Bạn đọc viết:

Khi anh khoá hỏng thi

(Dân trí) - Nhân chuyện sức ép với trẻ con, lại bàn đến hội chứng tự tử trong lớp trẻ hình như hiện đang gia tăng. Bố mẹ mắng: tự tử; bị cô giáo phê bình: tự tử, đặc biệt là thi đại học trượt: không ít em cũng đã tự tử.

Khi anh khoá hỏng thi - 1

Các bậc phụ huynh thường than phiền không hiểu sao trẻ em bây giờ nói tục, chửi thề nhiều quá. Mới lên ba đi học mẫu giáo mấy hôm về, chẳng biết học được cái gì nhưng thấy đã có thể nói bậy... "xuất sắc".

Cách đây hơn mười năm, Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng từng băn khoăn tương tự và ông thổ lộ với đám sinh viên của mình rằng: Có lẽ phải làm công trình nghiên cứu xem tại sao trẻ con bây giờ sao hay văng tục thế. Ông đã quan sát và thấy rằng, người ta chỉ văng tục khi không hài lòng về một chuyện gì, khi có bức xúc nào đó cần giải toả. Từ đó ông nghiêm túc đặt vấn đề: cần  nghiên cứu xem trẻ con bây giờ đang bị sức ép gì.

Nhân chuyện sức ép với trẻ con, lại bàn đến việc hội chứng tự tử trong lớp trẻ bây giờ có vẻ như đang gia tăng. Bố mẹ mắng: tự tử;  bị cô giáo phê bình: tự tử và đặc biệt là thi đại học trượt: không ít em tự tử.

Trước tình hình này, người lớn có lẽ phải theo lời cố giáo sư Trần: cần nghiêm túc tìm hiểu xem con trẻ bây giờ có bức xúc, sức ép gì mà động tý là doạ tự tử hoặc tự tử thật. Nếu không, đến lúc nào đó "căn bệnh" này trở nên phổ biến thì nguy to. Nước Nhật nổi tiếng thế giới về sự thịnh vượng, nhưng họ cũng vướng một căn bệnh mà xã hội bó tay không giải quyết được. Đó là hội chứng tự tử được giải thích là do tinh thần võ sĩ đạo (samurai).

Dưới cái nhìn của các bậc phụ huynh, hầu hết trẻ con bây giờ sướng từ trong trứng sướng ra. Điều đó đúng ở những phương diện nào đó, ít nhất là ở mặt vật chất. Và sướng hơn nữa là học cái gì, học trường nào, học như thế nào... đều được người lớn nghĩ hộ hết. Chính vì thế, xã hội đã và đang hình thành ra một lớp người ỉ lại vào người khác ngay cả trong việc tư duy, suy nghĩ.

Nhưng trẻ em bây giờ có thật sướng không theo nghĩa rộng của từ này? Đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời. Mọi người đều nhất trí với nhau ở chân lý đó và đề lên thành khẩu hiệu. Nhưng điều đó đúng với con người khác, còn con mình nhất định cứ phải vào đại học. Bởi vì ở cơ quan bố mẹ con người ta đỗ đại học hết, dòng họ nhà ta mấy đời khoa bảng con lại là cháu đích tôn. Bố sắp về hưu rồi con không đỗ đại học thì cái suất biên chế để cho đứa khác nó ngồi…
 
Thật đúng là vô vàn sức ép mà người lớn nghe còn hoảng, nói gì đến những người... chưa lớn.

Dạy dỗ một con người không chỉ là công việc của nhà trường. Chính vì vậy sau mỗi kỳ tuyển sinh đại học, ngành giáo dục có thể xoa tay và báo cáo với nhân dân rằng: chúng tôi dã tổ chức thành công kỳ thi quốc gia an toàn, nghiêm túc, tiết kiệm…Nhưng đứng trước tình trạng học sinh tự tử do trượt đại học, rõ ràng ngành giáo dục và các nhà trường không thể đứng ngoài.

Dạy kỹ năng sống bên cạnh dạy chữ, nâng cao chất lượng đại học, chuẩn hoá các trường nghề để cho xã hội nhận ra rằng đại học chỉ dành cho những người ưu tú. Học nghề, thậm chí không học gì cả bởi không có điều kiện cũng không phải là điều gì đó phải xấu hổ.
 
Điều đáng phải xấu hổ nằm ở chỗ khác chứ không phải ở chỗ cầm tấm bằng nghề hay bằng đại học. Thích sống hay chán sống là quyền của mỗi người. Nhưng để sau mỗi kỳ thi lại có những đứa trẻ dại dột tự tử  bởi áp lực thi cử thì đó là điều bất thường cần nghiêm túc xem xét và ngăn chặn.

Đinh Thế Hưng