Bài 2:

Hà Nội: Đất cho mượn chưa trả, sao cơ quan nhà nước đã vội cấp “sổ đỏ”?

(Dân trí) - Vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất tại 246 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã được phán xử thấu tình, đạt lý thông qua Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2007/DSST ngày 28/9/2007 của TAND quận Hai Bà Trưng. Thế nhưng, bản án phúc thẩm lại quay ngược hoàn toàn khiến nguyên đơn choáng váng. Vậy nguyên cớ do đâu?

Như Dân trí đã đưa tin về vụ việc “Cho mượn đất, Toà xử mất luôn đất?” gây xôn xao dư luận tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, vào năm 1958, thấy gia đình hàng xóm của mình là ông Bùi Quang Kỷ có khó khăn về chỗ ở, gia đình ông Nguyễn Duy Thạch (tức Hoàng Văn Thành) đã cho gia đình ông Kỷ mượn tổng cộng 13,2m2 đất sân và 6m2 đất lối đi thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình ông.

Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống, cho rằng gia đình ông Kỷ nảy sinh ý định chiếm đoạt diện tích đất nói trên nên ông Nguyễn Duy Thạch đã rất nhiều lần phải gửi đơn tới UBND phường Minh Khai yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, UBND phường Minh Khai không những không giải quyết triệt để vấn đề này mà còn cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ) cho ông Bùi Quang Voòng và vợ là Dương Thị Thảo (là con trai và con dâu ông Bùi Quang Kỷ).

Gia đình ông Thạch buộc phải khởi kiện người đã mượn đất rồi chiếm đoạt ra toà. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2007/DSST ngày 28/9/2007 của TAND quận Hai Bà Trưng đã khẳng định: Quyền sử dụng đất đối với 19,2m2 đất sân và lối đi thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình cụ Thạch và buộc ông Voòng phải trả lại đất mượn đó cho gia đình cụ Thạch. Thế nhưng, các Bản án về sau của TAND thành phố Hà Nội và TAND cấp cao lại tuyên không chấp nhận yêu cầu đòi lại đất của gia đình cụ Thạch.

Hà Nội: Đất cho mượn chưa trả, sao cơ quan nhà nước đã vội cấp “sổ đỏ”? - 1
Hà Nội: Đất cho mượn chưa trả, sao cơ quan nhà nước đã vội cấp “sổ đỏ”? - 2

Bản án sơ thẩm của TAND quận Hai Bà Trưng đã tuyên người mượn đất phải trả lại đất.

Bản án sơ thẩm của TAND quận Hai Bà Trưng đã tuyên người mượn đất phải trả lại đất.

Liên quan tới vấn đề này, PV Dân trí đã có buổi làm việc với Luật sư Nhâm Mạnh Hà (Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội) để làm rõ hơn về các khía cạnh pháp lý.

P/v: Xin luật sư cho biết, diện tích đất hiện đang tranh chấp có nguồn gốc từ đâu?

Luật sư Mạnh Hà: Theo hồ sơ vụ án, diện tích thửa đất đang tranh chấp có nguồn gốc là do gia đình ông Nguyễn Duy Thạch nhận chuyển nhượng hợp pháp từ gia đình bà Vũ Thị Cộng.

Theo Đơn khởi kiện đề ngày 06/06/2006 gửi TAND quận Hai Bà Trưng, nguyên đơn - ông Nguyễn Duy Thạch có trình bày: Cuối năm 1958, gia đình ông Nguyễn Duy Thạch đến làng Hoàng Mai thuộc Phố Hưng Ký (nay là phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để mua lô đất tại số 244 Phố Hưng Ký (nay vẫn là 244 Minh Khai) của bà Vũ Thị Cộng (hiện nay đã mất). Việc mua bán giữa hai bên được thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật tại chính quyền vào ngày 27/12/1958. Gia đình ông Thạch sử dụng ổn định thửa đất này từ thời điểm đó đến nay. Vào thời điểm gia đình ông Thạch mua đất của bà Cộng, gia đình ông Bùi Quang Kỷ (sinh năm 1921, hiện nay đã mất) đang thuê 01 căn phòng diện tích rộng 15m2 của bà Cộng để ở. Sau khi bán một phần đất cho gia đình ông Thạch, ông Kỷ vẫn được bà Cộng tiếp tục cho ở thuê căn phòng đó. Lúc đó, thấy gia đình ông Kỷ đông con, ăn ở chật chội, khó khăn nên ông Thạch đã cho ông Kỷ mượn một phần đất có diện tích 13,2m2 để làm sân và 6m2 làm lối đi, tổng cộng là 19,2m2.

