Kiên Giang: Một gia đình cách mạng mất đất vì “lệ làng thua phép vua”

(Dân trí) - Người xưa thường nói “phép vua thua lệ làng” nhưng trong trường hợp mất 62,3m2 đất của bà Hoa là trường hợp ngược lại đến khó hiểu. Bởi nguồn gốc đất của bà Hoa được chính quyền địa phương, người chiếm đất công nhận, nhưng lãnh đạo huyện và tỉnh Kiên Giang đều bác bỏ…

Đất của gia tộc…

Trong đơn yêu cầu giải quyết đất ở gửi đến cơ quan chức năng và báo điện tử Dân trí, bà Phan Thị Hoa (1943) ngụ tổ 11, Khu phố 4 (nay là khu phố 8), thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trình bày về việc tranh chấp 62,3m2 đất ở với ông Nguyễn Văn Cu (tự là Cả - cùng ngụ khu vực với bà Hoa). Theo bà Hoa, phần đất  tranh chấp với ông Cả nằm trong thửa 147, tờ bản đồ 72 với tổng diện tích khoảng 700m2 do bà đứng tên và nguồn gốc phần đất này bà được thừa hưởng từ cha mẹ giao lại.

Cụ thể, trước đây phần đất này là của ông cố Phan Văn Mung khai phá từ năm 1932, sau đó để lại cho con trai út là ông Phan Văn Đủ, vợ chồng ông Đủ không có con, khi ông chết để lại tờ di ngôn (được lập 11/9/1983), chia phần đất cho 4 anh em, trong đó có ông Phan Văn Búp là ông nội của bà Hoa được hưởng 1 phần đất như 03 hộ còn lại với diện tích 13m x 50m.

Kiên Giang: Một gia đình cách mạng mất đất vì “lệ làng thua phép vua”
Bà Phan Thị Hoa cho biết mặc dù nguồn gốc đất đai rõ ràng nhưng cấp huyện và tỉnh không xem xét thấu đáo cho gia đình bà.

Đến ngày 19/3/1986, anh em, con cháu của ông Phan Văn Đủ thực hiện chia phần đất theo duy ngôn của ông có sự chứng kiến của Trưởng khu phố 4 là ông Đinh Văn Châm và có sự tham dự của cha mẹ ông Cả là ông Nguyễn Văn Đực và bà Trần Thị Dững với tư cách là người liên quan. Vì khi ông Đủ còn sống, ông cho vợ chồng ông Đực, bà Dững ở đậu trên đất của ông. Do vậy, trong buổi họp chia đất biên bản còn ghi rõ: những hộ trước đây được ông Đủ cho ở nhờ thì chủ mới sẽ quản lý; hộ nào muốn sửa hay cất nhà mới phải được sự đồng ý của chủ mới và sau khi phân chia đất, 03 năm sau các hộ ở nhờ phải trao trả lại đất. Ông Đực bà Dững không có ý kiến gì.

Cha mẹ ở nhờ... đến đời con chiếm đất

Sau khi phân chia đất, cha mẹ ông Cả thực hiện đúng như nội dung biên bản phân chia đất ở của ông Phan Văn Đủ; cha mẹ ông Cả dời nhà xuống mé sông và qua đời tại đây. Tuy nhiên đến năm 1989, ông Cả tự ý cất một cái nhà nhỏ tại vị trí mà cha mẹ ông ở nhờ trên phần đất của ông Phan Văn Đủ trước đây (nay là phần đất gia đình bà Hoa sử dụng), gia đình bà Hoa thấy con cháu không có nhà ở nên cho ở nhờ, không làm giấy tờ, hơn nữa ông Cả chỉ sử dụng một diện tích nhỏ.

Kiên Giang: Một gia đình cách mạng mất đất vì “lệ làng thua phép vua”
Tờ xác nhận nguồn gốc đất của bà Hoa năm 2001, chính ông Nguyễn Văn Cu (tự Cả) khi còn làm tổ trưởng tổ 11 xác nhận.

