Tuyên Quang:

Hai người phụ nữ vướng vào lao lý tiếp tục kêu oan

(Dân trí) - Thời gian qua, bà Nguyễn Thị Dung và Nguyễn Thị La, trú quán tại phường Tân Quang, TP. Tuyên Quang tiếp tục gửi đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại vụ án chiếm đoạt tài sản, nhưng oan khuất chưa được làm rõ.

Như thông tin báo Dân trí đã nêu trong bài viết “Sự thật vụ án về hai người phụ nữ kêu oan”, ngày 10/8/2010, bà Nguyễn Thị Lạng trú tại phường Tân Quang, tỉnh Tuyên Quang gửi đơn đến Công an tỉnh tố cáo bà Nguyễn Thị Dung và Nguyễn Thị La (đều trú tại thành phố Tuyên Quang) lừa đảo của bà trên hai tỷ đồng với thủ đoạn gian dối là "Làm thủy điện Hà Giang". Nhưng theo tài liệu được thu thập trong hồ sơ vụ án cũng như lời khai của bà Dung, bà La thì họ vay tiền của bà Lạng để kinh doanh, các giấy vay nợ không có giấy nào ghi "Làm thủy điện Hà Giang", duy nhất có một giấy vay tiền ghi ngày 12/8/2012 có chi tiết "vay làm thủy điện Hà giang", bà Dung khẳng định "Tôi chưa bao giờ nói với bà Lạng vay tiền để đầu tư thủy điện Hà Giang, tôi nói vay tiền bà Lạng để cho vay lại, tối ngày 12/8/2010 bà Lạng gọi tôi đến nhà riêng yêu cầu tôi phải viết giấy đầu tư thủy điện, do vậy tôi mới viết…". Thậm chí việc viết này còn không có bà La.

Có điều uẩn khúc là, ngày 10/8/2010, bà Lạng làm đơn tố cáo hai bà Dung và La lừa bà "Làm thủy điện Hà Giang" để chiếm đoạt tiền. Phải chăng vì không có chứng cứ để cấu thành tội nên bà Lạng sắp đặt và yêu cầu bà Dung viết giấy này với mục đích tạo dựng “kịch bản" "Làm thủy điện" để đẩy bà Dung và bà La vào vòng lao lý. Song "Màn thưa không che được mắt thánh" việc làm của bà Lạng đã đã quá hớ hênh và non kém là đơn tố cáo có trước tài liệu ghi vay tiền "làm thủy điện" (Đơn tố cáo ghi ngày 10/8/2010; giấy vay tiền ghi đầu tư thủy điện ghi ngày 12/8/2010). Điều đó có nghĩa "Chưa mất bò đã tố cáo hàng xóm lấy trộm". Thật kỳ lạ là những "tài liệu" đó vẫn được đưa vào làm chứng cứ buộc tội?.

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án, sau khi vay tiền của bà Lạng (bà Dung và La làm ăn chung) họ đều chuyển toàn bộ số tiền này cho Ngô Thị Hoa vay lại. Thậm chí số tiền Hoa vay của bà Dung và Hoa còn lớn hơn số tiền của bà Lạng, bởi vì trong đó còn có cả tiền của gia đình họ. Cũng theo tài liệu điều tra Ngô Thị Hoa (bị khởi tố trong một vụ án lừa đảo khác với số tiền lơn tới trên 30 tỷ đồng) còn nợ bà Dung và La 3.925.350.000 đ. Ban đầu Ngô Thị Hoa không khai nhận số nợ trên ba tỷ đối với bà Dung và bà La, nhưng bằng kết luật giám định của Phòng kỹ thuật hình sự của Công an tỉnh Tuyên Quang kết luận chữ ký của Hoa trong 9 tài liệu vay nợ do Hoa Ký.

Với tài liệu, chứng cứ xác đáng này càng khẳng định hai bà Bà Nguyễn Thị Dung và Nguyễn Thị La đã vay tiền của bà Lạng cho Ngô Thị Hoa vay lại để kiểm lời, chứ không phải vay tiền để làm "thủy điện" như đơn tố của bà Lạng.

Bên cạnh đó, họ còn được chứng minh họ chỉ chậm thanh toán cho bà Lạng, thậm chí đã trả lãi cho bà Lạng gần hai trăm triệu tiền lãi, việc họ chậm thanh toán có lý dokhách quan là Ngô Thị Hoa lừa hết tiền của họ, chứ chưa bao giờ họ từ chối nghĩa vụ thanh toán với bà Lạng. Yếu tố cấu thành tội ''Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo"Điều 139 Bộ luật hình sự là phải có hành vi gian dối để chiếm đoạt".

Sau khi vụ án kết thúc điều tra, bị truy tố với khung hình phạt tối đa đến chung thân, hai bà Dung và La liên tục có đơn kêu oan đến các cơ quan pháp luật ở Trung ương và các cơ quan thông tấn, báo chí. Thậm chí khi được tại ngoại vì kêu oan bà La lại bị bắt lại để điều tra trong trại giam.

Về vụ án này, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Văn phòng luật sư Hoàng Hưng tái khẳng định: “Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì bà Dung và La đang là bị hại, họ phải được pháp luật bảo vệ. Nhưng không hiểu vì sao họ đang là bị can, bị cáo, thậm chí họ đang chờ ngày ra Tòa để xét xử”.

Theo thông tin Luật sư Hoàng Văn Hướng cung cấp, trong thời gian bị bắt giam bà Nguyễn Thị Dung và Nguyễn Thị La liên tục có đơn kêu oan lên các cơ quan pháp luật Trung ương. Quá trình nghiên cứu và thẩm định hồ sơ, Viện KSNDTC kết luận: Bị can Nguyễn Thị Dung và Nguyễn Thị La bị oan, hành vi của họ là dân sự, không phải hình sự. Việc khởi tố đối với họ “là hình sự hóa quan hệ dân sự”, họ bị oan và đã chỉ đạo Viện KSND tỉnh Tuyên Quang có trách nhiệm minh oan cho hai bị can này.

Viện KSNDTC đã có ý kiến chỉ đạo, nhưng không hiểu vì sao những chỉ đạo trên không được thực hiện? Phải chăng ở đây có chuyện “trên bảo dưới không nghe?".

Dự kiến, ngày 14/1/2013, bà Nguyễn Thị Dung và Nguyễn Thị La sẽ bị TAND tỉnh Tuyên Quang đưa ra xét xử. Công luận đang rất mong mỏi Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa xét xử công tâm, đúng pháp luật vụ án trên.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn Đọc