Bài 7:

Gần 30 doanh nghiệp kêu cứu giữa thủ đô: Nhiều uẩn khúc cần được làm rõ!

(Dân trí) - Nguyện vọng tha thiết của các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Minh chỉ là được thống nhất lộ trình, địa điểm di dời, phương án hỗ trợ để giảm thiểu tối đa thiệt hại và ổn định việc làm của người lao động trước khi bàn giao lại mặt bằng cho Công ty Việt Hà. Vậy lý do nào khiến cho chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thiện chí của các doanh nghiệp liên tục bị khước từ?

Trở lại với vụ việc của các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Minh, như Báo điện tử Dân trí đã đưa tin, trước chủ trương di dời các cơ sở sản xuất tại Cụm công nghiệp Phú Minh của UBND thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Minh khẳng định rất ủng hộ, sẵn sàng tuân thủ chủ trương này của thành phố. Điều này được thể hiện rõ tại các Đơn kiến nghị của doanh nghiệp gửi tới các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được khẳng định một lần nữa tại cuộc họp tại Sở Công thương TP Hà Nội ngày 6/4/2018.


Một góc cụm công nghiệp Phú Minh, nơi hàng chục doanh nghiệp và hàng nghìn lao động có nguy cơ thất nghiệp.

Một góc cụm công nghiệp Phú Minh, nơi hàng chục doanh nghiệp và hàng nghìn lao động có nguy cơ thất nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay điều khiến cho các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú rất bất bình, bức xúc đó là việc Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Việt Hà (Công ty Việt Hà) đột ngột đơn phương chấm dứt Hợp đồng thuê nhà xưởng với các doanh nghiệp, gấp rút yêu cầu các doanh nghiệp di dời tài sản, bàn giao lại mặt bằng trong khi chưa thỏa thuận, thống nhất về lộ trình, địa điểm di dời với các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cho rằng hành vi này của Công ty Việt Hà là trái pháp luật, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp. Đó là còn chưa kể đến bức xúc của các doanh nghiệp trong việc: Rõ ràng từ năm 2002, Công ty Việt Hà đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để hình thành Cụm công nghiệp Phú Minh phát triển như ngày hôm nay thế nhưng vào năm 2010, Công ty Việt Hà lại bất ngờ đề nghị UBND TP Hà Nội cho triển khai Dự án khu đô thị Việt Hà, buộc các doanh nghiệp phải di dời khỏi Cụm công nghiệp Phú Minh.

Vậy có uẩn khúc nào phía sau việc Công ty Việt Hà đột ngột chuyển từ đề nghị thành lập Cụm công nghiệp Phú Minh năm 2002 sang đề nghị triển khai Dự án Khu đô thị Việt Hà năm 2010 hay không? Bức xúc của các doanh nghiệp là có cơ sở? Văn bản số 2593/UBND-KH&ĐT ngày 15/4/2010 của UBND TP Hà Nội có liên quan đến việc thực hiện Dự án Khu đô thị Việt Hà được ban hành từ năm 2010, vậy đến nay, hơn 8 năm trôi qua, Dự án Khu đô thị Việt Hà đã triển khai đến giai đoạn nào? Việc thực hiện Dự án xây dựng Khu đô thị Việt Hà có thực sự cấp bách hơn sự ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của hàng nghìn người lao động tại Cụm công nghiệp Phú Minh hay không?


PV Dân trí đã đến liên hệ làm việc với Công ty Việt Hà nhưng hiện vẫn chưa có buổi làm việc trực tiếp với đại diện công ty về sự việc.

PV Dân trí đã đến liên hệ làm việc với Công ty Việt Hà nhưng hiện vẫn chưa có buổi làm việc trực tiếp với đại diện công ty về sự việc.

