Hưng Yên: "Điểm mặt" những nội dung lạ trong vụ thi hành án 15 năm bất thành

(Dân trí) - Liên quan đến việc ông Phạm Tuấn Chiêm - Nguyên thẩm phán TAND Tối cao bị Công ty Hà Văn “tố”có dấu hiệu sai phạm trong việc tuyên một vụ án kinh tế về cho thuê tài chính, phía văn phòng luật sư Loseby đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng phân tích nhiều điểm bất thường.

Như Dân trí đã đưa tin, suốt hơn 15 năm, bà Đỗ Thị Hải Yến - Giám đốc Cty TNHH Hà Văn (Hưng Yên) gửi đơn lên các cơ quan tố tụng tố cáo ông Phạm Tuấn Chiêm - Nguyên thẩm phán TAND Tối cao có dấu hiệu sai phạm trong vụ án mà bên bà Yến là bị đơn khiến công ty Hà Văn đối diện với nguy cơ phá sản.

Theo đơn tố cáo, cách đây 15 năm, Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội do thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm làm chủ toạ đã xử Cty TNHH Hà Văn do bà Đỗ Thị Hải Yến làm giám đốc thua kiện Công ty cho thuê tài chính KEXIM (trụ sở tại TP. HCM) trong vụ án kinh tế được cho là có nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Hưng Yên: Điểm mặt những nội dung lạ trong vụ thi hành án 15 bất thành
Luật sư Đỗ Ngọc Quang - Trưởng văn phòng Luật sư Loseby phân tích nhiều điểm lạ trong bản án cho thuê tài chính của TAND Tối cao.

Trong đơn, bà Yến cho biết, cách đây gần 20 năm, Cty Hà Văn thuê của Cty KEXIM 20 máy dệt bít tất mới; 2 máy xén viền tự động mới và một máy sấy định hình đã qua sử dụng cùng các tài sản khác trị giá 400.000 USD. Tuy nhiên, trong quá trình hai bên đang thương lượng về thời điểm thuê do chưa chuyển giao kỹ thuật xong, Cty Kexim đã khởi kiện Cty Hà Văn tại TAND tỉnh Hưng Yên.Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên xác nhận hợp đồng thuê năm 1998 giữa Cty Kexim và Cty Hà Văn có hiệu lực toàn bộ. Tòa đã buộc Cty Hà Văn thực hiện những nghĩa vụ mà bà Yến cho rằng cực kỳ vô lý.

Văn phòng luật sư Loseby (Đoàn luật sư Hà Nội) - đại diện là Luật sư Đỗ Ngọc Quang, Trưởng văn phòng đã chỉ ra những tình tiết vô lý cho thấy rằng thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm cũng như HĐXX Tòa Tối cao tại Hà Nội đã bỏ qua và xử oan cho thân chủ của mình.

Theo văn phòng luật sư, trong quy định của hợp đồng, "Ngày bắt đầu Thuê và bảng thanh toán tiền Thuê sẽ được ấn định bởi một thông báo bằng văn bản do bên cho Thuê gửi tới bên Thuê phù hợp với Biểu 3".

Cty Kexim không hề gửi bản thông báo ngày bắt đầu Thuê cho Cty Hà Văn. Nhưng trước tòa, Cty Kexim lại trình bản thông báo bắt đầu cho Thuê viết bằng tiếng Anh, không theo Biểu 3. Nội dung văn bản vô lý ở chỗ, ngày ban hành bản thông báo là 15/6/1999, nhưng ngày ông Đỗ Văn Sơn (GĐ Cty Hà Văn) ký xác nhận của bên Thuê lại vào ngày 15/3. Như vậy Cty Hà Văn ký xác nhận sớm 3 tháng so với ngày Cty Kexim ra văn bản này.

Bản án phúc thẩm của TAND Tối cao do ông Phạm Tuấn Chiêm tuyên bị khiếu nại.
Bản án phúc thẩm của TAND Tối cao do ông Phạm Tuấn Chiêm tuyên bị khiếu nại.

Luật sư Quang cho rằng, văn bản này đã bị giả mạo. Mặt khác Cty KEXIM chỉ trình ra bản tiếng Anh, trái với quy định nên không có giá trị pháp lý.

Cũng theo luật sư, Cty Kexim đã làm trái quy định pháp luật. Vì theo quy định, hợp đồng cho thuê tài chính phải đăng ký tại ngân hàng Nhà nước và cơ quan quản lý hợp đồng, nơi công ty cho thuê tài chính đặt trụ sở. Tuy nhiên Cty Kexim đã không đăng ký hợp đồng thuê với Cty Hà Văn tại Ngân hàng nhà nước và cơ quan quản lý tại TP. HCM.

Cơ sở cho thấy điều này là: “Theo hợp đồng, phí đăng ký và phụ phí do Cty Hà Văn chịu. Nhưng thực tế, Cty Hà Văn chưa bao giờ phải đóng phí này”.

Hợp đồng thuê cũng trái pháp luật ở chỗ Cty KEXIM tự ý thỏa thuận với Cty Hà Văn thời hạn thuê là 36 tháng kể từ ngày bắt đầu thuê. Trong khi theo quy định, thời hạn cho thuê một loại tài sản ít nhất bằng 60% thời gian cần thiết để khấu hao tài sản. Mà đối với máy móc ngành dệt, thời hạn sử dụng tối thiểu là 7 năm. Như vậy, thời hạn thuê phải là 50 tháng chứ không phải 36 tháng như hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên, TAND Tối cao lại trả lời đơn khiếu nại của Cty Hà Văn rằng thời hạn 36 tháng do các bên thỏa thuận là phù hợp quy định, mặt khác Cty Hà Văn không phải là doanh nghiệp nhà nước nên không thuộc đối tượng điều chỉnh.

