Bài 3:

Giao kết hợp đồng và nhận tiền của nhiều người: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin, liên quan đến vụ việc một ngôi nhà nhưng được bán cho rất nhiều người xảy ra tại huyện Hoài Đức, theo nội dung đơn của ông Vũ Văn Trọng (trú tại: số 119 ngõ Thịnh Hào 3, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội) thì sau khi bà Nguyễn Thị Thu Hiền mua đất của ông Nguyễn Đình Chí, bà Hiền đã chuyển nhượng lại cho ông Trọng và rất nhiều người khác.

Trong các hồ sơ, giấy tờ về việc chuyển nhượng đất đều có chữ ký của bà Hiền. Để khẳng định giao dịch giữa mình với bà Hiền, ông Trọng đã có đơn đề nghị giám định đối với Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 24/12/2010 giữa ông Chí cho bà Hiền; Giấy bán nhà giữa bà Hiền với ông Trọng; Hợp đồng thuê nhà giữa ông Trọng và bà Hiền. Tại Kết luận giám định số 1907/KLGĐ-PC54 ngày 13/4/2015, Phòng kỹ thuật hình sự công an thành phố Hà Nội đã kết luận các chữ ký trên các văn bản đều là của bà Hiền.

Vậy việc giao kết hợp đồng mua bán cho nhiều người của bà Hiền vi phạm quy định pháp luật như thế nào và hành vi này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội để làm rõ hơn về vấn đề này.

PV: Thưa luật sư, như luật sư đã đánh giá, hành vi của bà Hiền đã có dấu hiệu của tội phạm hình sự đó là Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự. Luật sư có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Qua những thông tin và tài liệu trên cho thấy rằng hành vi của bà Hiền đã có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 BLHS, cụ thể:

Xét về mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đó là: hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó. Dùng thủ đoạn gian dối được hiểu là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê …. để chiếm đoạt tài sản. Hậu quả: hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Cụ thể, người có hành vi như trên sẽ phạm tội này nếu chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng trở lên. Xét về mặt chủ quan của tội phạm:

Giao kết hợp đồng và nhận tiền của nhiều người: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản? - 1
Giao kết hợp đồng và nhận tiền của nhiều người: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản? - 2


Vi bằng xác nhận khẳng định của bà Nguyễn Thị Huệ, người giới thiệu và làm chứng việc mua bán nhà giữa bà Hiền và ông Trọng.

Vi bằng xác nhận khẳng định của bà Nguyễn Thị Huệ, người giới thiệu và làm chứng việc mua bán nhà giữa bà Hiền và ông Trọng.

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.

Ở đây, bà Hiền đã dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội, cụ thể: Bà Hiền đã cung cấp thông tin cho ông Trọng về nhà đất mà bà Hiền mua được của ông Chí và bà Mơ. Để ông Trọng yên tâm thanh toán tiền mua bán đất và yên tâm về việc sau khi có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, bà Hiền sẽ sang tên quyền sử dụng đất cho ông Trọng bà Hiền đã đưa cho ông Trọng bản gốc Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và Giấy chuyển quyền sử dụng đất ngày 24/12/2010 giữa vợ chồng ông Chí và bà Hiền. Mặt khác, chính tại giấy bán nhà ngày 26/1/2011, bà Hiền cũng đã cam kết: “Bên A cam kết khi Bên B làm sổ đỏ bên A có trách nhiệm làm cho Bên B và giao toàn bộ giấy tờ có nguồn gốc của căn nhà”.

Từ những thông tin và giấy tờ trên, ông Trọng đã tin tưởng và thanh toán cho bà Hiền khoản tiền mua nhà là 1,7 tỷ đồng (có sự chứng kiến của bà Nguyễn Thị Huệ - là người giới thiệu ông Trọng mua nhà đồng thời cũng là cô họ của bà Hiền).

Có thể thấy việc thực hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của ông Trọng được bà Hiền thực hiện một cách cố ý với sự tính toán từ trước. Theo đó, bà Hiền đã bán nhà đất cho ông Trọng qua việc viết giấy bán nhà, nhận đủ số tiền bán nhà và giao giấy tờ liên quan đến mảnh đất đó. Bên cạnh đó, trong quá trình chờ việc cấp sổ, ngày 21/02/2013, khi ông Trọng về thăm nhà, bà Hiền lại tiếp tục hành vi gian dối đối với ông Trọng bằng việc lập tiếp giấy thuê nhà với ông Trọng, đồng thời vẫn đều đặn thanh toán tiền thuê nhà theo đúng hợp đồng đã ký kết. Bằng thủ đoạn gian dối được tính toán từ trước, bà Hiền đã giả mạo việc thuê nhà của ông Trọng để thực hiện hành vi bán diện tích nhà đất của ông cho người khác, chiếm đoạt tài sản là khoản tiền mua nhà đất mà ông Trọng đã thanh toán.

Xét về hậu quả: bằng thủ đoạn gian dối trên, bà Hiền đã chiếm đoạt được của ông Trọng số tiền là 1,7 tỷ đồng.

Như vậy, hành vi của bà Hiền đã thỏa mãn dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.

PV: Theo quy định của pháp luật, trường hợp xác định có hành vi phạm tội thì bà Hiền có thể phải chịu hình phạt như thế nào thưa luật sư?

Giao kết hợp đồng và nhận tiền của nhiều người: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản? - 4

Kết luận giám định của Công an TP Hà Nội.

Kết luận giám định của Công an TP Hà Nội.

Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Bà Hiền đã chiếm đoạt của ông Trọng khoản tiền là 1,7 tỷ đồng (chưa kể tới số tiền do chuyển nhượng cho nhiều người khác), do đó nếu bị cơ quan chức năng kết luận là phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bà Hiền có thể bị truy tố theo khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc chung thân.

Tuy nhiên, theo quy định tại mục 2 Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 Bộ luật hình sự năm 1999 thì để quyết định hình phạt, về nguyên tắc chung, Toà án phải căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS. Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng TNHS và không có tình tiết giảm nhẹ TNHS hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với giá trị tài sản bị chiếm đoạt đó là: “b. Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng đến dưới bốn tỷ năm trăm triệu đồng”.

Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn mức án được hướng dẫn tại tiểu mục 2.1 Mục 2 Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP đó là: “b. Xử phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ năm trăm triêụ đồng đến dưới bốn tỷ năm trăm triệu đồng”.

Như vậy, trường hợp bị kết tội thì bà Hiền có thể phải chịu hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân, dựa trên việc các cơ quan chức năng xem xét đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của bà Hiền.

Hiện nay, vụ việc vẫn đang được Cơ quan chức năng thụ lý giải quyết.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc!

Anh Thế - Thanh Trầm