Đắk Nông:

Góp 2,5 tỷ từ ngân sách, bến xe lại được giao toàn quyền cho doanh nghiệp!

(Dân trí) - Ngoài 45% vốn Nhà nước, một doanh nghiệp đã bỏ ra 55% để đầu tư vào dự án xây dựng bến xe. Sau khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp này lại được toàn quyền sở hữu, khai thác, vận hành trong vòng 30 năm mà không có bất cứ điều khoản nào quy định việc hoàn vốn hay phân chia lợi nhuận.

Tháng 8/2013, UBND huyện Krông Nô ký quyết định chủ trương xây dựng bến xe khách huyện Krông Nô theo hình thức xã hội hóa. Theo chủ trường này, do bến xe cũ của huyện đã xuống cấp, lại nằm ở vị trí không phù hợp nên bến xe mới sẽ được xây dựng. Bến xe mới có diện tích khoảng 2,500m2, tiêu chuẩn loại IV, tại trung tâm thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô.

Góp 2,5 tỷ từ ngân sách, bến xe lại được giao toàn quyền cho doanh nghiệp! - 1
Bến xe khách huyện Krông Nô được nhà nước góp vốn 2,5 tỷ đồng

Ngày 7/1/2015, UBND huyện giao cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng trực tiếp làm chủ đầu dự án xây mới bến xe và hoàn thành các thủ tục để đầu tư trong quý I/2015. Đến ngày 27/1/2015, UBND huyện Krông Nô ra thông báo kêu gọi đầu tư bến xe khách theo hình thức xã hội hóa.

Khoảng 1 tuần sau đó, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện ký báo báo kết quả kêu gọi, nêu rõ Công ty TNHH Nam Trường trúng thầu. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất có tờ trình đăng ký thực hiện dự án trong vòng 1 tuần kêu gọi đầu tư.

Góp 2,5 tỷ từ ngân sách, bến xe lại được giao toàn quyền cho doanh nghiệp! - 2
Công trình nằm tại vị trí trung tâm của huyện

Phòng Kinh tế - Hạ tầng đề xuất giao dự án cho Công ty Nam Trường đầu tư theo hình thức “Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm”. Sau đó, đề xuất này được UBND huyện Krông Nô phê duyệt.

Tháng 7/2015, hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, và dự toán công trình mới được phê duyệt. Tuy nhiên, trước đó 3 tháng, UBND huyện Krông Nô đã “ưu ái” cho Công ty Nam Trường triển khai thi công trước công trình bến xe khách.

Trong quá trình thực hiện, phần góp vốn của Nhà nước và diện tích xây dựng cũng được điều chỉnh theo hướng tăng. Theo quyết định ngày quyết định ngày 3/7/2015, UBND huyện Krông Nô góp 35 % vốn để làm bến xe, nhưng chỉ hơn 1 tháng sau đó, huyện này quyết định điều chỉnh lên 45%. Tổng diện tích đất của dự án triển khai xây dựng tăng từ 2500 m2 lên 7000 m2.

Ngoài ra, trong tờ trình góp vốn đầu tư xây dựng dự án bến xe khách huyện (ngày 2/1/2015), Công ty Nam Trường đã đề xuất phân chia lợi nhuận với Nhà nước theo tỷ lệ góp vốn sau khi trừ đi các khoản thuế, phí, chi phí theo quy định.

Góp 2,5 tỷ từ ngân sách, bến xe lại được giao toàn quyền cho doanh nghiệp! - 3

Ngoài tăng tỷ lệ góp vốn, bến xe này cũng được điều chỉnh diện tích tăng lên khoảng 3 lần

Thế nhưng, đến ngày 4/9/2015, tại hợp đồng hợp tác đầu tư giữa UBND huyện Krông Nô với Công ty Nam Trường, UBND huyện Krông Nô đồng ý không can thiệp vào bất kỳ hoạt động nào của Công ty Nam Trường. Hợp đồng cũng giao toàn bộ bến xe cho Công ty Nam Trường toàn quyền khai thác trong thời gian 30 năm mà không có bất cứ điều khoản nào về quy định việc hoàn vốn hay phân chia lợi nhuận đối với phần góp vốn 45% của Nhà nước…

Liên quan đến những “ưu ái” cho đơn vị góp vốn đầu tư này, ông Trần Thái Châu, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Nô xác nhận, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước góp cho dự án bến xe khách huyện là gần 2,5 tỷ đồng. Hiện nay, doanh nghiệp đang toàn quyền quản lý, vận hành bến xe khách. UBND huyện không can thiệp vào bất cứ vấn đề gì theo đúng hợp đồng đã được ký kết.

Ông Châu cũng cho rằng toàn bộ quá trình đầu tư, xây dựng mới bến xe khách huyện Krông Nô đang được Công an tỉnh Đắk Nông điều tra, xác minh nên huyện chưa thể cung cấp thông tin gì thêm về vấn đề này.

Góp 2,5 tỷ từ ngân sách, bến xe lại được giao toàn quyền cho doanh nghiệp! - 4

Bến xe đang được công ty Nam Trường toàn quyền khai thác

Trong khi đó, ông Phạm Hưng Bá, Giám đốc Công ty TNHH Nam Trường cho rằng bến xe mới của huyện có diện tích lớn nhưng hoạt động không hiệu quả do đầu xe quá ít, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương, hiện đơn vị vẫn phải bù lỗ hàng năm.

Ông này cũng cho hay, Công ty đang tiến hành các thủ tục để UBND huyện Krông Nô thoái phần vốn đã đóng góp (tức số tiền gần 2,5 tỷ đồng, tương đương với 45% tổng vốn đầu tư), mục đích là để đơn vị được nâng thời gian khai thác dự án lên 50 năm (so với 30 năm hiện nay), cũng như được toàn quyền bảo trì, thế chấp vay vốn ngân hàng…

Dương Phong