Cà Mau:

Hơn trăm công nhân mất việc trong "nháy mắt": Kiến nghị xử lý nhiều người liên quan!

(Dân trí) - Trong lúc người lao động và đơn vị sử dụng lao động đang “nhùng nhằn” việc cho công nhân viên nghỉ việc có đúng luật hay không thì Sở Nội vụ lại yêu cầu thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ phép cho các trường hợp dôi dư đã nghỉ việc năm 2016.

Đó là nội dung kết luận gây bức xúc trong người lao động do ông Lê Minh Ý - Giám đốc Sở Nội vụ Cà Mau vừa ký ban hành gửi UBND tỉnh Cà Mau.

Trước đó, người lao động tại Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau (Cty Cấp nước) bức xúc gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng tỉnh này cho rằng họ bị buộc cho thôi việc sai quy định. Cụ thể, họ bị cho nghỉ việc không thông báo trước, cho nghỉ theo kiểu “từ A-Z” mà không xét theo một tiêu chí nào.

Ngoài ra, người lao động còn trình bày những bức xúc trong việc chỉ đạo điều hành và bố trí nhân sự tại Cty Cấp nước. Cụ thể, người luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, năng nỗ trong công việc thì bị cho nghỉ việc, còn những người đã gây ra sai phạm chưa xử lý, đang bị đề nghị xử lý và gây thất thoát cho công ty từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng thì được “ưu ái” vào vị trí lãnh đạo.

Cty Cấp Nước Cà Mau, nơi có hơn trăm trường hợp người lao động vừa bị mất việc dẫn đến gây bức xúc.
Cty Cấp Nước Cà Mau, nơi có hơn trăm trường hợp người lao động vừa bị mất việc dẫn đến gây bức xúc.

Theo kết luận của cơ quan chức năng, việc Cty Cấp nước Cà Mau chấm dứt hợp đồng đối hàng chục trường hợp là chưa thực hiện đủ 5 bước theo quy định tại Khoản 2, Điều 7, Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH ngày 24/12/2010 (thiếu 3 bước). Đó là công ty chưa phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở tổ chức đại hội công nhân viên chức để đại hội cho ý kiến về danh sách lao động, dẫn đến người lao động bất ngờ khi nhâ quyết định nghỉ việc.

Việc bổ nhiệm ông Võ Hoàng An (Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước TP Cà Mau) không lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt là không đúng với Điều 7, Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo được ban hành kèm theo Quyết định số 27/2003-QĐ-TTg ngày 19/2/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, ông Võ Hoàng An được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước TP Cà Mau trong khi chưa hoàn thành trách nhiệm trả nợ công ty số tiền hơn 3 tỷ đồng, dẫn đến dư luận không tốt trong nội bộ công ty.

Trường hợp ông Huỳnh Công Tấn (Trưởng Phòng Cấp nước An toàn) thì hầu hết đơn phản ánh của người lao động là đúng sự thật. Cụ thể, ông Tấn đã từng bị Ban Nội chính Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị xử lý vi phạm việc kinh doanh ngành nghề trong phạm vi trực tiếp quản lý; đang bị đề nghị xử lý Đảng viên vi phạm sinh con thứ 3; từng bị kỷ luật cách chức cả về mặt Đảng lẫn chính quyền về hành vi sử dụng văn bằng bất hợp pháp…

Ông Nguyễn Đức Tiến (Trưởng Chi nhánh Cấp nước huyện U Minh) đã chiếm dụng số tiền gần 300 triệu đồng không khả năng thanh toán là đúng thực tế. Hiện, ông Tiến được công ty cho trả nợ bằng cách trừ lương hàng tháng.

Nhiều người lao động cho rằng, kết luận của Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau còn nhiều vấn đề cần xác minh lại.
Nhiều người lao động cho rằng, kết luận của Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau còn nhiều vấn đề cần xác minh lại.

Kết luận nêu rõ, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo Cty Cấp nước Cà Mau về việc bổ nhiệm ông Võ Hoàng An và ông Huỳnh Công Tấn sai quy định; xây dựng phương án giải quyết lao động dôi dư chưa chặc chẽ và chưa thực hiện đủ 5 bước theo quy định khi cho người lao động nghỉ việc.

Giao lãnh đạo Cty Cấp nước đề xuất phương án và chi trả nợ quỹ lương, thưởng, phúc lợi cho người lao đông theo đúng quy định; Chi trả lương, phụ cấp cho những trường hợp dôi dư kể từ thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động (tháng 9/2015) đến thời điểm công ty chuyển sang hoạt động cổ phần (tháng 2/2016)

Giao Sở GD-ĐT kiểm tra, rà soát, thu hồi hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi bằng cấp 3 và các văn bằng mà ông Huỳnh Công Tấn dùng bằng cấp 3 không hợp pháp để đi học; Tiếp tục làm rõ, xử lý việc ông Huỳnh Công Tấn kinh doanh ngành nghề trong phạm vi được giao trực tiếp quản lý theo đề nghị của Ban Nội chính Tỉnh ủy; Tiếp tục xử lý đảng viên vi phạm chính sách dân số đối với ông Tấn.

Đề nghị Đảng ủy Khối doanh nghiệp kiểm điểm trách nhiệm Bí thư Đảng ủy Cty Cấp nước trong việc bổ nhiệm ông Võ Hoàng và ông Huỳnh Công Tấn; Kiểm điểm trách nhiệm đảng viên Võ Hoàng An trong việc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, kịp thời, trách nhiệm của mình đối với khoản nợ hơn 3 tỷ đồng.

Kết luận còn nêu: “Thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ phép năm cho các trường hợp dôi dư (29 trường hợp) đã nghỉ việc năm 2016 đúng theo quy định của luật lao động”. Với kiến nghị nghị này, theo người lao động, trong khi họ chỉ mới nhận thông báo nghỉ việc, đang trong quá trình khiếu nại, tức là, theo cơ sở pháp lý, 29 trường hợp mà kết luận “bảo” thanh toán chế độ nghỉ việc vẫn còn là người của công ty.

Người lao động bức xúc cho rằng, kết luận trên của Sở Nội vụ có là “dấu mở” để công ty tiếp tục đuổi việc họ mà không xét lại các quy trình thủ tục nào.

Tuấn Thanh