In thẻ, card mạo danh đại diện cơ quan báo chí trục lợi bị xử lý như thế nào?

(Dân trí) - “Những đối tượng tự in thẻ, card visit mạo danh nhà báo, cán bộ đại diện cơ quan báo chí để thực hiện những hành vi đe doạ, trục lợi sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật”, bạn đọc Nguyễn Thanh Thuý, trú tại Đại Kim - Hoàng Mai (Hà Nội) đặt câu hỏi.

Báo chí ngày càng đóng vai trò là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; thông tin kịp thời, đầy đủ diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước, tình hình quốc tế và là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Chính vị trí, vai trò quan trọng đó của báo chí mà hiện nay không ít đối tượng đã mạo danh nhà báo để trục lợi cá nhân, những hành vi đó không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, tôn chỉ, mục đích của báo chí.

Để làm rõ vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội

Thưa Luật sư, Luật sư cho biết pháp luật quy định những hành vi nào có dấu hiệu mạo danh nhà báo? Mục đích của hành vi mạo danh nhà báo là gì?

LS Phan Thị Lam Hồng: Trong xã hội hiện nay, với tư cách là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, báo chí đã luôn phản ánh kịp thời và đồng hành cùng với sự phát triển về mọi mặt của đất nước. Với những đặc điểm riêng biệt này nên pháp luật luôn có những quy định chặt chẽ đối với các điều kiện về hoạt động báo chí nói chung và những chuẩn mực để trở thành nhà báo nói riêng, cụ thể:

Theo quy định tại Điều 14, Luật báo chí: “Nhà báo phải là người có quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghiệp vụ báo chí do Nhà nước quy định, đang hoạt động hoặc công tác thường xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo”.


Luật sư Phan Thị Lam Hồng: In thẻ, card mạo danh đại diện cơ quan báo chí là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: In thẻ, card mạo danh đại diện cơ quan báo chí là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Đối chiếu với quy định nêu trên, hành vi mạo danh nhà báo là hành vi của các đối tượng tuy không phải là nhà báo nhưng tự làm thẻ giới thiệu, card visit lấy danh nghĩa nhà báo, thậm chí có đối tượng không trả lại thẻ nhà báo khi có Quyết định thu hồi, hoặc hết thời hạn sử dụng thẻ nhà báo, không còn hoạt động tại cơ quan báo chí nhưng vẫn giữ lại thẻ để sử dụng và hoạt động báo chí. Mục đích của hành vi mạo danh nhà báo chủ yếu là để trục lợi cá nhân. Hành vi này đã xâm phạm đến quyền - lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác.

Đặc biệt nguy hiểm là thời gian gần đây có dấu hiệu xuất hiện nhiều đối tượng mạo danh nhà báo để thực hiện các hành vi gian dối nhằm trục lợi cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động báo chí nói chung cũng như hình ảnh nhà báo nói riêng.

Luật sư cho biết, hành vi mạo danh nhà báo bị điều chỉnh bởi quy định pháp luật nào? Chế tài xử lý ra sao?

LS Phan Thị Lam Hồng: Căn cứ theo quy định tại Luật báo chí thì hành vi mạo danh nhà báo để trục lợi cá nhân là hành vi bị nghiêm cấm “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.” (Điều 2). Theo quy định tại điểm a, khoản 2 và điểm b khoản 4, Điều 6 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP thì hành vi “mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: nộp lại số thu lợi bất hợp pháp...

Ngoài ra, tùy từng hành vi vi phạm pháp luật, mà các đối tượng này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội khác nhau theo Bộ luật Hình sự, như tội Cưỡng đoạt tài sản (Điều 135) hay tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139) hoặc Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267)...:

- Đối với tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135, Bộ luật Hình sự: dấu hiệu của tội phạm là đối tượng mạo danh nhà báo, dùng thủ đoạn để uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản (Ví dụ như: các đối tượng biết được bí mật kinh doanh hoặc các hạn chế, thiếu sót của tổ chức, cá nhân, sau đó dùng thủ đoạn mạo danh nhà báo đe dọa phản ánh lên báo chí nhằm uy hiếp tinh thần của người khác, ép họ phải giao tài sản hoặc viết giấy vay nhận nợ...). Tùy theo từng yếu tố định khung hình phạt mà người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm, và còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

- Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139, Bộ luật Hình sự: dấu hiệu của tội phạm là đối tượng dùng thủ đoạn gian dối mạo danh nhà báo để chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì tùy từng yếu tố định khung hình phạt, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ cho đến hình phạt tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

- Đối với tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 267, Bộ luật Hình sự: dấu hiệu của tội phạm là đối tượng làm giả Thẻ nhà báo hoặc các giấy tờ tài liệu khác của cơ quan, tổ chức; sau đó sử dụng các giấy tờ, tài liệu này để lừa dối cơ quan, tổ chức, cá nhân để mưu lợi cá nhân. Tùy theo từng yếu tố định khung hình phạt mà người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến bảy năm. Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Theo Luật sư, chúng ta cần có biện pháp phòng ngừa như thế nào đối với thực trạng này?

Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí cần phải nghiêm túc thực hiện, kịp thời xử lý vi phạm trong việc cấp, đổi và thu hồi Thẻ nhà báo theo đúng quy định tại Thông tư 07/2007/TT-BVHTT ngày 20/3/2007, đặc biệt, sắp tới đây (ngày 31/3/2016) Thẻ nhà báo giai đoạn 2011 - 2015 sắp hết hạn sử dụng (theo Quyết định 2380/QĐ-BTTTT ngày 18/12/2015) thì hoạt động cấp, đổi, thu hồi Thẻ nhà báo cần phải được rà soát, lên danh sách chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định, tránh tình trạng sử dụng thẻ hết thời hạn sử dụng để trục lợi cá nhân, thậm chí nhiều nhà báo không còn làm việc tại cơ quan báo chí, nhưng không chịu trả lại thẻ để sử dụng cho mục đích cá nhân, trục lợi bất chính.

Bên cạnh biện pháp về quản lý nhà nước trong hoạt động báo chí, thì trên hết, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phải cảnh giác, phát hiện các dấu hiệu khả nghi về nhân thân của đối tượng trong quá trình các đối tượng đề nghị được tiếp xúc, làm việc như: Không có thẻ nhà báo, hoặc thẻ nhà báo đã hết hạn sử dụng, không có giấy giới thiệu hoặc văn bản tương đương khi đến làm việc, mục đích không có rõ ràng, thiếu căn cứ, vi phạm pháp luật,... Trong những trường hợp này, các tổ chức, cá nhân có thể liên lạc với cơ quan công an để làm rõ vụ việc, tránh trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo, trục lợi bất chính.

Ngoài các biện pháp phòng ngừa nêu trên, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự chính là biện pháp răn đe nghiêm khắc nhất đối với các hành vi mạo danh nhà báo để xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác. Theo đó, tùy từng giá trị tài sản bị chiếm đoạt, cũng như các yếu tố định khung hình phạt khác, mà người phạm tội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt từ cải tạo không giam giữ cho đến hình phạt tù chung thân.

Xin cảm ơn luật sư!

Anh Thế (thực hiện)