Khi xảy ra tranh chấp, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình mình, ông Thạch đã đề nghị UBND phường Minh Khai giải quyết việc mượn đất đối với gia đình ông Kỷ. Ngày 10/12/1982, UBND phường Minh Khai đã lập Biên bản hòa giải giữa ông Kỷ với ông Nguyễn Duy Thạch, có xác nhận của Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai là ông Khúc Đình Khiên. Theo Biên bản trên thì ông Thạch vẫn tiếp tục cho gia đình ông Kỷ mượn diện tích 19,2m2 đất gồm sân, lối đi với điều kiện “gia đình ông Kỷ không được xây dựng, bán, đổi cho chủ khác”. Rõ ràng, dưới sự xác nhận của UBND phường Minh Khai, ông Voòng thừa nhận rằng có việc mượn đất giữa bố ông - Bùi Quang Kỷ với ông Nguyễn Duy Thạch. Nhưng trong quá trình sử dụng đất mượn, gia đình ông Kỷ đã sử dụng không đúng như đã thỏa thuận và cam kết, thậm chí đã tìm mọi thủ đoạn để chiếm đoạt đất mà gia đình ông Thạch cho mượn.

P/v: Vậy căn cứ vào đâu để khẳng định diện tích đất tranh chấp trên, gia đình ông Kỷ chưa trả lại cho gia đình ông Thạch?

Luật sư Mạnh Hà: Hồ sơ vụ án thể hiện rõ, gia đình ông Bùi Quang Voòng (là con trai ông Bùi Quang Kỷ, hiện nay đã mất) vẫn sử dụng diện tích đất đi mượn kể trên mà không có ý định trả lại cho chủ sở hữu là gia đình ông Nguyễn Duy Thạch dù bản thân ông Voòng cũng không xuất trình được bất cứ chứng cứ nào chứng minh về việc đã trả lại đất cho gia đình ông Thạch, cụ thể:

Thứ nhất, tại Biên bản đối chất ngày 06/09/2006 với bà Hoàng Thị Liên (con gái và là người đại diện hợp pháp của ông Thạch), ông Bùi Quang Voòng đã thừa nhận về việc có mượn đất để làm lối đi riêng: “kể từ khi bà Cộng đòi nhà thuê và bản án phúc thẩm của TAND thành phố Hà Nội xử buộc gia đình ông Voòng phải trả nhà cho bà Cộng thông qua đại diện là anh Hùng, kể từ đó gia đình ông Voòng đã phải thực hiện bản án đó và trả lại nhà thuê cho anh Hùng. Điều này đã làm chấm dứt việc đi nhờ qua sân, lối đi riêng của gia đình ông Thạch mà vào năm 1983 đã có thỏa thuận giữa ông Kỷ với ông Thạch”.

Tại Bản án số 16/2007-DSST ngày 28/09/2007 của TAND quận Hai Bà Trưng, phía bị đơn – ông Bùi Quang Voòng thừa nhận: “Trước đây ông Bùi Quang Kỷ (bố của ông Voòng) có mượn đất của ông Thạch nhưng việc mượn này đã chấm dứt theo Bản án số 50/PTDS ngày 23/01/1991 của TAND thành phố Hà Nội, kể từ thời điểm đó gia đình ông Voòng đã trả lại đất đã mượn cho ông Thạch”. Thế nhưng Bản án số 50/PTDS ngày 23/03/1991 của TAND thành phố Hà Nội chỉ là bản án xét xử vụ bà Cộng kiện đòi phần nhà đất cho gia đình ông Kỷ ở thuê và không có liên quan gì đến phần đất mà ông Thạch cho ông Kỷ mượn. Nội dung của Bản án cũng không có phần nào đề cập đến phần đất 19,2m2 mà ông Kỷ mượn và việc trả lại phần diện tích đất này. Do đó, không có căn cứ để khẳng định gia đình ông Kỷ đã trả lại diện tích 19,2m2 đất mượn cho gia đình ông Thạch.