Ngày 01/7/2012, bà Phan Thị Hoa có đơn xin xác minh nguồn gốc đất để đăng ký nhà ở, đất ở, cán bộ địa chính và tổ trưởng chính là ông Nguyễn Văn Cu (tự Cả) đã xác nhận: “phần đất này mà bà Phan Thị Hoa có là do cha mẹ là bà Nguyễn Thị Nguyễn giao quyền. Thừa kế bà sử dụng phần đất lô số 1 đã được thân tộc phân chia có biên bản kèm theo hồ sơ ngày 19/3/1986 nên bà Hoa có đất sử dụng và có giấy giao quyền cho bà Hoa, đất không có ai tranh chấp chi hết… Đề nghị cấp trên xét giải quyết”. Biên bản này có các chữ ký của Tổ trưởng, Công an khu vực, Trưởng ban khu phố 4 và 2 hộ dân làm chứng.

Đến tháng 12/2001 giữa bà Hoa và ông Cả xảy ra tranh chấp phần đất này, do vậy bà Hoa đã gửi đơn khiếu nại đến UBND thị trấn Dương Đông khiếu nại. Ngày 08/01/2002, UBND thị trấn Dương Đông có thông báo (không ghi số) giải quyết khiếu nại giữa bà Phan Thị Hoa và ông Nguyễn Văn Cu (tự Cả), trong đó, thông báo đã nêu rõ 03 nội dung: Thứ nhất UBND thị trấn Dương Đông khẳng định nguồn gốc đất là của ông Phan Văn Đủ, đến năm 1986 dòng họ tự phân chia cho thân tộc; Thứ 2, thông báo có nêu việc cha mẹ ông Cả được ông Phan Văn Đủ cho ở nhờ tại phần đất mà ông Cả đang ở, sau này chia làm 4 phần cho thân tộc; Thứ 3, UBND thị trấn Dương Đông công nhận phần đất là của gia đình bà Phan Thị Hoa nhưng việc hai bên giao trả đất là tự thương lượng thỏa thuận với nhau.

Kiên Giang: Một gia đình cách mạng mất đất vì “lệ làng thua phép vua”
Thông báo giải quyết khiếu nại phần tranh chấp đất giữa bà Hoa và ông Cả được UBND thị trấn Dương Đông công nhận là đất của bà Hoa.

Mặc dù chính quyền địa phương đã công nhận phần đất mà ông Cả đang ở là đất của bà Hoa nhưng ông Cả vẫn không chịu trả. Đến ngày 12/10/2004, lợi dụng gia đình bà Hoa đi vắng, ông Cả tự ý lấn chiếm thêm đất, che thêm mái tôn, việc này được con bà Hoa là chị Dương Thị Bích Lan ngăn cản nhưng ông Cả năn nỉ gia cảnh nghèo xin cất nhà tạm ở đến khi nào gia đình bà Hoa lấy lại đất sẽ tự ý dỡ nhà không đòi bồi thường. Lời hứa của ông Cả được thể hiện bằng văn bản, có sự chứng kiến, xác nhận của ông Dương Minh Hùng - Chủ tịch thị trấn Dương Đông.

Lãnh đạo huyện, tỉnh xem xét chưa thấu đáo

Xét những tờ biên lai thuế của gia đình bà Phan Thị Hoa đã nộp thuế cho nhà nước, bản trích lục địa chính của UBND thị trấn Dương Đông vào năm 2006 đều cho thấy bà Phan Thị Hoa là chủ sở hữu thửa đất hơn 700m2 thể hiện bản đồ số 72, thửa 147 mà hiện nay ông Cả “cát cứ” chiếm giữ 62,3m2 ở giữa thửa đất đất này.

Mặc dù nguồn gốc đất bà Hoa rõ ràng như thế, được Tổ trưởng tổ 11, Trưởng ban Khu phố 4 (nay là KP 8, UBND thị trấn Dương Đông xác nhận, đặc biệt là ngay chính ông Cả khi còn là tổ trưởng tổ 11 cũng xác nhận nguồn gốc đất là của bà Hoa. Tuy nhiên, chẳng hiểu lí do gì, năm 2005 khi bà Hoa mang đơn khiếu nại đến UBND huyện Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang, cả hai cấp đều bác đơn của bà Hoa và thừa nhận việc ông Nguyễn Văn Cả sử 62,3m2 đất trong thửa 147 của bà Hoa là hợp pháp?

Bản trích lục sơ đồ địa chính thể hiện thửa 147, bản đồ 72 là của bà Phan Thị Hoa đứng tên.
Bản trích lục sơ đồ địa chính thể hiện thửa 147, bản đồ 72 là của bà Phan Thị Hoa đứng tên.

