3 phút cùng luật sư:

Ép người khác uống rượu bia là vi phạm pháp luật!

(Dân trí) - Ép người khác uống rượu bia là một thói quen khó bỏ của nhiều người Việt Nam, đặc biệt là vào những ngày lễ, Tết. Hành vi tưởng chừng "tình thương mến thương" này không chỉ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Vào những dịp cuối năm, việc tham gia và sử dụng bia rượu trong các buổi tiệc tất niên ở công ty hoặc gia đình là điều khá phổ biến tại Việt Nam. Không chỉ vậy, một số người còn có tư tưởng và hành vi ép buộc người khác uống bia, rượu. Việc này không chỉ gây khó chịu cho người bị ép mà còn gây ra nhiều hệ luỵ xấu như tai nạn giao thông, cãi vả, ẩu đả...

Vậy dưới góc nhìn của pháp luật, hành vi ép người khác uống rượu bia sẽ được nhìn nhận như thế nào? Trong chuyên mục 3 phút cùng Luật sư lần này, mời bạn đọc gặp gỡ Luật sư Nguyễn Đức Chánh để cùng tìm hiểu.

Ép người khác uống rượu bia sẽ vi phạm pháp luật

Thưa luật sư, hành động ép buộc người khác uống rượu bia thì có vi phạm pháp luật hay không?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Luật phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019  (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020) quy định: “Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia.” tại khoản 1 Điều 5. Như vậy, hành vi ép buộc người khác uống rượu bia là vi phạm pháp luật.

Ép người khác uống rượu bia là vi phạm pháp luật! - 1

Việc người dưới 18 tuổi uống rượu bia có vi phạm pháp luật không thưa luật sư?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 thì “Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia” là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu thì “Bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động.” là một trong các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu.

Ép người khác uống rượu bia là vi phạm pháp luật! - 2

Thưa luật sư, vậy khi vi phạm pháp luật trong tình trạng có sử dụng rượu bia thì mức án phạt có bị tăng nặng hay không? Luật sư có lời khuyên gì về việc sử dụng rượu bia ngày Tết?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Rượu bia ngày Tết cũng là một hình thức vui chơi cùng người thân bạn bè sau lâu ngày không gặp. Nhưng để đảm bảo sức khỏe, bạn đọc nên cố gắng hạn chế tối đa. Đặc biệt, không được cho con em mình uống rượu bia khi chưa đủ 18 tuổi để đảm bảo sức khỏe cho con em và không làm trái pháp luật.

Bên cạnh đó, nên hạn chế các hành vị ép uống rượu bia để tránh những rủi ro không đáng có trong những ngày vui vẻ như Tết nguyên đán.

Ông bà ta hay nói “Rượu vào, lời ra” vì vậy trong tiệc tùng mà uống “quá chén” rất dễ xảy ra cãi nhau gây mất tình cảm với nhâu. Thậm chí, có nhiều vụ án cố ý gây thương tích hoặc giết người mà nguyên nhân là từ uống rượu bia.

Mặt khác, khi uống rượu bia mà tham gia giao thông rất dễ gây tai nạn giao thông, có thể gây ra thiệt hại về tài sản, sức khoẻ, tính mạng cho bản thân mình và cho người khác.

Còn với người dưới 18 tuổi, khi tâm sinh lý phát triển chưa toàn diện, uống rượu bia vào sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Việc uống rượu bia là không nên, vì không phù hợp với lứa tuổi học sinh và gây hại cho sức khỏe.

Thư Quỳnh - Nguyễn Quang