Bạn đọc viết:

Hàng chục người suýt bị chết ngạt trong đêm vì khói độc của xưởng nhựa

(Dân trí) - Gần 10 năm nay, hơn 300 hộ dân thuộc thôn Minh Nga, xã Văn Tự, huyện Thường Tín đã ngày đêm khốn khổ vì tình trạng ô nhiễm môi trường do xưởng nhựa thuộc công ty TNHH Thương mại và dịch vụ sản xuất nhựa Huy Hoàng thải ra.

Hàng trăm người dân đã phải sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề từ nhiều năm qua
Hàng trăm người dân đã phải sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề từ nhiều năm qua
 
Chúng tôi đến thôn Minh Nga vào đầu giờ chiều. Cái nóng oi bức, ngột ngạt càng trở nên khó thở hơn nữa vì mùi khói từ 2 xưởng nhựa, nằm men theo con đường dẫn vào làng. Mùi khói của nhựa, của nylon, của các phế liệu tái chế lùa theo gió nồng nặc, xộc thẳng vào sống mũi. Chỉ cách tầm 100 m, mùi nhựa quyện khói khét lẹt đã đậm đặc.

Xưởng nhựa thuộc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ sản xuất nhựa Huy Hoàng đã đi vào hoạt động gần 10 năm. Chủ yếu là sản xuất túi nylon, tái chế nhựa thậm chí những bình phun thuốc sâu sau khi quá hạn sử dụng cũng được “gửi” vào xưởng để chế biến.

Khi cơ sở này đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân đã rất  bức xúc vì mùi bốc lên từ xưởng và tiếng ồn phát ra ngày đêm không ngừng nghỉ. Nhưng chỉ nhận được những câu trả lời ậm ừ cho qua, sau đâu lại vào đấy.

Cách đây hơn 1 tháng, cháu Đinh Hoàng Long Đức Duy (6 tháng tuổi) đã suýt bị chết ngạt trong đêm vì ảnh hưởng nặng nề bởi khói, mùi tỏa ra từ xưởng nhựa. Bà Nguyễn Thị Hồng (bà nội cháu Duy) bức xúc cho biết: “Đêm 8/10 cháu Duy bỗng thở dốc, gia đình vội vàng đưa cháu lên bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín cấp cứu. May mà điều trị kịp thời chậm tí nữa không biết hậu quả ra sao”. 

Sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề, nên gần 5 năm nay, bà Hồng  mắc bệnh phổi, viêm xoang và một số bệnh liên quan đến hô hấp. Có hôm 3 giờ sáng, ngửi thấy mùi khói từ xưởng nhựa, bà  khó thở, tụt huyết áp, chân tay run lên bần bật, bà lại ú ớ gọi con đưa đi cấp cứu. Nhiều lần trong đêm, bà lọ mọ lên tận nơi kiến nghị, nói khó với xưởng tạm thời ngừng hoạt động nhưng cũng không có kết quả gì. Người dân lên tiếng là việc của dân, xưởng làm vẫn làm.

Ông Phạm Văn Hiểu nhà ở cuối làng, cách xưởng chừng 300m nhưng ảnh hưởng từ xưởng nhựa ấy cũng nặng nề không kém những hộ ở gần. Ông bức xúc: “Tôi thường xuyên thức trắng đêm vì mùi khét lùa theo gió từ xưởng nhựa. Mỗi lần gió xuôi là ngột ngạt kinh khủng. Bà cụ nhà tôi bị phổi điều trị 6 năm nay mà không thể khỏi được, nguyên nhân cũng do ô nhiễm mùi từ xưởng ấy là chính. Gia đình tôi đã nhiều lần kêu lên các cơ quan chức năng nhưng kết quả vẫn chưa có dâu hiệu khả quan”.

Xưởng nhựa không chỉ tung ra những làn khói mùi trời, đen đất mà còn phát tán ra vô số những muội nhựa như hạt than nhỏ. Những hộ dân quanh đó luôn luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài” vì sợ muội bay vào nhà.

Ông Phạm Quốc Tuấn, là một người dân trong thôn Minh Nga chia sẻ: “Không biết dân chúng tôi phải chịu đựng sự tra tấn này đến bao giờ nữa. Đóng cửa mãi cũng không ổn vì nhà có người già, trẻ con phải có không khí để thở. Nhà ông lại đầu tư đục thêm tường để làm thêm lỗ hóng gió nhỏ, hạn chế bớt phần nào khói và bụi từ xưởng len lỏi vào nhà”.

Không chỉ thế, nguồn nước tại thôn cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hơn 300 hộ dân vẫn phải dùng nước giếng khoan để sinh hoạt. Gia đình chỉ có bể nước mưa để phục vụ cho việc nấu cơm thì giờ đây cũng bị bao phủ vì lớp bụi than dày đặc. Đa số dùng nước mưa nhưng nguồn nước ấy lại bị dính nguội.

Bà Phạm Thị Vinh, chi hội trưởng hội phụ nữ kiêm trưởng thôn Minh Nga cũng bức xúc: “Không thể chịu đựng được tình trạng khói bụi xả thẳng vào nhà dân của xưởng như hiện nay, tôi cũng thay mặt cho hội lên kiến nghị với xưởng nhiều lần nhưng không có kết quả gì, xưởng vẫn tiếp tục lộng hành, nhiều đêm khói độc bủa vây quanh làng, nhất là những hộ dân gần đó. Dân bức xúc, phẫn nộ mà không làm được gì”.

Hiện nay, hơn 300 hộ dân thôn Minh Nga, xã Văn Tự, huyện Thường Tín đề nghị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, Cục Cảnh sát phòng chống Môi trường sớm vào cuộc làm rõ, xử lý dứt điểm tình trạng khói xưởng nhựa đầu độc người dân như trên.

 Nguyễn Linh – Hà Long
(Lớp báo mạng K29- Học viện Báo chí và Tuyên truyền)