương

(Dân trí) – Nhìn lại những thành phố du lịch hóa bằng cách “bán” bờ biển làm resort, những thành phố cảng biển sống mòn sau cơn lốc bất động sản… mới thấy cần một cách nghĩ mới, để phát triển trong thế bình ổn mới mong mảnh đất hình chữ S mãi xanh tươi…

Những bản vẽ kiến trúc tràn ngập màu xanh

Ngày 21/4/2012, lần đầu tiên Hội KTS Việt Nam tuyển chọn, công bố 11 công trình kiến trúc Xanh, dựa trên 5 tiêu chí, quan trọng nhất là phải phù hợp với điều kiện của nền kinh tế đất nước… Ngoài Nhà cộng đồng Suối Rè – Hòa Bình và trường THCS Phan Chu Trinh là những công trình “bình dân”, có chức năng công cộng, còn lại đều là các khu resort tư nhân, biệt thự cao cấp, quán café, khách sạn sang trọng... thuộc loại cao cấp so với mặt bằng đời sống hiện tại.

Hình ảnh chung, trừ Nhà cộng đồng Suối Rè tường đất,  mái rạ, vì kèo tre hóp đá, cầu thang trúc ngâm có mầu vàng khè chủ đạo, các công trình còn lại đều phủ màu xanh tràn ngập từ pano trình bày đến thực tế công trình, từ màu xanh mặt nước, cây cối, thảm cỏ đến từng bậc đã rêu phong.
 
Kiến trúc xanh trên nền xanh quê hương
Tràn lan các khu đô thị không người ở, bất động sản ế ẩm trên đất Ai-len.

Một câu chuyện khác từ Dublin - thủ đô Ai- len. Ghé thăm xưởng thiết kế của KTS O’ Brian, người xem không khỏi ngỡ ngàng trước ngôi nhà văn phòng ốp tre, trang trí bằng tre nứa. Những cây tre này do một nhóm nghệ sĩ mang từ Thượng Hải (Trung Quốc) sang, dựng một dàn giáo lớn, buộc bằng dây nilon, nằm ngay tại quảng trường trung tâm Dublin. Tác phẩm sắp đặt mô tả cơn bão đầu cơ bất động sản của Ai-len - những dự án khổng lồ có số phận mong manh như dàn giáo bằng tre trước dông bão vậy.

Văn phòng của vị KTS có tường giữ nhiệt bằng vật liệu địa phương, có các ống phân loại rác như chai nhựa, thủy tinh, giấy vụn... Nhưng ấn tượng hơn cả bởi những chi tiết bằng tre đã nhắc nhở sâu sắc về  hậu quả của việc đầu cơ bất động sản tràn lan đã làm suy yếu cả nền kinh tế đất nước, khiến mỗi người dân Ai-len đều phải đối mặt với  những  khó khăn hiện tại.

Dự án nhà ở Cloughjordan do KTS O’Brian chủ trì cách thành phố 40km, dùng rất ít bản vẽ kiến trúc mà chủ yếu dùng biểu đồ và các bảng tính toán. Ví dụ với mức độ tiêu dùng của người Ai-len hiện tại cần đến 3 trái đất mới đủ nguồn vật chất, tài nguyên đáp ứng, so với sự tiết kiệm của người Ấn Độ, tiêu dùng tài nguyên chỉ bằng 1/10 những nước phát triển cao... Dự án khu nhà ở này hướng đến thông điệp không lấy đi những gì tự nhiên đang có tại địa điểm thực hiện. Khu đất dự án vốn là vùng ruộng trũng, có mương nước, bãi cỏ lau và những thửa ruộng vườn cây… Việc xây thêm vài chục căn nhà tại đó chỉ là sự xắp xếp cho phù hợp. Diện tích ngập nước được giữ nguyên. Rừng lau lách có thêm chức năng lọc nước thải. Nhà ở trong dự án do chủ nhà tự thuê thiết kế và xây dựng, chỉ cần tuân thủ các tiêu chí về sinh thái theo quy hoạch. Vì vậy  hình thức các ngôi nhà rất  đa dạng, tiết kiệm chi phí xây lắp. Dự án phát triển nhanh ngay cả khi thị trường BĐS Ai-len sụp đổ, giá nhà chỉ còn một nửa. Điều đó chứng minh vấn đề, tư duy kiến trúc Xanh thực chất là sự thân thiện với thiên nhiên, với hiện tại và tương lai, có sức sống ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn.
Kiến trúc xanh trên nền xanh quê hương
Quan điểm bảo tồn những thảm cỏ, đồng trũng tự nhiên.
 

