Không nên xúc phạm Người Thầy nói chung

Không ai không buồn, đau lòng trước những vụ việc vi phạm đạo đức, nhân cách của người thầy những ngày gần đây. Nhưng tôi còn thêm buồn bởi cách mà dư luận đã “đối xử” với giáo dục và Người Thầy nói chung.


Hình như “trăm dâu đổ đầu tằm”

Từ những vi phạm nhân cách, dù là nặng nề của một số giáo viên, cũng không nên đi tới kết luận: “nhân cách thầy cô suy đồi”, đấy là sự xúc phạm lớn đến lòng tự trọng của các nhà giáo chân chính.

Liên tiếp trong những ngày qua dư luận xã hội bàng hoàng trước những vụ việc liên quan đến nhân cách của người thầy. Sau vụ sinh viên Trần Xuân Thanh tạt cả thau a xít lên người thầy giáo khiến dư luận lo lắng đặt câu hỏi “điều gì đang xảy ra trong quan hệ thầy trò?”. Nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng mua bán điểm ở học đường diễn ra nhiều đến mức… bình thường. Vì vậy sự trung thực, nghiêm túc khi đánh giá cho điểm của thầy Dũng là “bất thường” nên thầy Dũng mới lãnh hậu quả. Khi vụ việc chưa nguôi thì dư luận lại hứng tiếp một cú đánh trúng đỉnh đầu bởi vụ thầy hiệu trưởng Sầm Đức Xương mua dâm nhiều học sinh vị thành niên.

 

Trước những vụ việc đó, nhiều người đã kết luận: Cho đến lúc này, chúng ta không thể ý tứ mãi hay lại mượn câu nói “Con sâu bỏ rầu nồi canh” để né tránh vấn đề quan trọng nhất của mọi nền giáo dục và ở mọi thời đại: Nhân cách thầy cô.

 

Một hiện thực rõ ràng như chúng ta đang xòe bàn tay của chính mình trước mắt mình là nhân cách của một số thầy cô bị ố nhục không còn là những trường hợp cá biệt nữa. Nó đã và đang trở thành những vết hoại tử trên cơ thể của một nền giáo dục.

 

Nhưng việc những thầy cô có những hành động thô bạo với học sinh và những ông thầy tìm mọi cách để dụ dỗ hay bắt ép học sinh thoả mãn sắc dục của mình thì không có một lý do nào để bênh vực được. Chúng ta không còn cách nào để nói về những thầy cô như thế ngoài việc gọi đó là sự suy đồi nhân cách. Và chúng ta không thể đưa ra bất cứ lý do nào để chôn vùi những sự thật đau đớn và hổ nhục kia. Bởi chôn vùi những sự thật đau đớn và hổ nhục đó giống như việc chúng ta tìm cách che giấu những “ổ dịch hạch nhân cách” đang nằm trong cơ thể của nền giáo dục chúng ta”…

 

Không ai không buồn, đau lòng trước những vụ việc đó. Nhưng tôi còn thêm buồn bởi cách mà dư luận đã “đối xử” với giáo dục - dường như trăm dâu đổ đầu giáo dục. Việc kết luận “nhân cách thầy cô suy đồi” là một sự xúc phạm tới những nhà giáo chân chính.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn 

Đành rằng, những vụ việc mà báo chí và dư luận phản ánh là có thật, là mầm bệnh cần phải cắt bỏ. Nhưng cũng nên rạch ròi, công bằng rằng đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ, những “con sâu làm rầu nồi canh”. Thực tế còn rất nhiều thầy cô giáo có tâm có tầm, âm thầm đóng góp công sức của mình cho nền giáo dục nước nhà, cho xã hội.
Tuy đời sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn song đội ngũ giáo viên trong cả nước vẫn ngày đêm miệt mài trên bục giảng, bám lớp, bám trường, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân để cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”.

 

Đã có hàng trăm, hàng ngàn giáo viên chấp nhận xa gia đình, bè bạn… lên miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo dạy học. Đã có biết bao người thầy không màng danh lợi, sống đạm bạc, suốt đời vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Không ít thầy cô giáo đã chia sẻ phần thu nhập ít ỏi của mình nuôi học sinh nghèo học giỏi.

