Giết người do sử dụng ma túy đá có coi là phạm tội do mắc bệnh tâm thần?

(Dân trí) - Cần nghiêm khắc trừng trị hành vi giết người này để phát đi tiếng nói cảnh tỉnh cho toàn xã hội, đặc biệt những cá nhân còn tỉnh táo trước khi sử dụng ma túy, chất kích thích, Luật sư Lực cho biết.

Khoảng 21h45 ngày 18/2, Trung tâm 113 Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhận được tin báo tại ngõ 609 đường Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm có đối tượng “ngáo đá”, đâm chết 1 người, tự đốt xe máy và dùng dao uy hiếp cả gia đình.

Nạn nhân bị Bình đâm tử vong tại chỗ chính là em rể của Bình là anh Vũ Mạnh Dũng (sinh năm 1978 ở 14 ngõ 609 Bạch Đằng), nghệ sĩ ưu tú của Nhà hát Nhạc vũ kịch, giữ chức vụ Phó đoàn trưởng Đoàn ca kịch Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

Nghệ sĩ Vũ Mạnh Dũng được biết đến là giọng Nam trung (Bariton), một trong những giọng ca Opera số 1 của Việt Nam hiện nay.

Hiện đối tượng Bình đã bị tổ công tác 113 Công an quận Hoàn Kiếm khống chế đưa về Công an phường Chương Dương.

Giết người do sử dụng ma túy đá có coi là phạm tội do mắc bệnh tâm thần? - 1
Đối tượng Dương Quang Bình thời điểm bị bắt giữ (Ảnh: CTV)

Trước thông tin sự việc, có câu hỏi đặt ra là hung thủ gây án mạng do tinh thần không tỉnh táo vì dùng ma túy đá, thì liệu hắn chỉ bị quy tội do đang trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự hay không?

Về vấn đề này, Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) cho biết,  Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Bộ luật hình sự có các quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đó là tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự có nguyên nhân từ việc mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. 

Tuy nhiên việc “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 BLHS năm 2015.

Điều này đã được pháp định hết sức rõ ràng. Quy định đó được xây dựng trên cơ sở khoa học pháp lý theo đó nguyên nhân hình thành “Ảo giác” sau khi sử dụng ma túy hoàn toàn không phải là hình thành một cách tự nhiên mà nhờ sự tác động của một chất bị Nhà nước cấm nhưng người phạm tội vẫn sử dụng đó là hành vi cố ý. Trong tình trạng tỉnh táo, đủ điều kiện nhận thức, đủ năng lực hành vi của mình trước khi sử dụng các chất cấm, người đó hiểu rằng sử dụng chất ma túy sẽ không thể kiểm soát được hành vi của mình và họ chấp nhận các khả năng đó cùng với khả năng gây ra thiệt hại cho xã hội đến mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, xác định việc sử dụng ma túy gây ra ảo giác, ảnh hưởng hệ thần kinh không phải là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự.

Về mặt thực tiễn vụ án Châu Việt Cường khi sử dụng ma túy đá, sau đó thực hiện hành vi nhét tỏi vào miệng một phụ nữ với mục đích “trừ tà” dẫn đến cái chết đã bị Tòa án tuyên phạm tội Giết người theo điều 123 Bộ Luật hình sự 2015 với mức án 11 năm tù.

Vụ việc đối tượng Dương Quang Bình khi sử dụng ma túy, biểu hiện ngáo đá gây ra cái chết cho Nghệ sĩ Vũ Mạnh Dũng là một sự việc đau lòng cho gia đình và xã hội. Cần nghiêm khắc trừng trị hành vi giết người này để phát đi tiếng nói cảnh tỉnh cho toàn xã hội, đặc biệt những cá nhân còn tỉnh táo trước khi sử dụng ma túy, chất kích thích.

Ngọc Hân (thực hiện)