Dự án “treo” bị xóa bỏ, hàng trăm hộ dân kêu cứu tại Long An

(Dân trí) - Sau hơn 10 năm triển khai dự án Cụm khu công nghiệp và khu tái định cư Nam Hoa, chủ đầu tư "kẹt vốn" nên dự án bị xóa bỏ. Hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất đã phải chịu thiệt hại, khổ sở vì quy hoạch “treo”, nay lại bị chủ đầu tư "đòi” lại khoản tiền tạm ứng cách đây 10 năm, đã tỏ thái độ bức xúc.

Dự án xóa bỏ vì chủ đầu tư... hết tiền

Thời gian gần đây, hàng trăm hộ dân sinh sống tại ấp Hòa Thuận 1,2 xã Trường Bình (Cần Giuộc) tỏ ra khá bức xúc vì bị đòi lại tiền tạm ứng cách đây hơn 10 năm. Số tiền trên người dân được chính quyền vận động nhận để giao đất cho dự án (DA) Cụm khu công nghiệp (CCN) và tái định cư(TĐC) Nam Hoa. 

Theo hồ sơ vụ việc, năm 2003, tỉnh Long An có chủ trương quy hoạch CCN tại xã Hòa Thuận 1,2 với diện tích gần 300ha. Sau khi công bố hình thành DA trên, người dân bị ngăn chặn không được xây dựng nhà, hạn chế sửa chữa và sang nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Ngày 4/3/2008, UBND huyện Cần Giuộc ban hành quyết định số 2739 thu hồi gần 300ha đất tại xã Hòa Thuận 1, 2 để giao cho công ty Nam Hoa triển khai DA CCN&TĐC Nam Hoa. Lúc này, chủ đầu tư và người dân cũng họp bàn để đưa ra mức đền bù và tạm ứng cho người dân trong quy hoạch. 

Dự án “treo” bị xóa bỏ, hàng trăm hộ dân kêu cứu tại Long An - 1
Dự án “treo” 10 năm khiến đất bị bỏ hoang không thể khai thác

Theo hồ sơ vụ việc, cuối năm 2008, 468 hộ dân được UBND huyện vận động nhận tiền tạm ứng ban đầu đợt 1 số tiền hơn 60 tỉ cho 168 ha. Trong đó. DA CCN với 395 hộ/127,7ha với số tiền 46.164.300.000 đồng (đất và tài sản 348 hộ, tài sản 47 hộ). Khu TĐC với 73 hộ/40,3ha với số tiền 14.424.700.000 đồng (đất và tài sản 73 hộ). Còn lại 86 hộ không nhận tạm ứng tiền. 

Từ năm 2008 đến nay, người dân đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư tiến hành các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng CĐT đều "bặt vô âm tín". Sau hơn 10 năm chờ đợi, đến ngày 21/6/2018, UBND huyện Cần Giuộc thông báo cho người dân là dự án trên đã bị ủy bỏ và yêu cầu người dân trả lại số tiền đã tạm ứng trước đó. 

Trước thông tin trên, nhiều người dân tỏ ra bức xúc vì hơn 10 năm qua họ đã bị thiệt hại nặng nề vì đất đai không canh tác, phải ở nhà tạm bợ khiến cuộc sống khá vất vả. “Họ chi tạm ứng tiền cho dân cũng giống như đặt cọc tiền mua đất để làm dự án. Chủ đầu tư đã chậm triển khai thực hiện dự án đã hơn 10 năm, nay tuyên bố xóa dự án này luôn là họ đã vi phạm “hợp đồng”, họ phải chịu mất tiền cọc, chứ sao nay lại bắt dân tụi tôi trả tiền cọc lại cho họ”- ông Trương Hữu Trí, một người dân bức xúc. 

Cũng theo ông Trí, gia đình ông bị thu hồi trên 5.000m2 (đất lúa), huyện chi tạm ứng 50% tiền bồi hoàn thu hồi đất cho ông là 125 triệu đồng. Theo ông, trước đây ông làm lúa 2 vụ/năm, 1 công (1.000m2) kiếm lời cũng khoảng 10 triệu đồng, 5 công là 50 triệu. “Đã hơn 10 năm nay đất bị bỏ không, vì dự án treo, vậy phần thiệt hại này có ai bồi thường cho dân không. Vậy mà bây giờ mấy ổng còn bắt dân trả lại tiền tạm ứng. Mấy ổng ép dân quá”, ông Trí nhấn mạnh. 

Ai bồi thường đất 10 năm bỏ hoang?

Ông Phạm Văn Thành, hộ dân chịu ảnh hưởng DA tại ấp Hòa Thuận 1, cho biết: “Nhiều lần họp dân đưa ra giá đền bù thỏa đáng, thế nhưng chủ đầu tư rơi vào tình trạng tài chính khó khăn. Nhà đầu tư chỉ tạm ứng 25 triệu đồng cho 1.000m2đất lúa, trong khi phương án đền bù là 280 triệu đồng. Lúc đầu, người dân không muốn ứng tiền nhưng được sự vận động của chính quyền địa phương nên đã tạm ứng tiền của nhà đầu tư".

Theo người dân, do bị bỏ hoang lâu ngày nên hiện nay đất vườn không thể canh tác, nhà cửa bị hư hỏng, xuống cấp. Ruộng trồng lúa bỏ hoang lâu ngày đã biến thành ao tù, nước đọng; những vườn cây thì cỏ dại mọc um tùm. 

Dự án “treo” bị xóa bỏ, hàng trăm hộ dân kêu cứu tại Long An - 2

Cần Giuộc luôn là điểm nóng về đất đai tại tỉnh Long An nhiều năm qua

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Tỉnh chỉ đạo đòi tiền tạm ứng cho dân lại, lý do là vì để giữ môi trường đầu tư của tỉnh đối với các nhà đầu tư”. Trước đây chủ đầu tư có yêu cầu quy đổi số tiền chi tạm ứng trên 66 tỷ ra tương ứng với giá trị diện tích đất tại dự án này, chủ đầu tư sẽ lấy phần đó là xong, nhưng tỉnh không đồng ý. Còn gần đây thì chủ đầu tư không có yêu cầu gì về chuyện đòi lại số tiền này".

Cũng theo ông Thanh, hiện huyện đã trả lại cho 120 hộ với 113 “giấy đỏ”. Trong này đã thu hồi được tiền tạm ứng của 64 hộ với số tiền trên 5,1 tỷ đồng. 

Theo tìm hiểu, Dự án Cụm công nghiệp và Khu tái định cư Nam Hoa này, sau hơn 10 năm “trùm mền”, nay được tách nhỏ thành 3 dự án dân cư-đô thị. Một là Dự án Dân cư - Tái định cư - Thương mại dịch vụ, do Công ty Cổ phần phát triển Đông Sài Gòn làm chủ đầu tư với diện tích 92,6ha. Hai là Dự án Dân cư-Thương mại-Dịch vụ, do Công ty Cổ phần phát triển bất động sản Ánh Sáng-Đô thị làm chủ đầu tư, với diện tích 90,7ha. Dự án còn lại là Dự án Dân cư-Thương mại-Dịch vụ, do Công ty Cổ phần kinh doanh bất động sản Ánh Sáng-Đô thị làm chủ đầu tư, với diện tích 97,8ha.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Xuân Hinh