Hà Nội: Dự án “treo” gần nửa thế kỷ, hàng nghìn người dân thủ đô chịu cảnh khốn khổ

(Dân trí) - Đất không được cấp sổ đỏ, nhà không được xây, hộ khẩu không được nhập - tách, đó là thực tế gần 600 hộ dân khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn đang phải trải qua vì khu vực nằm trong quy hoạch công viên Tuổi trẻ được lập từ năm 1970, nhưng “treo” suốt 45 năm.

Nhiều thế hệ không biết đến ngôi nhà khang trang

Trong đơn đề nghị gửi các cơ quan Trung ương, TP. Hà Nội và cơ quan báo chí, đại diện gần 600 hộ gia đình đang sống tại khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) phản ánh: Hàng chục năm qua, người dân nhiều thế hệ khu dân cư số 4 phải chịu đựng cuộc sống khó khăn do nằm trong quy hoạch công viên Tuổi trẻ Thủ đô lập từ năm 1970, nhưng từ đó đến nay dự án chưa được triển khai. Do thuộc vùng quy hoạch “treo”, các hộ dân ở đây có đất mà không được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (gọi là sổ đỏ), có tiền không được sửa chữa xây dựng nhà mới, hộ khẩu không được nhập - tách, đe dọa nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của người dân.

Gần 600 hộ dân khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn phải chịu cảnh sống lụp xụp vì đất nằm trong dự án treo 45 năm.
Gần 600 hộ dân khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn phải chịu cảnh sống lụp xụp vì đất nằm trong dự án "treo" 45 năm.

Miêu tả cuộc sống khó khăn mà hàng nghìn nhân khẩu khu dân cư đang trải qua, ông Đinh Xuân Tế, Trưởng ban công tác Mặt trật Tổ quốc nhiều năm ở khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn cho biết: “Gia đình tôi ở đây được 40 năm, trong khi dự án công viên “treo” từ năm 1970. Dự án “treo” quá lâu không thực hiện, dẫn đến quyền lợi của người dân không được đảm bảo. Khi đoàn công tác của UBND quận Hai Bà Trưng do đồng chí Phó chủ tịch Lâm Anh Tuấn dẫn đầu đi khảo sát đã chứng kiến nhiều gia đình có đến hơn 30 nhân khẩu, gồm 5 thế hệ phải sống chen chúc trong ngôi nhà cấp 4 rộng vài chục m2 nên sinh hoạt rất khó khăn. Rất nhiều gia đình đủ điều kiện xây dựng những ngôi nhà khang trang, nhưng rơi vào bế tắc vì không ai cấp phép...”.

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, bà Ngô Thị Thủy, Tổ trưởng tổ dân cư 4D phường Thanh Nhàn phát biểu: “Dự án treo hàng chục năm đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện sống của người dân, vì quá khổ mà xin không được nên người dân phải lách luật xây dựng không phép để có thêm chỗ sinh hoạt. Giống như đông đảo người dân trong khu vực, chúng tôi khẩn thiết đề nghị lãnh đạo TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh dự án, đưa người dân ra khỏi quy hoạch nếu dự án không còn khả năng thực hiện để người dân được cấp sổ đỏ, được xây dựng nhà ở, được nhập - tách hộ khẩu, giúp người dân ổn định cuộc sống sau 45 năm chờ đợi...”.

Trong lúc người dân khu dự án treo sống chen chúc trong các ngôi nhà cấp 4, một số công trình xây dựng hoành tráng lại được xây dựng xấm chiếm đất cây xanh ngay trong khuôn viên công viên Tuổi trẻ Thủ đô.
Trong lúc người dân khu dự án "treo" sống chen chúc trong các ngôi nhà cấp 4, một số công trình xây dựng hoành tráng lại được xây dựng "xấm chiếm" đất cây xanh ngay trong khuôn viên công viên Tuổi trẻ Thủ đô.

Được biết, từ năm 2013 cho đến nay, đại diện khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn đã gửi đi hàng chục lá đơn, nhiều lần đề đạt tâm nguyện đến Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, lãnh đạo TP. Hà Nội, nhưng kiến nghị của người dân chưa được xem xét giải quyết. Đồng nghĩa, gần 600 hộ dân, với hàng nghìn nhân khẩu sẽ tiếp tục phải sống cảnh “treo” chưa hồi kết.

“Từ năm 2013, khu dân cư đã gửi gần 30 lá đơn kiến nghị đến Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, lãnh đạo TP. Hà Nội và các cơ quan Trung ương đề nghị xem xét đưa khu dân cư chúng tôi ra khỏi vùng quy hoạch treo nhưng chưa được tháo gỡ. Theo Luật Đất đai năm 2013, dự án trên đã bị “treo” quá lâu nên thuộc diện phải thu hồi. Lúc này, người dân chỉ có kiến nghị TP. Hà Nội xem xét thu hồi dự án, tạo điều kiện cho các hộ dân ổn định cuộc sống và được hưởng những quyền lợi hợp pháp”, ông Đinh Xuân Tế đại diện cho khu dân cư nêu kiến nghị.