Không đồng ý với cách giải quyết của ông chủ tịch tỉnh Bùi Ngọc Sương, gia đình bà Hoa tiếp tục khiếu nại và đến năm 2010, UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục ra quyết định 1237/QĐ – UBND ngày 04/6/2010 về việc công nhận phần đất 62,3m2 là của ông Cả. Từ quyết định này, gia đình bà Hoa trực tiếp “đội” đơn khiếu nại đến trụ sở tiếp công dân Trung ương Đảng và Nhà nước để khiếu nại quyết định 1237/QĐ –UBND và được đồng chí Nguyễn Hồng Điệp – Phó Cục trưởng, phụ trách trụ sở tiếp công dân của Trương ương Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ ghi nhận và có văn bản (số 3953/TDTW, ngày 02/11/2010) chuyển đến Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang xem xét giải quyết theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ tại văn bản số 1094/VPCP – KNTN ngày 23/02/2010 của Văn phòng Chính phủ về việc “Xử lý vướng mắc về pháp luật trong việc bảo đảm quyền khởi kiện vụ án hành chính của người khiếu nại” và văn bản số 321/TB –VPCP ngày 21/11/2008 của Văn phòng Chính phủ, đồng thời có báo cáo về Trụ sở tiếp công dân Trung ương Đảng và Nhà nước.

Tờ cam kết của ông Nguyễn Văn Cả tự ghi sẽ dỡ nhà khi trả lại đất cho bà Hoa.
Tờ cam kết của ông Nguyễn Văn Cả tự ghi sẽ dỡ nhà khi trả lại đất cho bà Hoa.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Phụng - người được bà Hoa ủy quyền cho biết: “Sau công văn của Trụ sở tiếp công dân Trung ương Đảng và Nhà nước, UBND tỉnh Kiên Giang có mời gia đình tôi đối thoại 2 lần, lần thứ nhất vào năm 2012, lần hai vào năm 2013 nhưng đến nay gia đình mẹ vợ tôi vẫn chưa nhận được một văn bản trả lời nào từ cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang. Trong những năm qua, gia đình tôi tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài Nguyên Môi Trường, Văn phòng Chính phủ… Tất cả đều có phiếu báo phát đã nhận đơn khiếu nại của gia đình tôi, nhưng đến nay sự việc của gia đình mẹ vợ tôi vẫn “biệt vô âm tín”?

Tờ cam kết của ông Nguyễn Văn Cả tự ghi sẽ dỡ nhà khi trả lại đất cho bà Hoa.
Cha ruột bà Hoa là Cố Bí thư huyện ủy Phú Quốc (1968 - 1972), anh em là liệt sỹ nhưng bà cảm thấy lãnh đạo cấp huyện, Tỉnh vẫn "ngó lơ" vụ việc của bà để kéo  dài cả chục năm qua. Từ việc này, bà không thực hiện di ngôn của ông bà xây nhà thờ tổ cho dòng họ Phan.

Bà Phan Thị Hoa chia sẻ: “Cha tôi là ông Phan Đình Thâm - Bí thư huyện ủy Phú Quốc (1968 – 1972); cậu ruột bà là liệt sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa và người anh thứ hai cũng là liệt sỹ và đang yên nghỉ ở nghĩa trang Thủ Đức… Gia đình tôi là gia đình cách mạng, từ trong chiến tranh, đến thời bình, cha, anh em, dòng họ phục vụ cho Đảng và Nhà nước hết mình, quên thân. Nhưng nay tôi có sự việc nhỏ như thế, nguồn gốc đất rõ ràng như thế nhưng chẳng hiểu sao cấp huyện, tỉnh bác yêu cầu đòi lại 62,3m2 mà ông Nguyễn Văn Cả chiếm giữ của tôi từ năm 1989. Tôi lấy lại phần đất này để cất nhà thờ cho dòng họ, nhất là bản thân tôi có trách nhiệm phải thờ ông cố Phan Văn Mung và vợ chồng ông chú Phan Văn Đủ, vì trong di chúc và biên bản phân chia tài sản của dòng họ, ông chú Phan Văn Đủ đã căn dặn mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Nguyễn phải có trách nhiệm thờ cúng ông cố Mung và vợ chồng ông khi qua đời”.

 

Nguyễn Hành