 

Biết bao thế hệ học sinh thành đạt, nhiều người thành danh và ở cương vị lãnh đạo trong xã hội, nhưng mấy người Thầy dạy họ, đào tạo họ nên người được xã hội vinh danh? Trong khi đó, một ca sĩ hát hay, một cầu thủ bóng đá giỏi, một công an dũng cảm bắt cướp…dễ dàng được xã hội tôn vinh; còn những thầy giáo cảm hóa được không ít những học sinh “cá biệt” đứng mấp mé bên lề của những tệ nạn xã hội trở thành những người công dân hữu ích thì không ai biết đến(?!). Một doanh nhân làm từ thiện thì xã hội trân trọng, còn Người Thầy đóng góp công sức đáng kể vào việc đào tạo ra doanh nhân đó thì không ai biết công lao của họ? Một lãnh đạo vô tâm, vô tình với cấp dưới có khi vẫn được nhiều người nịnh bợ cấp trên mà nhận xét là “có tâm có tầm”; còn một thầy giáo vô tình với học sinh của mình liền bị xem là “thiếu lương tâm trách nhiệm”(?!)…

 

Bản thân người viết bài này xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó, nhưng nhờ sự quan tâm, động viên, giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất của một người thầy khi tôi đang học THPT mà hôm nay tôi trở thành một giáo viên. So với thiên hạ tôi không phải là người thành đạt, nhưng tôi luôn tự hào về nghề giáo của mình, tự hào về những học trò của mình đã, đang học ở các trường đại học, giỏi giang thành đạt trong lĩnh vực này, lĩnh vực kia…Vì thế mà tôi và nhiều đồng nghiệp cảm thấy rất buồn trước những vụ việc kể trên, và buồn nhất là sự kết luận “nhân cách thầy cô giáo suy đồi”.

 

Nhưng lối sống tử tế âm thầm của tôi và nhiều nhà giáo chân chính khác không cứu vớt được niềm tin về đạo đức nhà giáo đang bị xói mòn trong xã hội, bởi những “con sâu làm rầu nồi canh”. Sứ mệnh giải cứu niềm tin về đạo đức, nhân cách không chỉ một mình ngành giáo dục với cuộc vận động  “nâng cao phẩm chất nhà giáo” là được, mà cần có sự vào cuộc của toàn xã hội.

                    Phạm Được
GV Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

LTS Dân trí - Thái độ “Không vơ đũa cả nắm” luôn là cách nhìn đúng đắn, biện chứng đối với mọi sự việc. Những điều nổi cộm gần đây xảy ra đối với một số giáo viên, dù có nghiêm trọng, cũng không thể kết luận: Nhân cách, đạo đức nhà giáo ngày nay đã suy đồi! Điều đó không chỉ xúc phạm đội ngũ nhà giáo nói chung mà còn làm chạnh lòng nhiều người đã từng có những thầy cô giáo thật sự đáng kính, để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí nhiều thế hệ học trò.

Ngày nay xã hội ta đang trong giai đoạn quá độ, chuyển sang cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, bên cạnh những nhân tố tích cực, thuận lợi, chúng ta còn phải đối mặt với không ít tệ nạn xã hội. Đấy cũng là nguyên nhân khách quan dẫn tới những mặt tiêu cực của một số giáo viên kém ý thức tu dưỡng, rèn luyện. Điều này đáng phê phán và xử lý nghiêm minh nhưng không vì thế mà phủ nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ thầy cô giáo đang hằng ngày làm nhiệm vụ “trồng người”.

Đúng là cuộc vận động “Nâng cao phẩm chất nhà giáo” của ngành giáo dục cần có sự hỗ trợ của toàn xã hội. Đi đôi với việc phê phán lên án những hiện tượng tha hóa làm hủy hoại uy tín nhà giáo, chúng ta cần biểu dương kịp thời cũng như có chính sách khen thưởng thích đáng những thầy cô giáo có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp trồng người.