Liên quan đến tiến độ triển khai Dự án Khu đô thị Việt Hà, Luật sư Nguyễn Ngọc Đạt - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội nhận định: Theo thông tin, tài liệu do các doanh nghiệp cung cấp có thể thấy, mặc dù Dự án Khu đô thị Việt Hà đã được UBND TP Hà Nội đồng ý cho Công ty Việt Hà cùng với liên danh Công ty cổ phần Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam, Công ty TNHH Đại Hoàng Long hoàn thiện hồ sơ đề xuất lập và triển khai Dự án từ năm 2010 nhưng cho đến thời điểm hiện tại, đã hơn 8 năm trôi qua, Dự án vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, cụ thể:

Căn cứ theo quy định khoản 1 Điều 32 Luật đầu tư 2014, đối với những dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thì chủ đầu tư phải được UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quyết định chủ trương đầu tư trước khi tiến hành các công việc triển khai dự án.

Đối chiếu với quy định pháp luật trên đây, căn cứ vào nội dung văn bản số 2593/UBND-KH&ĐT ngày 15/4/2010 của UBND TP Hà Nội về chủ trương di dời các cơ sở sản xuất tại khu vực Cụm công nghiệp Phú Minh thuộc xã Cổ Nhuế và xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm – Hà Nội ra khỏi nội thành và chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất sản xuất công nghiệp sang phát triển đô thị, có thể thấy, Dự án Khu đô thị Việt Hà là Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất công nghiệp sang phát triển đô thị. Do đó, trước khi triển khai Dự án này thì Công ty Việt Hà – chủ đầu tư phải được UBND TP Hà Nội ban hành văn bản quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, căn cứ theo nội dung Báo cáo số 6716/KH&ĐT-ĐT ngày 5/12/2016 của Sở kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo tổng hợp, đề xuất việc thực hiện chủ trương di dời, xử lý vi phạm trong việc sử dụng đất, việc cho thuê nhà xưởng, thu gom và xử lý nước thải tại Khu Phú Minh, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm thì hiện trạng về Dự án Khu đô thị Việt Hà như sau:“…Dự án chưa xác định về phạm vi ranh giới nghiên cứu, chấp thuận địa điểm, đề xuất dự án đầu tư, hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Quyết định số 37/2010/QĐ-UBND ngày 20/8/2010, Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của UBND thành phố Hà Nội, chưa thực hiện thủ tục di dời các cơ sở sản xuất và hoàn thiện thủ tục về quy hoạch, hồ sơ đề xuất dự án Khu đô thị Việt Hà theo chỉ đạo của UBND thành phố”.

Như vậy, trải qua 8 năm kể từ khi UBND thành phố Hà Nội cho phép Liên danh các công ty: Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Hà, Công ty cổ phần Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam, Công ty TNHH Đại Hoàng Long nghiên cứu lập và thực hiện dự án di dời các cơ sở sản xuất, xây dựng Khu đô thị Việt Hà (hiện nay là Liên danh Công ty Việt Hà và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền – theo nội dung văn bản số 2725/UBND-KH&ĐT ngày 2/6/2017 của UBND TP Hà Nội về việc đồng ý về chủ trương thay đổi nhà đầu tư và thực hiện dự án giữa Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Việt Hà và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền) thì cho đến thời điểm hiện tại, Công ty Việt Hà vẫn chưa thể triển khai được dự án. Điều này cũng không khỏi khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực thực hiện Dự án của Công ty Việt Hà.

Gần 30 doanh nghiệp kêu cứu giữa thủ đô: Nhiều uẩn khúc cần được làm rõ! - 3
Gần 30 doanh nghiệp kêu cứu giữa thủ đô: Nhiều uẩn khúc cần được làm rõ! - 4

Báo cáo số 6716/KH&ĐT-ĐT ngày 5/12/2016 của Sở kế hoạch và Đầu tư về việc tổng hợp, đề xuất việc thực hiện chủ trương di dời, xử lý vi phạm trong việc sử dụng đất, việc cho thuê nhà xưởng, thu gom và xử lý nước thải tại Khu Phú Minh.

Báo cáo số 6716/KH&ĐT-ĐT ngày 5/12/2016 của Sở kế hoạch và Đầu tư về việc tổng hợp, đề xuất việc thực hiện chủ trương di dời, xử lý vi phạm trong việc sử dụng đất, việc cho thuê nhà xưởng, thu gom và xử lý nước thải tại Khu Phú Minh.

