Bình Định:

Đua nhau “xẻ thịt” núi Mò O, ai tiếp tay cho doanh nghiệp lấy đất?

(Dân trí) - Dù chính quyền cấp xã nhiều lần lập biên bản xử lý, thế nhưng doanh nghiệp bất chấp kỷ cương, ngang nhiên đưa phương tiện, máy múc vào đào phá “xẻ thịt” núi Mò O (huyện Phù Cát, Bình Định) lấy đất đi bán, khiến người dân bức xúc cầu cứu cơ quan chức năng.

“Moi ruột”… núi thiêng

Trước đó, Dân trí đã có bài: “Nhiều doanh nghiệp đua nhau “xẻ thịt” núi Mò O!” phản ánh tình trạng núi Mò O (thuộc thôn Chánh Lý, xã Cát Tường) bị nhiều doanh nghiệp đua nhau đưa phương tiện máy múc vào khai thác đất khi chưa được cấp phép. Bức xúc “núi thiêng” bị xâm hại người dân thay nhau kéo ra chặn không cho doanh nghiệp. Chính quyền địa phương cũng có kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính một số doanh nghiệp, song tình trạng vẫn tiếp diễn nhiều tháng nay, khiến người dân càng thêm bức xúc.

Đua nhau “xẻ thịt” núi Mò O, ai tiếp tay cho doanh nghiệp lấy đất? - 1
Ít nhất có 5 doanh nghiệp đã vào núi Mò O để khai thác đất trái phép.

Ông Đặng Ngọc Hùng (44 tuổi, thôn Chánh Lý), bức xúc: “Bao đời nay, dân làng có tổ tiên mất đều đem lên đó chôn cất, giờ doanh nghiệp phá núi, mồ mả của tổ tiên của người dân nơi đây cũng bị phá. Hiện dòng họ Đặng mất đi 3 ngôi mộ, tìm không ra dấu do bị doanh nghiệp vào ủi phá mở đường vào trộm đất. Đến mồ mả tổ tiên của người dân mà cũng bị xâm hại…”.

Không chỉ động đến mồ mả tổ tiên, các doanh nghiệp ồ ạt vào khai thác, nhiều vị trí bị đào sâu, gây nguy cơ sạt lở núi, làm bồi lấp ruộng đồng dưới chân chân núi Mò O khi mưa lũ về.

Đua nhau “xẻ thịt” núi Mò O, ai tiếp tay cho doanh nghiệp lấy đất? - 2
Người dân còn bức xúc việc doanh nghiệp khai thác đất trái phép ở núi Mò O còn xâm hại đến mồ mả tổ tiên của người dân.

Ông Phạm Tụng (71 tuổi), một Đảng viên Chi bộ thôn Chánh Lý, thẳng thắn: “Phải làm rõ các vấn đề, ai cho phép doanh nghiệp lấy đất núi Mò O rồi còn ủi phá mồ mả, ảnh hưởng đến ruộng đồng sản xuất của người dân. Ai tiếp tay cho “đất tặc”, ai sẽ chịu trách nhiệm hay cứ để dân làng Chánh Lý tự gánh hậu quả. Vấn đề trong câu chuyện này là việc khai thác đất ở núi Mò O diễn ra nhiều tháng nay nhưng chính quyền xã làm ngơ hay yếu kém (?!)”.

Dân tố cán bộ xã tiếp tay cho “đất tặc”

Xung quanh câu chuyện núi Mò O ngang nhiên bị “xẻ thịt”, người dân thôn Chánh Lý đưa ra bằng chứng tố cáo nhiều cựu cán bộ xã, thôn đã âm thầm bán đất trồng rừng trên núi Mò O, tiếp tay cho “đất tặc”.

Đua nhau “xẻ thịt” núi Mò O, ai tiếp tay cho doanh nghiệp lấy đất? - 3
Chính quyền cũng đã vào cuộc lập biên bản xử lý nhưng tình trạng núi Mò O bị "rút ruột" vẫn diễn ra nhiều tháng qua.