Thứ hai, tại Văn bản “Trích biên bản giải quyết nhà đất ngày 10/12/1982 giữa ông Nguyễn Duy Thạch 244 và ông Bùi Quang Kỷ 246 Minh Khai” xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của ông Thạch đối với 19,2m2 đất đang cho ông Kỷ mượn. Và trên thực tế, gia đình ông Kỷ vẫn sử dụng 19,2m2 đất từ năm 1982 tới nay.

Hà Nội: Đất cho mượn chưa trả, sao cơ quan nhà nước đã vội cấp “sổ đỏ”? - 4
Hà Nội: Đất cho mượn chưa trả, sao cơ quan nhà nước đã vội cấp “sổ đỏ”? - 5
Hà Nội: Đất cho mượn chưa trả, sao cơ quan nhà nước đã vội cấp “sổ đỏ”? - 6

Biên bản đối chất về việc mượn đất giữa hai gia đình.

Biên bản đối chất về việc mượn đất giữa hai gia đình.

Rõ ràng, văn bản thỏa thuận về đất đai giữa hai bên rất cụ thể, được UBND phường Minh Khai giải quyết và lập hồ sơ từ ngày 31/01/1983. Sau này, hai gia đình phát sinh mâu thuẫn, rất nhiều lần UBND phường đứng ra giải quyết nhưng không xử lý được dứt điểm, khi đúng lúc mâu thuẫn về phần diện tích đất ông Thạch cho mượn đang rất gay gắt thì không hiểu vì sao đến năm 2005 ông Voòng lại được UBND quận Hai Bà Trưng cấp Giấy phép xây dựng số 169.7.2005/GP-XD “Cho phép ông Voòng xây dựng nhà bê tông cốt thép” ngay trên chính diện tích đất mà gia đình ông Thạch cho mượn. Qúa bức xúc trước sự việc này, gia đình ông Thạch có tìm hiểu thì được biết ngày 28/12/2002, UBND quận Hai Bà Trưng cấp GCNQSDĐ số 10107352914 cho ông Bùi Quang Voòng và vợ là bà Dương Thị Thảo. Chính vì vậy tháng 03/2005, gia đình ông Thạch đã gửi đơn đến UBND phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội yêu cầu giải quyết việc đòi lại đất với diện tích 19,2m2 mà gia đình ông Thạch đã cho gia đình ông Kỷ mượn. Tuy nhiên, UBND phường Minh Khai không giải quyết dứt điểm mẫu thuẫn giữa hai gia đình, khiến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Thạch bị xâm phạm nghiêm trọng.

P/v: Thưa luật sư, việc UBND phường Minh Khai cấp GCNQSDĐ đối với diện tích 19,2m2 đất đang tranh chấp kể trên cho ông Voòng (và vợ là bà Dương Thị Thảo) có đúng với quy định của pháp luật hiện hành không?

Luật sư Mạnh Hà: Đối chiếu giữa các quy định pháp luật và thực tế của quá trình cấp GCNQSDĐ cho ông Bùi Quang Voòng (và vợ là Dương Thị Thảo) thì có thể thấy, UBND phường Minh Khai, UBND quận Hai Bà Trưng đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo quy định khi không kiểm tra, xác minh rõ hiện trạng, nguồn gốc thửa đất (50,7m2) nhưng đã cấp GCNQSDĐ là vi phạm nghiêm trọng về pháp luật đất đai, cụ thể:

Thứ nhất, vi phạm quy định về hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Quyết định số 69/1999/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành sửa đổi “Quy định về kê khai đăng ký nhà ở, đất ở và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị TP Hà Nội” thì hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ bắt buộc phải có “Tờ khai đăng ký nhà ở và đất ở, trong đó sơ đồ thửa đất được chủ sử dụng đất tự vẽ và các chủ liền kề ký (theo mẫu)”.