Theo hợp đồng thuê, mức lãi suất USD để tính phí thuê mà Cty Hà Văn phải trả cho Cty KEXIM là 10,5%/năm. Theo Bộ Luật dân sự thời điểm đó, lãi suất các bên thỏa thuận không được vượt quá 50% lãi suất cao nhất của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng Cty KEXIM đã tính lãi suất với Cty Hà Văn vượt quá 54%/năm và trái quy định pháp luật.

Luật sư cũng cho hay, trong khi Cty Hà Văn đang thanh toán cho Cty Kexim các khoản nợ đến hạn thì Cty Kexim lại tự mình ban hành văn bản gửi các ngân hàng nói rằng, Cty Hà Văn chắc chắn phá sản. Cty Kexim đang kiện ra tòa để thu hồi tài sản thuê. Cty Kexim còn tự cho rằng, Cty Hà Văn thế chấp đất đai, nhà xưởng ở KCN Như Quỳnh (huyện Mỹ Văn, Hưng Yên) cho Cty KEXIM. Theo đó Cty Kexim đề nghị ngân hàng ngăn chặn Cty Hà Văn thế chấp tài sản vay tiền.

Bản án phúc thẩm của TAND Tối cao do ông Phạm Tuấn Chiêm tuyên bị khiếu nại.
Văn bản của Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đảng gửi đến Ban cán sự Đảng TAND Tối cao  giải quyết về nội dung khiếu nại của Công ty Hà Văn.

Cũng theo luật sư Quang, nội dung văn bản của Cty Kexim là hoàn toàn sai sự thật. Cty Hà Văn chưa bao giờ thế chấp đất đai, nhà xưởng ở KCN Như Quỳnh cho Cty Kexim. Trong khi Cty Hà Văn đang sản xuất bình thường cho đối tác, Cty Kexim lại nói là phá sản. Chính điều này đã khiến cho Cty Hà Văn không thể vay vốn tại các ngân hàng để duy trì sản xuất và trả nợ. Cty Kexim đã bịa đặt, cung cấp thông tin sai sự thật, từng bước làm Cty Hà Văn không thể thực hiện cam kết trong hợp đồng, đi đến phá sản.

Theo Luật các tổ chức tín dung và Quy chế tạm thời về tổ chức, hoạt động của công ty cho thuê tài chính, các bên không đượng đơn phương hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn đã thỏa thuận. Nhưng Cty Kexim đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do Cty Hà Văn không trả nợ đúng hạn.

Thực tế, theo luật sư, Cty Hà Văn vẫn trả các khoản đúng hạn, chỉ có điều chưa đầy đủ. Trong khi đó, hợp đồng quy định, các khoản trả nợ trễ hạn sẽ phải chịu mức lãi suất quá hạn. Như vậy việc Cty Kexim đơn phương chấm dứt hợp đồng là vi phạm pháp luật.

Tại tòa phúc thầm, HĐXX tự ý buộc Cty Hà Văn mua lại toàn bộ máy móc của Cty Kexim với giá hơn 537.000 USD. Luật sư cho rằng điều này hết sức kỳ cục vì trong đơn kiện của Cty Kexim, không hề có yêu cầu này. Trong khi đó, hợp đồng quy định, khi hết hạn hợp đồng hoặc hợp đồng chấm dứt, Cty Hà Văn có trách nhiệm trả lại tài sản cho Cty Kexim trong tình trạng tốt, có thể sử dụng được.

"Tòa phúc thẩm đứng ra bán hộ tài sản của Cty Kexim và ép buộc Cty Hà Văn phải mua. Phán quyết vô lý." - Luật sư nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư, Tòa phúc thẩm tuyên kê biên tài sản thuộc diện thế chấp cùng toàn bộ thiết bị máy móc nhà xưởng và các tài sản khác của Cty Hà Văn để đảm bảo thi hành án là hoàn toàn không phù hợp với thực tế hợp đồng và rất vô lý. "Vì chẳng lẽ, đã buộc Cty Hà Văn mua lại toàn bộ máy móc của Cty Kexim, sau đó kê biên luôn tài sản bảo đảm Cty Hà Văn trả tiền cho Cty Keximhay sao?" - Luật sư đặt câu hỏi.

Theo luật sư, việc TAND Tối cao do ông Phạm Tuấn Chiêm làm chủ tọa tuyên xác nhận hợp đồng kinh tế có hiệu lực toàn bộ là vô lý, cố tình bênh vực cho Cty Kexim.

"Hợp đồng này không thể có hiệu lực toàn bộ vì có quá nhiều sai phạm." - Luật sư Quang đưa quan điểm.

Trước đó, làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Cục trưởng cục Thi Hành án Dân sự tỉnh Hưng Yên cho biết, bản án do Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tuyên liên quan đến tranh chấp hợp đồng cho thuê tài chính giữa Cty Kexim và Cty Hà Văn có những điểm bất thường. Khi tiếp nhận nội dung bản án để thi hành án, Cục Thi hành án chúng tôi đã nhiều lần gửi kiến nghị lên TAND Tối cao và cơ quan liên quan cùng UBND tỉnh Hưng Yên để kiểm tra và xem xét giải quyết nhưng cho đến nay, sau hơn 10 năm kể từ khi có quyết định của Toà Phúc thẩm Tối cao, Cục thi hành án tỉnh Hưng Yên vẫn chưa thể thi hành xong bản án này.

Cho biết quan điểm về bản án của Toà Phúc thẩm, ông Khanh cũng đề đạt nguyện vọng được TAND Tối cao và các cơ quan chức năng xem xét lại theo đúng qui định pháp luật về những nội dung khiếu nại của các bên liên quan trong vụ án tranh chấp về kinh tế này.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế