Nhìn từ vụ án Nguyễn Thanh Chấn:

"Hàng ngày có ba “bạn tù” vô cớ hành hung"

(Dân trí) - Trong những ngày đầu tháng 11/2013, sự việc xoay quanh câu chuyện án oan của phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã và đang thu hút sự quan tâm của xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Chấn bị gán tội giết người suốt 10 năm qua
Ông Nguyễn Thanh Chấn bị gán tội giết người suốt 10 năm qua
 
“Thời gian qua, đã có rất nhiều những bài viết nói lên việc ông Chấn đã bị oan thế nào, tâm tư của ông Chấn khi được minh oan ra sao, và cả trách nhiệm bồi thường đối với trường hợp của ông Chấn. Liệu còn có bao nhiêu người như ông Chấn nữa đang phải chịu nỗi đau này và vẫn đang chờ đợi ngày được minh oan. Là một luật sư, tôi thật sự băn khoăn tự hỏi không biết bao giờ mới hết án oan?”.

Đó là những tâm tư và suy nghĩ của luật sư Trương Anh Tú, Trưởng VPLS Trương Anh Tú, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Ông Tú cho biết:

Về án oan sai, chúng ta cần phải khách quan để thấy rằng sự oan sai đã xảy ra ở nhiều quốc gia, từ Cổ chí Kim, từ Đông sang Tây. Nhưng cũng phải đủ tỉnh táo để nhận ra cơ chế vận hành tư pháp của chúng ta dễ nảy sinh án oan. Bản thân tôi không đánh giá cao việc các bị can nhận tội tại cơ quan điều tra, bởi khi đó các bị can phải chịu sức ép và áp lực rất lớn, thậm chí là ép cung, nhục hình. Tôi còn nhớ cách đây một năm tôi đã tham gia bào chữa trong một vụ án hình sự, bị can là thiếu tá Công an tỉnh. Những lần gặp gỡ bị can trước phiên tòa sơ thẩm, anh ta kể với tôi rằng khi anh ta chưa nhận tội thì hàng ngày có ba “bạn tù” vô cớ hành hung, họ không đánh vào mặt mà chỉ đánh vào những phần mềm trên cơ thể, cứ sau mỗi một trận đòn thì anh ta lại được thoa dầu gió để đảm bảo không có vết thâm tím trên cơ thể.

Không hiểu có phải là sự trùng hợp không nhưng việc này chỉ chấm dứt khi anh ta nhận tội. Thiết nghĩ có nhiều giải pháp để tránh tình trạng này. Đầu tiên phải xuất phát từ quan điểm của cơ quan điều tra, của điều tra viên. Khi bắt đầu điều tra một vụ án, các điều tra viên luôn coi các bị can là tội phạm, là kẻ thù và dùng mọi biện pháp có thể để bị can nhận tội.

Điều này rõ ràng là không cần thiết bởi lẽ, một người chỉ bi coi là tội phạm khi có bản án của cơ quan Tòa án, do vậy các điều tra viên chỉ cần làm đúng bổn phận của mình nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, việc xác định sự thật của vụ án phải đảm bảo được tính khách quan, toàn diện và đầy đủ mà không nhất nhất cứ phải buộc bị can nhận tội.

Một trong những nguyên tắc trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự đó là bên cạnh việc làm rõ những chứng cứ có tội, những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần phải làm rõ cả những chứng cứ xác định vô tội và tình tiết giảm nhẹ TNHS của bị can. Ngay cả trong trường hợp bị can nhận tội thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng không được căn cứ vào duy nhất tình tiết đó để buộc tội bị can, bị cáo. Tuy nhiên, thực tiễn điều tra và xét xử cho thấy, cơ quan điều tra nói riêng và các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung lại thường “quên” quy định mang tính nguyên tắc này.

