Bình Định:

Dự án du lịch, nghỉ dưỡng 250 triệu USD “giam lỏng” dân!

(Dân trí) - Hơn 10 năm triển khai Dự án Khu Du lịch - Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội (thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát (Bình Định) đến nay cơ bản chỉ tồn tại trên giấy!. Trong khi đó, hàng trăm hộ dân đang bị “mắc kẹt” bởi họ chẳng biết số phận đi hay ở.

Bình Định: Dự án du lịch, nghỉ dưỡng 250 triệu USD “giam lỏng” dân

Tan giấc mộng… Vĩnh Hội

Khởi công tháng 12/2007 với vốn đăng ký 250 triệu USD, dự án do Cty TNHH MTV du lịch và khách sạn Việt - Mỹ (viết tắt, Cty Việt - Mỹ) làm chủ, bao phủ toàn bộ thôn Vĩnh Hội với 324 ha đất ven biển. Ở thời điểm đó, dự án khu du lịch và nghỉ dưỡng Vĩnh Hội từng là giấc mộng lớn cho du lịch tỉnh Bình Định cất cánh.

Dự án Khu du lịch - Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội (xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Bình Định) treo suốt 10 năm qua.
Dự án Khu du lịch - Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội (xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Bình Định) "treo" suốt 10 năm qua.

Theo cam kết từ chủ đầu tư, Vĩnh Hội là 1 quần thể đa chức năng bao gồm trung tâm hội nghị, khách sạn, quảng trường, sân golf 18 lỗ, khu resort nghỉ dưỡng, khu thể dục thể thao, giải trí biển, khu bảo tồn sinh thái...

Dự án phân kỳ thành 2 giai đoạn: 2007-2008 xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh tuyến ĐT 639, xây dựng hệ thống giao thông nội bộ, điện, nước, thông tin liên lạc, xử lý nước thải, trồng cây xanh; 2009-2011 xây dựng, đưa vào hoạt động sân golf, khách sạn trung tâm 5 sao, villa golf cao cấp...

Thế nhưng đến nay, dự án cơ bản chỉ tồn tại trên... giấy!. Trong khi đó, hơn 300 hộ gia đình, với gần 1.500 nhân khẩu ở thôn Vĩnh Hội bị ảnh hưởng bởi dự án đang vô cùng khổ sở. Thiếu đất canh tác, đặc biệt là con em trong thôn lập gia đình riêng không thể xây dựng nhà, bởi đã nằm trong dự án.

Dự án Vĩnh Hội nhìn từ đèo giáp ranh với xã Cát Tiến.
Dự án Vĩnh Hội nhìn từ đèo giáp ranh với xã Cát Tiến.

Dấu tích rõ ràng nhất về sự hiện diện của Việt - Mỹ hiện nay trên mặt bằng dự án là chiếc container cũ kỹ, nằm phơi nắng phơi sương với nhóm nhân viên bảo vệ từ 5 rút xuống còn 3 người. “Chỉ cái thùng sắt đó chứ có gì mà bảo vệ!”, ông Võ Hữu Đức, Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Hội chua chát nói.

Dấu tích cho thấy sự hiện diện đang tồn tại của dự án Vĩnh Hội.
Dấu tích cho thấy sự hiện diện đang tồn tại của dự án Vĩnh Hội.

Trên thực tế, sau gần 10 triển khai dự án, Cty Việt - Mỹ chỉ làm rất ít như thi công dở dang đoạn nắn đường 639, bảo vệ diện tích đất được bàn giao, làm vườn ươm, chăm sóc cây xanh.

Dân “mắc kẹt” không biết đi hay ở

Theo ông Võ Hữu Đức, hiện là Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Hội, năm 2009, để phục vụ việc nắn con đường 639, đoạn qua dự án xây dựng Khu du lịch khách sạn và nghỉ dưỡng Vĩnh Hội, khoảng 100 hộ dân thôn Vĩnh Hội đã chấp nhận rời bỏ quê cha đất tổ để chuyển đến khu TĐC ở xã Cát Tiến kề bên. Đợt 1, có 21 gia đình “cốt cán”, chủ yếu là cán bộ, đảng viên được lựa chọn di dời và trong đó có gia đình ông.

Ông Mính (phải), Trưởng thôn Vĩnh Hội và ông Đức, Bí thư Chi bộ thôn chia sẻ với phóng viên.
Ông Mính (phải), Trưởng thôn Vĩnh Hội và ông Đức, Bí thư Chi bộ thôn chia sẻ với phóng viên.

“Gia đình tôi có tổng cộng 6.500m2 đất, được áp giá đền bù 1,6 tỷ đồng. Vợ chồng tôi được giao trên bản đồ 200m2 đất ở, 50m2 đất hỗ trợ giải quyết việc làm. Họ hẹn 7 ngày sau sẽ có tiền, có đất, nhưng đến nay tôi không nhận được đồng nào, đất không mà cũng không ai cho biết lí do vì sao. Hơn 10 năm trôi qua, không chỉ 21 hộ chấp nhận ra đi mà cả thôn Vĩnh Hội không một ai biết tương lai đi hay ở”, ông Đức cho hay.

Trưởng thôn Vĩnh Hội, ông Trần Văn Mính bổ sung: “Nhà cửa dột nát, hư hỏng không được xây mới. Con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng không cách nào xoay được mảnh đất an cư. Hàng trăm cặp vợ chồng trẻ không thể xây dựng được nhà cửa. Nhiều gia đình gán ghép, chen chúc sống 3,4 thế hệ. Dân kêu ca lắm vừa rồi mới chỉ có điểm trường mẫu giáo được tu sửa. Việc xây dựng nông thôn mới thì cơ bản chúng tôi nằm ngoài chương trình vì không được đầu tư, xây dựng cơ bản”.

Quá bất cập về chỗ ở, người dân buộc phải xây dựng nhà cửa để an cư nhưng đi hay ở thì người dân không biết.
Quá bất cập về chỗ ở, người dân buộc phải xây dựng nhà cửa để an cư nhưng đi hay ở thì người dân không biết.
Người dân phải xây dựng nhà tạm để ở.
Người dân phải xây dựng nhà tạm để ở.

Chủ tịch UBND xã Cát Hải, Lê Văn Diêu than thở: “Ban đầu khi dự án về triển khai, nhân dân mừng lắm vì tương lai phát triển địa phương. Nhưng đến nay, dự án “treo” lơ lửng nên người dân phấp phỏng không yên. Tiếp xúc cử tri từ huyện lên tỉnh, đến quốc hội, không cuộc nào câu hỏi về số phận dự án Vĩnh Hội. Làm không xong thì nên thu hồi giao nhà đầu tư khác, chứ bươi ra bỏ đó, chúng tôi biết ăn nói thế nào với người dân. Giờ đây, dân còn chẳng buồn hỏi han đến xã nên rất khó điều hành”.

Doãn Công