3 phút luật sư:

Không được đồng ý, cha mẹ có được quyền quản lý tiền lì xì của con?

(Dân trí) - Cha mẹ có được cất giữ dùm hoặc sử dụng số tiền này khi con cái (người sở hữu chính danh số tiền lì xì) không đồng ý? Luật của mình có quy định việc này? Và nếu có thì cụ thể như thế nào, cùng Chương trình 3 phút cùng Luật sư của Báo Điện tử Dân trí giải đáp những thắc mắc đời thường này nhé!

Cha Mẹ có được quyền quản lý tiền lì xì của con?

Theo truyền thống của ông bà mình,  mỗi mùa Tết là mùa mừng tuổi (lì xì) trẻ em, chúc thọ người già…  Và khi kinh tế ngày càng phát triển, ngày càng nhiều người theo phong tục, truyền thống này và những gia đình  “ăn nên làm ra” đã mừng tuổi/lì xì trẻ em với số tiền không nhỏ. Vì vậy, thực tế ghi nhận không ít trẻ em qua mỗi mùa Tết là sở hữu cả chục triệu đồng…

Vậy, với những trẻ em nhỏ (độ tuổi nhi đồng, thiếu nhi) thì cha mẹ có được cất giữ dùm hoặc sử dụng số tiền này khi con cái (người sở hữu chính danh số tiền lì xì) không đồng ý? Luật của mình có quy định việc này? Và nếu có thì cụ thể như thế nào,  cùng Chương trình 3 phút cùng Luật sư của Báo Điện tử Dân trí giải đáp những thắc mắc đời thường này nhé.

Thưa luật sư, Luật pháp có quy định một đứa trẻ ở độ tuổi bao nhiêu thì có thể tự mình quản lý tài sản (bao gồm cả tiền bạc) riêng? Hoặc nhờ cha mẹ quản lý giúp?

Không được đồng ý, cha mẹ có được quyền quản lý tiền lì xì của con? - 1

LS: Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là ở bộ Luật Dân sự 2015, không nói rõ độ tuổi để tự quản lý tài sản của mình. Tuy nhiên, căn cứ vào quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu tài sản thì việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện. Theo quy định của bộ Luật Dân sự, năng lực hành vi dân sự của một người đầy đủ nhất là khi người đó đủ 18 tuổi. Đối với những giao dịch nhân sự phục vụ nhu cầu hàng ngày phù hợp với lứa tuổi từ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi, hoặc từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì có thể tự quyết định.

Trừ trường hợp những giao dịch đó liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong trường hợp này, những người đủ 18 tuổi sẽ có toàn quyền quyết định còn đối với người dưới 18 tuổi thì có thể cha mẹ sẽ quản lý tài sản của con. Tùy vào những giao dịch cụ thể mà người con đó có thể tự quyết định giao dịch của mình.

Tiền lì xì của trẻ nhỏ được tặng cho riêng cho trẻ, nên được coi là tài sản riêng của trẻ?  Có trường hợp nào quy định Cha mẹ không được quản lý tài sản riêng của con? 

Không được đồng ý, cha mẹ có được quyền quản lý tiền lì xì của con? - 2

LS: Việc người lớn lì xì hay tặng quà sinh nhật là một khoản tiền hoặc một món quà có giá trị vật chất cho một đứa bé thì đó được xem như là tài sản tặng cho theo quy định của bộ Luật Dân sự. Cụ thể, người lớn này là bên tặng cho và đứa bé là bên được tặng cho, như vậy đây được xem là tài sản riêng của đứa bé đó.

Nếu đứa bé chưa thành niên, đương nhiên cha mẹ sẽ được quản lý tài sản của con mình. Trừ trường hợp cha mẹ đang bị một bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án mà hạn chế quyền của cha mẹ đối với con thì lúc đó mới hạn chế quyền quản lý tài sản của con theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài những điều luật pháp quy định, Luật sư có ý kiến cá nhân nào thêm cho tình huống này?

LS: Theo quy định của Điều 101 Luật Trẻ em 2016 quy định rất rõ, cha mẹ, người giám hộ của trẻ em giữ gìn tài sản cho trẻ và trao lại cho trẻ theo quy định của Pháp luật. Đối với trường hợp cụ thể, cha mẹ nên cân nhắc tùy theo khoản tiền và tính cách của con mình để quyết định có giao trả khoản tiền cho con mình hay không. Ví dụ, đối với khoản tiền quá lớn mà giao trả cho con rất có thể xảy ra những vấn đề tiêu cực, ảnh hưởng đến tích cách hoặc một số yếu tố khác tác động lên trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên quản lý việc chi tiêu của con và định hướng con mình chi tiêu cho hợp lý. Đảm bảo con mình có thể tự quản lý tài sản của bản thân, để tài sản đó được phát huy tốt nhất.

Nội dung: Việt Khuê

bài và clip: Nguyễn Quang- Như Quỳnh