Luật sư Nguyễn Ngọc Đạt cũng phân tích thêm: “Trên thực tế, Dự án Khu đô thị Việt Hà mới đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và tại Công văn số 2593/UBND-KH&ĐT ngày 15/4/2010 của UBND TP Hà Nội được ban hành từ hơn 8 năm trước đây cũng như Công văn số 606/UBND-ĐT ngày 16/2/2017 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất tại Cụm công nghiệp Phú Minh được ban hành vào năm 2016 sau này, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Công ty Việt Hà đề xuất kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất để báo cáo UBND TP Hà Nội. Thế nhưng, Công ty Việt Hà đã không thống nhất lộ trình, địa điểm di dời với các doanh nghiệp để báo cáo UBND TP Hà Nội. Mới đây, ngày 06/4/2018, tại cuộc họp giữa Sở Công thương TP Hà Nội với các cơ quan ban ngành và các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Minh, Sở Công thương TP Hà Nội cũng đã tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu Công ty Việt Hà phải đưa ra được lộ trình di dời phù hợp và có phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù Công ty Việt Hà chưa thống nhất lộ trình di dời, địa điểm di dời cho các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Minh nhưng đã gấp rút thanh lý Hợp đồng thuê nhà xưởng với các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp nhanh chóng bàn giao lại mặt bằng cho Công ty Việt Hà. Trong khi từ năm 2010, khi đã có chủ trương di dời các doanh nghiệp thì Công ty Việt Hà còn tiếp tục ký Hợp đồng gia hạn thời gian thuê nhà xưởng với các doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp đầu tư không ít chi phí vào Cụm công nghiệp Phú Minh.

Hành vi này của Công ty Việt Hà không chỉ trái với chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, xâm phạm quyền – lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp mà còn vi phạm quy định tại Điều 2 Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục Đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội:

“Điều 2. Lộ trình và biện pháp di dời

- Các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm ở nội thành Hà Nội trong danh mục cần phải di dời ra ngoài nội thành.

- Lộ trình và biện pháp di dời cụ thể được xác định phù hợp với điều kiện, địa điểm cụ thể và đặc điểm của từng cơ sở cần phải di dời, đảm bảo tính khả thi. Quá trình thực hiện di dời phải hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến hoạt động của các đối tượng, không ảnh hưởng tới môi trường đô thị và hoạt động xã hội của nhân dân…”


Ông Đàm Tiến Thắng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng: Các kiến nghị của doanh nghiệp là hết sức chính đáng và hợp lý. Chúng tôi ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp để xem xét báo cáo với UBND TP. Hà Nội để có quyết định thấu tình đạt lý.

Ông Đàm Tiến Thắng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng: "Các kiến nghị của doanh nghiệp là hết sức chính đáng và hợp lý. Chúng tôi ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp để xem xét báo cáo với UBND TP. Hà Nội để có quyết định thấu tình đạt lý''.

Trong vụ việc này, Công ty Việt Hà cần tiến hành làm việc tập thể với các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Minh để thống nhất về lộ trình, địa điểm di dời, sau đó căn cứ vào tình hình của từng doanh nghiệp để thống nhất phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp”.

Theo dõi diễn biến vụ việc, có thể thấy, các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Minh khẳng định sẽ luôn sẵn sàng ủng hộ, tuân thủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội nói chung và chủ trương thực hiện Dự án Khu đô thị Việt Hà nói riêng. Nguyện vọng tha thiết của các doanh nghiệp cũng chỉ là được thống nhất lộ trình, địa điểm di dời, phương án hỗ trợ để giảm thiểu tối đa thiệt hại liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động trước khi bàn giao lại mặt bằng cho Công ty Việt Hà. Vậy lý do nào khiến cho chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thiện chí của các doanh nghiệp liên tục bị khước từ?

Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đã đến liên hệ làm việc với Công ty Việt Hà tại cụm công nghiệp Phú Minh. Tuy nhiên, phía công ty mới tiếp nhận nội dung đề nghị cung cấp thông tin của PV Dân trí và chưa sắp xếp buổi làm việc chính thức cung cấp các thông tin liên quan.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Anh Thế