Thành phố Xanh và lối sống Xanh

Việt Nam vốn là mảnh đất của màu xanh. Những năm sau 1975, đi  tầu Thống Nhất băng qua những núi đồi làng quê xơ xác đạn bom, trơ trọi những quả đồi đất đỏ dưới cái nắng chói trang... Vậy mà chỉ ít  năm sau, rừng cây đã phủ xanh đồi trọc, những ruộng lúa xanh rờn đã hàn kín dấu vết loang lổ của chiến tranh. Những  dòng sông đầy ắp dòng nước trong trẻo dẫn nước vào đồng, tàu thuyền ra khơi  đưa cá tôm từ biển xa cập bến...

Gần  đây, nhiều vùng đất nước đã đô thị hóa với tốc độ cao. Có thành phố cảng miền Trung đặt  mục tiêu vươn lên tầm quốc gia và khu vực, dân số tăng  gấp 4-5 lần. Để đạt mục tiêu ấy, hàng chục cây số bờ biển với  rừng phi lao chắn sóng nhanh chóng bị san phẳng để  trở thành các BĐS cao cấp  xen giữa sân golf với thảm cỏ nhật, hàng cau vua, hoa lá sặc sỡ. Những làng chài được tái định cư bên trong con đường trải nhựa, trên nền những đầm tôm đã được san lấp. Cả vùng nông nghiệp ven đô cũng đã được đưa vào tầm ngắm làm khu công nghệ cao và xây trường đại học hy vọng thu hút hàng triệu sinh viên và lao động có chất xám và tay nghề cao...

Những chuyện trăm năm như vậy là chỉ tính làm có vài năm. Tình huống xấu khi thực hiện vào lúc suy thoái toàn cầu, thành phố du lịch thưa thớt khách, thành phố cảng thì cảng nông, tàu lớn không vào được, khu công nghiệp liền cảng không sản xuất mà chỉ  làm kho trung chuyển, đại lý phân phối hàng hóa chở bằng đường bộ. Thị trường BĐS ế ẩm khiến cả chục ngàn cơ sở, đơn vị ở đóng băng – đắp chiếu, các nhà đầu tư nghiệp dư ồn ào lao đến một thời nay lẳng lặng tháo chạy. Kế hoạch đô thị hóa gắn với phát triển KT-XH dài hạn biến tướng thành cơn đầu cơ BĐS chụp giật, ngắn hạn...
 
Kiến trúc xanh trên nền xanh quê hương
Những mương nước tái tạo dẫn đến cánh đồng là hình ảnh thể hiện tư duy bảo tồn nông nghiệp.
 
Tại một tỉnh  đồng bằng trung du Bắc Bộ, nơi không có cảng biển cũng chẳng có mỏ sắt mỏ than, thủy điện hay khu du lịch... chỉ có dòng sông uốn lượn lững lờ chở nước từ các hồ lớn trên đồi cao đổ xuống những nhánh sông len lỏi chảy vào ruộng trũng. Tỉnh nhỏ, chỉ 1,5 triệu dân nhưng  nuôi 16 triệu con gà, hơn 1 triệu con lợn, luôn đứng top 10 toàn quốc, lại có vùng cây quả đặc sản... Mấy năm say sưa chuyển dịch cơ cấu, hàng loạt lò gạch thủ công mọc ven các con sông, khiến ruộng vườn úa vàng, khói bụi khét lẹt. Đồng ruộng với hệ thống thủy lợi chăm chút mấy chục năm bị san lấp sau vài tháng để rồi nằm trơ đó năm này qua năm khác. Khu công nghiệp không xây, nhà máy cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Đô thị hóa dở dang, có xây nhà ở cũng không có người đến ở

Những ví dụ trên cho thấy đã đến lúc cần có cách nghĩ khác mới mong quê hương đất nước mãi xanh tươi, thành phố hay xóm làng có niềm vui dư thừa cái ăn, cái mặc, không khí mát sạch, nguồn nước xanh trong. Phát triển trong thế bình ổn ngay giữa thời buổi bất lợi nhất mới là cách  nghĩ của lối  sống  xanh mà người Việt đã rèn giũa tự bao đời: khoan hòa, cần kiệm, lo xa.

KTS Trần Huy Ánh