Thành phố chỉ đạo rà soát, người dân mong “giải cứu” từng ngày

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Triệu Như Long - Phó chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn xác nhận có việc các hộ dân khu dân cư số 4 gặp khó khăn về điều kiện ở do nằm trong khu quy hoạch có từ hàng chục năm trước. Theo lời ông Long, chính quyền địa phương biết rõ điều kiện sống khó khăn của người dân, người dân đã nhiều lần kiến nghị được xây dựng nhưng những kiến nghị người dân nêu ra vượt thẩm quyền của chính quyền địa phương, dự án còn thì  không thể cấp sổ đỏ hoặc cấp Giấy phép xây dựng.

Người dân khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn mong mỏi được TP. Hà Nội đưa ra khỏi quy hoạch treo.
Người dân khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn mong mỏi được TP. Hà Nội đưa ra khỏi quy hoạch "treo".

Sau nhiều lần người dân gửi “tâm thư”, ngày 21/7/2015, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức lấy ý kiến của người dân, lấy làm cơ sở để giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thông báo số 236/TB-VP, ngày 21/7/2015, của Văn phòng UBND TP. Hà Nội nêu rõ:

“...Giao Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng: tổ chức lấy ý kiến, phân loại nguyện vọng của các hộ dân tại khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng; làm rõ số liệu cụ thể về hiện trạng, tình hình quản lý, sử dụng đất…làm cơ sở để đề xuất, giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan đến quy hoạch của công viên Tuổi trẻ Thủ đô.

Trên cơ sở số liệu cụ thể nêu trên, Sở Quy hoạch Kiến trúc có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, UBND quận Hai Bà Trưng, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thống nhất đề xuất giải quyết vấn đề quy hoạch của công viên Tuổi trẻ Thủ đô, đảm bảo tính khả thi của Dự án, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân...”.

Thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu rà soát, giải quyết quyền lợi hợp pháp của người dân.
Thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu rà soát, giải quyết quyền lợi hợp pháp của người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch TP. Hà Nội, tháng 8/2015, UBND quận Hai Bà Trưng đã giao phường Thanh Nhàn phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức phát phiếu lấy ý kiến của người dân khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn. Theo kết quả thống kê, 532 phiếu thăm dò thu về/580 phiếu thăm dò được UBND phường Thanh Nhàn phát ra, người dân có chung đề xuất TP. Hà Nội xem xét đưa ra khỏi vùng quy hoạch để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Sau khi có kết quả thăm dò ý kiến, UBND phường Thanh Nhàn đã có báo cáo chi tiết gửi UBND quận Hai Bà Trưng để quận tiếp tục làm việc với các Sở, ngành chức năng xem xét ý kiến của người dân. Trước việc được chính quyền các cấp tổ chức lấy ý kiến công khai, dân chủ, gần 600 hộ dân khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn đang mong mỏi từng ngày được TP. Hà Nội xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, sau 45 năm sống cảnh thấp thỏm lo âu.

Trong khi đó, những người dân sống xung quanh khu vực công viên Tuổi trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) còn hết sức bất bình bởi: Nhiều diện tích đất công ích, được phê duyệt quy hoạch làm vườn hoa, cây xanh, sân thể thao...thuộc khuôn viên công viên Tuổi trẻ Thủ đô bị buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng sử dụng đất sai mục đích gây ảnh hưởng đến quyền lợi sử dụng công viên của hàng ngàn hộ dân trong khu vực.

Theo quy hoạch chi tiết điều chỉnh công viên Tuổi trẻ Thủ đô tỷ lệ 1/500, ô đất số 17 là đất cây xanh. Tuy nhiên, hiện diện trên đó lại là nhà hàng Queen Bee; Ô số 37 được phê duyệt là Khu nhà văn hóa, Ban quản lý dự án và các hoạt động, hiện có nhà 2 tầng làm văn phòng Công ty và Văn phòng Trung tâm xuất khẩu lao động.

3 sân bóng mini được xây dựng trên ô số 37, được Thành phố phê duyệt quy hoạch làm Khu nhà văn hóa, Ban quản lý dự án và các hoạt động khác; Khu đất giáp đường Võ Thị Sáu hiện có 17 hộ gia đình tái lấn chiếm diện tích mặt bằng đã bàn giao phục vụ dự án; 3 bãi trông giữ xe ôtô nằm trên diện tích quận Hai Bà Trưng đã GPMB được phê duyệt quy hoạch đất cây xanh, thảm cỏ.

Tầng hầm khu sân tennis (sức chứa1500 chỗ) có mái che, theo quy hoạch được sử dụng làm chỗ đỗ xe, không sử dụng kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, hiện tầng hầm khu sân tennis có mái che đang được Siêu thị FiviMart và Nhà hàng Vạn Tuế sử dụng kinh doanh.

Từ năm 2010 đến năm 2012, Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) và các cơ quan chức năng đã nhiều lần thanh, kiểm tra, lập biên bản, “điểm mặt” hàng loạt công trình vi phạm nhưng đến nay việc xử lý vi phạm về TTXD vẫn bị “bỏ quên” gây bất bình dư luận.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.

Ngọc Cương