Đặc biệt, trong còn có người thân của cán bộ xã Cát Tường đang đương chức cũng nằm trong danh sách “lén” thỏa thuận với doanh nghiệp để khai thác đất trái phép ở núi Mò O.

Cụ thể, các ông: Võ Tấn Tài (nguyên Bí thư thôn Chánh Lý), Lê Thành Tiến (nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư xã Cát Tường), Võ Tấn Sơ (em trai ông Võ Tấn Đông - Bí thư Đảng ủy xã Cát Tường) và Đoàn Văn Tuấn (con rể ông Đông)…

Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Đức Hoàng - Chủ tịch UBND xã Cát Tường thừa nhận: Ông Võ Tấn Tài bán đất trồng rừng ở núi Mò O cho doanh nghiệp khai thác đất trái phép đã bị Đảng ủy xã Cát Tường kỷ luật, cách chức Bí thư Chi bộ thôn.

Còn ông Lê Thành Tiến đã bán đất cho Công ty 98 (Công ty xây dựng Trường Sơn) khai thác trái phép. Trước đó, UBND xã Cát Tường đã phát hiện và từng lập biên bản yêu cầu ông Tiến dừng lại.

Đua nhau “xẻ thịt” núi Mò O, ai tiếp tay cho doanh nghiệp lấy đất? - 4
Người dân còn lo mất đất sản xuất nếu doanh nghiệp tiếp tục khai thác ồ ạt ở núi Mò O.

Trong khi đó, ông Võ Tấn Đông - Bí thư Đảng ủy xã Cát Tường cũng thừa nhận việc em trai ông là Võ Tấn Sơ và con rể là Đoàn Văn Tuấn, bán đất rừng trồng trên núi Mò O cho Công ty TNHH xây dựng Bình Diễm (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), khai thác đất trái phép.

“Con rể tôi, do nó lén lút bán nên tôi không biết, sau này khi phát hiện, tôi yêu cầu nó dừng ngay… Còn em trai tôi, tôi với nó đã cắt đứt quan hệ với nhau lâu rồi. Bây giờ do nó lớn rồi nó muốn tự lập, mình làm anh nói nó không nghe nên không thể can thiệp được”, ông Đông giải thích.

Ông Đông cũng thừa nhận việc ông Lê Thành Tiến (nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Cát Tường) bán đất trồng rừng trên núi Mò O cho Công ty 98 khai thác đất. Hiện, xã đang tiến hành chỉ đạo chi bộ kiểm điểm.

Đua nhau “xẻ thịt” núi Mò O, ai tiếp tay cho doanh nghiệp lấy đất? - 5
Bức xúc người dân vào núi Mò O để ngăn chặn doanh nghiệp vào núi khai thác đất.

Thế nhưng, nguyên Chủ tịch UBND xã Cát Tường - ông Lê Thành Tiến lại phủ nhận việc này. “Tôi cũng có lô đất trồng cây trên núi Mò O. Do khu vực phía dưới nhiều cây gai nên anh, em họ xin đào lấy đất, dọn cho sạch gai gốc đi để nay mai trồng cây cho dễ chứ có gì đâu (!?)”, ông Tiến nói.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho rằng, do ông mới nhận công tác hơn 1 tháng, nhiều vấn đề chưa nắm rõ, nên giao cho Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Hương trả lời.

Tuy nhiên, ông Hương hẹn tuần sau sẽ bố trí làm việc vì tuần này bận nhiều việc quá.

Trong khi đó, ông Trương Bá Vinh - Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN-MT tỉnh Bình Định) khẳng định, núi Mò O không nằm trong quy hoạch để lấy đất, nên việc các doanh nghiệp tự ý đến đây để lấy đất là vi phạm luật khoáng sản.

“Việc khai thác đất trái phép ở núi Mò O, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đầu tiên, người cho phép bán đất hoặc bán đất cũng vi phạm. Trách nhiệm quản lý thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm chính, sau đó đến Chủ tịch UBND huyện và sau nữa Sở TN-MT”, ông Vinh nói.

Doãn Công