Tại biên bản ghi lời khai ngày 09/12/2010 tại TAND thành phố Hà Nội, bà Liên khẳng định “Khi gia đình ông Voòng được cấp sổ đỏ gia đình tôi không biết. Chỉ khi gia đình ông Voòng xây dựng, phát sinh tranh chấp thì gia đình tôi mới được biết là ông Voòng đã được cấp sổ đỏ rồi”. Như vậy, quá trình UBND phường Minh Khai cấp sổ đỏ cho gia đình ông Voòng, gia đình bà Liên không hề hay biết.

Tại Công văn số 3628/TNMTNĐ-ĐKTK ngày 13/09/2006 của Sở Tài nguyên môi trường và nhà đất Hà Nội về việc kiểm tra việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ hộ ông Bùi Quang Vòng tại 246 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng cũng khẳng định: “Hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của hộ ông Voòng còn thiếu chữ ký của các hộ liền kề trong hồ sơ kỹ thuật thửa đất (đặc biệt là hộ ông Nguyễn Duy Thạch và con là Hoàng Thị Bích ở thửa 154C liền kề)”.

Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Thạch, làm phát sinh tranh chấp khiếu kiện kéo dài.

Thứ hai, vi phạm quy định về xác nhận thực trạng trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

Điều 10 Quyết định số 69/1999/QĐ-UB quy định về trách nhiệm của UBND cấp phường trong việc thành lập Hội đồng đăng ký nhà ở, đất ở cấp phường thì: “UBND cấp phường thành lập Hội đồng đăng ký nhà ở, đất ở cấp phường theo Điều 18 của quy định này để kiểm tra và phân loại hồ sơ kê khai đăng ký. Việc phân loại như sau:

1.Hội đồng đăng ký nhà ở, đất ở cấp phường có trách nhiệm xác nhận cho từng hồ sơ về diện tích nhà ở, đất ở; nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, ranh giới, mốc giới sử dụng; tình trạng tranh chấp hoặc khiếu nại về nhà đất….”.

Như vậy, trước khi cấp GCNQSDĐ, Hội đồng đăng ký nhà ở, đất ở cấp phường phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh để xác nhận thực trạng thửa đất.

Theo Biên bản ghi lời khai ngày 09/12/2010 tại trụ sở TAND thành phố Hà Nội thì: “Năm 1982, UBND phường Minh Khai đã lập biên bản giải quyết nhà đất ngày 10/12/1982 giữa bố tôi và ông Kỷ. Tại biên bản này, ông Kỷ thừa nhận có mượn của nhà tôi 19,2m2 đất và nêu rõ không được xây dựng, bán đổi cho chủ khác”. Như vậy, kể từ năm 1982, UBND phường Minh Khai đã công nhận diện tích 19,2m2 đất đang tranh chấp thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình bà Liên. Nhưng ở đây, Hội đồng đăng ký nhà ở, đất ở phường Minh Khai đã không kiểm tra, xác minh nguồn gốc đất tranh chấp, từ đó xác nhận hồ sơ sai để cấp GCNQSDĐ không đúng thực trạng thửa đất.

Như vậy, theo GCNQSDĐ số 10107352914, gia đình ông Voòng được quyền sử dụng 50,7m2 đất , nhưng diện tích đất thực tế có phải là 50,7m2 hay không, diện tích đó có bao gồm 19,2m2 đất mượn của gia đình nhà ông Thạch hay không thì UBND phường Minh Khai lại không tiến hành xác minh làm rõ. Điều này đã xâm phạm đến các quy định pháp luật về đất đai và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Thạch.

Dân trí sẽ tiếp tục đưa tin tới bạn đọc.

Anh Thế