Sóc Trăng:

Hàng chục hộ dân chưa bao giờ biết đến ánh sáng của... đèn điện!

(Dân trí) - Theo phản ánh của nhiều hộ dân người dân tộc Khmer ở ấp Hòa Khanh (xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), hàng chục năm qua, khoảng 40 hộ dân ở đây vẫn chưa biết điện là gì, dù dự án cung cấp điện cho các hộ dân tộc Khmer đã được ngành điện lực thực hiện tới địa phương, nhưng không hiểu sao lại không kéo điện cho dân sử dụng.

Tiếp xúc với PV, ông Lâm Chịa (60 tuổi) cho biết: “Tôi năm nay đã 60 tuổi nhưng cho đến nay vẫn chưa biết ánh sáng điện như thế nào. Mấy chục năm nay, bà con chúng tôi vẫn dùng đèn dầu thắp sáng, dù cột điện của dự án đã được ngành điện lực đưa về gần nơi chúng tôi ở, nhưng không hiểu sao lại rẽ xuống các vuông tôm mà không về với bà con chúng tôi”.

Cạnh nhà ông Lâm Chịa là gia đình ông Lý Dài cũng đồng cảnh ngộ. Dẫn chúng tôi vào nhà khi trời đã xế chiều, thắp đèn dầu lên, ông Lý Dài thở dài: “Bà con chúng tôi mong có điện để sử dụng trong sinh hoạt, trong sản xuất từ mấy chục năm nay nhưng không biết khi nào mới có. Chỉ cách vài trăm mét thôi nhưng đầu kia có điện còn chúng tôi phải chịu cảnh tăm tối”.

Cả một đoạn đường dài không có một cây cột điện nào kéo vào.
Cả một đoạn đường dài không có một cây cột điện nào kéo vào.

Còn chị Kiêm Thị Thanh thì bày tỏ: “Gia đình tôi sống ở đây 20 năm nhưng chưa khi nào biết đến ánh sáng điện. Tôi có 2 con đang học phổ thông, tối các con học bài bằng đèn dầu thấy tội nghiệp quá. Không có điện thì cũng không xem được ti-vi, không bơm được nước để sử dụng. Bà con chúng tôi mong Nhà nước sớm đưa điện về cho chúng tôi sử dụng chứ thiệt thòi nhiều quá. Những năm vào mùa hạn, mực nước xuống thấp nên giếng khoan không thể bơm bằng tay mà phải bơm bằng điện mới có nước sử dụng. Nhưng vì không có điện nên bà con chúng tôi không có nước để sử dụng, khổ vô cùng”.

Không có điện, con gái chị Thanh phải học bài bằng đèn dầu.
Không có điện, con gái chị Thanh phải học bài bằng đèn dầu.

Trường hợp gia đình ông Nguyễn Hoàng Trung, nhà cách cột điện 200m nhưng cũng không được cung cấp điện, nên ông phải đi “câu đuôi” ở một hộ dân khác cách nhà mình mấy ngàn mét với giá từ trên 3.000 đồng/Kw. Ông Trung nói: “Khi tôi xin kéo điện, cán bộ điện lực nói dự án này dành cho đồng bào dân tộc Khmer chứ không phục vụ cho người Kinh nên họ không giải quyết. Trong khi đó, xung quanh gia đình tôi có rất nhiều hộ là người dân tộc Khmer nhưng cũng không được sử dụng điện, còn mấy hộ người Kinh ở ngoài nhà tôi thì cán bộ điện lực lại cho sử dụng điện. Thật là vô lý”.

Nhà ông Trung cách cột điện chỉ khoảng 200m nhưng vẫn không được kéo điện vào sử dụng.
Nhà ông Trung cách cột điện chỉ khoảng 200m nhưng vẫn không được kéo điện vào sử dụng.

Dẫn chúng tôi đi theo hàng cột điện chạy giữa các ao tôm, nhiều người dân bức xúc: “Chúng tôi thấy trên các cột điện có ghi rõ dòng chữ “EVN SPC DỰ ÁN KHMER”, tức là dự án cung cấp điện cho người dân tộc Khmer nhưng điện lực lại không đưa vào vùng có đồng bào dân tộc Khmer mà lại cho chạy giữa những ao tôm, vào vùng không có hoặc có rất ít người Khmer sinh sống. Trong khi đó, các hộ dân ở nơi có đường dây điện này đi qua đã có điện từ đường dây hạ thế ở ngoài đường giao thông kéo vào cách đây nhiều năm. Chúng tôi kiểm tra thì tuyến đường dây điện cho dự án cung cấp điện cho đồng bào dân tộc Khmer này rất ít người kéo điện. Không hiểu ngành điện kéo ra giữa ao tôm cho ai sử dụng. Đã nhiều lần tiếp xúc đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, bà con chúng tôi cũng phản ánh, mong muốn được kéo điện nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết”.

Dự án ghi rõ cung cấp điện cho người dân tộc Khmer nhưng bà con người dân Khmer ở đây lại không có điện.
Dự án ghi rõ cung cấp điện cho người dân tộc Khmer nhưng bà con người dân Khmer ở đây lại không có điện.

Quan sát hiện trạng, PV ghi nhận, trên con đường giao thông nông thôn đã được trán xi-măng sạch sẽ rộng khoảng 3m (đoạn từ Cây Mét về ấp Đào Viên của xã Thạnh Quới) chạy qua khu vực có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chỉ có một đoạn là có cột điện chạy cạnh đường rồi rẽ xuống cánh đồng nuôi tôm rộng mênh mông, chứ không chạy tiếp theo mép đường như ở các nơi khác.

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng, cho biết: “Dự án cung cấp điện cho đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng được thực hiện cách đây mấy năm. Có thể do địa phương không báo cáo số hộ dân có nhu cầu sử dụng điện nên ngành điện lực không đưa vào dự án, thành ra bà con không có điện. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại và có biện pháp giải quyết cho bà con”.

Cột điện chỉ kéo tới vị trí này rồi rẽ ra ngoài ruộng.
Cột điện chỉ kéo tới vị trí này rồi rẽ ra ngoài ruộng.
Không hiểu sao cột điện lại kéo ra ruộng mà không đưa vào khu dân cư để phục vụ người dân.
Không hiểu sao cột điện lại kéo ra ruộng mà không đưa vào khu dân cư để phục vụ người dân.

Theo báo cáo của ngành Điện lực tỉnh Sóc Trăng, dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng là một dự án trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ tháng 8/2009. Dự án hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào vận hành đảm bảo về chất lượng, kỹ thuật, an toàn và cấp điện ổn định cho trên 45.408 hộ dân, đã nâng tổng số hộ có điện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng từ 87,7% lên 98,32% (tăng 10,62%), trong đó số hộ đồng bào Khmer có điện tăng từ 67,2% lên 97,05% (tăng 29,85%).

Mục tiêu của dự án là nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân trong vùng dự án, đặc biệt là đồng bào Khmer, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trong khu vực.

Dự án được triển khai xây dựng làm 3 giai đoạn, với tổng số vốn đầu tư hơn 617,5 tỷ đồng; tổng quy mô thực hiện gồm 478,35km đường dây trung thế, 1.146,1km đường dây hạ thế và 823 trạm biến áp có tổng công suất là 18.095 kVA, cấp điện cho khoảng 45.408 hộ dân.

Bao giờ các hộ đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Hòa Khanh nói trên được sử dụng điện? Câu hỏi này rất mong chính quyền địa phương và ngành điện lực tỉnh Sóc Trăng sớm có câu trả lời cho người dân.

Bạch Dương