Một điều đáng quan tâm nữa đó là, trong khi ở hầu hết các nước trên thế giới đánh giá cao vị trí, vai trò của luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án thì ở nước ta điều đó lại chưa được như vậy. Xuất phát từ việc ngay từ những giai đoạn đầu của quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã coi bị can là tội phạm, do vậy cũng có cái nhìn và đánh giá chưa chuẩn mực đối với luật sư bào chữa.

Mặc dù theo quy định của pháp luật (Điều 58 BLTTHS) người bào chữa hoàn toàn có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, trừ trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tuy nhiên những quy định này lại không ràng buộc cơ quan điều tra phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phối hợp với luật sư trong các hoạt động điều tra vụ án.

Do vậy, CQĐT thường dùng rất nhiều rào cản để hạn chế sự tham gia của luật sư trong giai đoạn điều tra vụ án, luật sư chỉ được sao chụp hồ sơ vụ án sau khi kết thúc giai đoạn điều tra. Để hạn chế được tối đa những trở ngại đó cho luật sư trong quá trình tác nghiệp, pháp luật nên có những quy định nhằm mở rộng quyền cho luật sư theo hướng: sự có mặt của luật sư trong quá trình hỏi cung là bắt buộc, thậm chí biên bản hỏi cung cũng bắt buộc phải có chứ ký của luật sư, nếu thiếu chữ kỹ trong các biên bản hỏi cung thì biên bản đó sẽ không phát sinh hiệu lực. Khi đó, đảm bảo sẽ không có bất kỳ sự ép cung hay nhục hình nào có thể xảy ra, đồng nghĩa với việc giảm thiểu được đáng kể những vụ án oan.

Trong giai đoạn điều tra thường có một nghịch lý đó là, khi Điều tra viên đối diện với bị can, họ thường chủ động buộc tội bị cáo thiếu căn cứ và yêu cầu bị can phải chứng minh mình vô tội, đây là một nguyên lý ngược vì CQĐT mới là bên có nghĩa vụ chứng minh ai đó tội phạm, không đủ căn cứ chứng minh ai đó phạm tội, thì đương nhiên người đó vô tội. Ngoài ra, sự nể nang và thiếu cá tính của Kiểm sát viên và Thẩm phán cũng là những nguy cơ xảy ra oan sai.

Có một thực trạng, tại hồ sơ vụ án, các bị can thường hay nhận tội nhưng khi đến phiên tòa bị cáo lại phản cung và không nhận tội với lý do bị các bị can bị ép cung và dùng nhục hình trong quá trình điều tra. Trường hợp này, Tòa án cũng như Kiểm sát viên thường có câu hỏi: “Bị cáo nói thế thì có gì để chứng minh không?” Khi đó, tất cả bị cáo đều im lặng… Không im lặng sao được khi trong chốn lao tù chỉ có trời biết, đất biết, điều tra viên biết! Thế nhưng, câu hỏi tàn nhẫn và vô cảm đó cứ lặp đi lặp lại trong nhiều phiên tòa mà tôi tham gia cũng như nhiều phiên tòa khác.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm đấu tranh và đẩy mạnh công tác xét xử đối với các tội phạm trong hoạt động tư pháp được quy định tại Chương XXII Bộ luật hình sự. Qua thống kê về hoạt động tố tụng và công tác xét xử của Tòa án, một số tội phạm được nêu tại chương này chưa bao giờ bị đưa ra xét xử. Chúng ta cần nhất quán một quan điểm, một tinh thần chung là “thà bỏ lọt tội phạm còn hơn xử oan người vô tội”.

Hồ sơ vụ án, kết luận điều tra chỉ là cơ sở ban đầu để Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét, nhưng phán quyết của HĐXX nhất định phải dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Tôi hy vọng trong thời gian tới pháp luật sẽ có những điều chỉnh phù hợp, tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc nhằm nâng cao vị thế, vai trò của luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật để tránh những vụ án oan xảy ra.

Ban Bạn đọc