Bài 2:

Dự án bò sữa nghìn tỷ: Dân “nhấp nhổm” trên chính mảnh đất của mình!

(Dân trí) - Hàng chục hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng bởi dự án chăn nuôi bò sữa nhiều tháng nay chỉ biết đứng nhìn những diện tích sản xuất của mình bỏ hoang, xơ xác vì cây cối không được chăm sóc do dự án còn dở dang chưa biết hồi kết. Người dân như “ngồi trên đống lửa”, còn chính quyền địa phương cũng chỉ biết ngồi chờ cấp trên và chủ đầu tư...

Người dân điêu đứng vì dự án bò sữa nghìn tỷ

Người dân “nhấp nhổm” trên chính mảnh đất của mình

Đến xã Công Bình, huyện Nông Cống hỏi thăm về dự án chăn nuôi bò sữa, nhiều người dân tỏ ra ngao ngán. Nếu như thời điểm này năm trước, người dân các thôn Ổn Lâm 1, Ổn Lâm 2, thôn Ná (xã Công Bình) tất bật với cây mía, cây cao su hay những đồi keo xanh mướt..., thì nay, người dân “như ngồi trên đống lửa” mà chẳng biết phải làm gì.

Những đồi keo non đã được phá bỏ để nhường đất cho dự án
Những đồi keo non đã được phá bỏ để nhường đất cho dự án

Nghe chúng tôi hỏi thăm về dự án chăn nuôi bò sữa, bà Nguyễn Thị Chinh, thôn Ná, như được trút bỏ nỗi bức xúc bấy lâu: “Các chú xem thế nào chứ nhà tôi có 1,3 ha đất đồi và khoảng 4 sào ruộng lúa đã kiểm kê nhưng chưa nhận được đồng tiền nào. Trong đó, đất rừng trồng cao su hàng chục năm trời đã cho thu hoạch phải chặt bỏ, keo mới 3 năm tuổi cũng bán giờ nhà không, vườn trống”.

Bà Chinh xót xa: “Trồng hàng chục năm trời mới được cây cao su, giờ phải phá để giao đất cho nhà nước, phá hết rồi; keo mới trồng được 3 năm cũng phải bán non. Bao nhiêu cây cối chặt bỏ, giờ tan hoang hết rồi”.

Bà Nguyễn Thị Chinh xót xa trước cảnh xơ xác khu đất hiện tại của gia đình
Bà Nguyễn Thị Chinh xót xa trước cảnh xơ xác khu đất hiện tại của gia đình

Nói rồi, bà Chinh dẫn chúng tôi đi thăm khu đất của gia đình bà, gần như toàn bộ diện tích sản xuất của gia đình xơ xác vì bỏ hoang nhiều tháng nay. Những cây ăn quả, cây chè, cao su và cả vườn keo... đã được chặt bỏ đi chỉ còn trơ lại gốc. “May còn mấy con trâu chưa kịp bán, nếu không giờ trong nhà cũng chẳng còn gì nữa”, bà Chinh thông tin thêm.

Còn ông Trần Thế Thảo, Thôn 1 Ổn Lâm, cũng chung tình cảnh. Gia đình ông có tổng 8,3 ha đất rừng và đất mía nằm trong vùng dự án. “Dự án vào đã khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn, keo bán non, mía cho chặt sớm, không chăm bón, cho trâu bò ăn, giờ mía có chỗ chết đến 70%. Từ ngày đó đến nay không tái sản xuất được vì không có phân”.

Dự án bò sữa nghìn tỷ: Dân “nhấp nhổm” trên chính mảnh đất của mình! - 3
Vườn cao su hàng chục năm tuổi, cho thu hoạch cũng đã chặt bỏ
Vườn cao su hàng chục năm tuổi, cho thu hoạch cũng đã chặt bỏ

Đứng từ xa, nhìn đồi keo xanh mướt của gia đình, ông Thảo ngao ngán: “Đồi keo của gia đình tôi rộng hơn 3 ha bán với giá 15 triệu đồng/ha và đã lấy tiền rồi, giờ muốn chuộc lại không được. Mía sau khi chặt sớm, vì nghĩ đất bị thu hồi nên để trâu bò ăn hết, có những chỗ gần như mất trắng. Tới đây, khi thu hoạch chúng tôi lo lắng bị ép giá vì không có ràng buộc với nhà máy”.

“Đến thời điểm này, chưa thấy trả lời, cứ nói chung chung nên người dân chúng tôi không biết phải làm sao”, ông Thảo lo lắng.

Không chỉ gia đình bà Chinh, ông Thảo mà nhiều gia đình khác ở thôn Ổn Lâm 1, Ổn Lâm 2 và thôn Ná cũng rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi thời vụ sản xuất đã qua...

Chính quyền có công văn đề nghị người dân tiếp tục sản xuất, tuy nhiên đã quá thời vụ
Chính quyền có công văn đề nghị người dân tiếp tục sản xuất, tuy nhiên đã quá thời vụ

Người dân địa phương đã gửi đơn, cũng như trực tiếp kiến nghị đến các cấp chính quyền địa phương mong được giải quyết dứt điểm, để người dân yên tâm sản xuất và sinh sống ngay trên chính mảnh đất của mình.

Chính quyền địa phương cũng gặp khó

Với mong muốn dự án về triển khai hứa hẹn sẽ thay đổi diện mạo cho xã, tạo công ăn việc làm, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội...Vì thế, ngay khi dự án bắt đầu, UBND xã đã nhanh chóng vào cuộc vận động bà con. Cũng nhờ sự vận động nỗ lực mà công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) sớm được người dân đồng thuận.

Ông Trần Thế Thảo lo lắng trước những thông tin về dự án
Ông Trần Thế Thảo lo lắng trước những thông tin về dự án

Tuy nhiên, đã hơn 3 tháng nay, hầu hết những hộ dân nơi đây chưa nhận được khoản đền bù, hỗ trợ nào, khiến người dân lâm vào cảnh điêu đứng, hoạt động sản xuất cũng như cuộc sống bị đảo lộn...

Ông Đinh Xuân Dùng - Chủ tịch UBND xã Công Bình, cho biết: Dự án triển khai từ năm 2017, có 60 hộ dân với gần 100 ha đất, chủ yếu là đất rừng sản xuất và đất mía bị ảnh hưởng. Trong đó, có 30 hộ tổ chức sản xuất mang tính liên kết nên bị ảnh hưởng lớn hơn những hộ khác. Ngoài ra, có khoảng 30 hộ dân phải di dời nhà cửa đến nơi ở mới cũng đang nhấp nhổm vì dự án nêu trên.

Thời vụ và năng suất cây trồng của người dân bị ảnh hưởng lớn
Thời vụ và năng suất cây trồng của người dân bị ảnh hưởng lớn

Ông Dùng, lo lắng: “Tỉnh có chủ trương phải GPMB và chưa có văn bản nào về việc dừng triển khai cả. Việc có thông tin dừng dự án tạo ra sự xáo trộn tư tưởng về ổn định cuộc sống và sản xuất, phát sinh ra những việc ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương. Nhân dân là người thiệt hại vì bị chậm sản xuất một năm, nhà cửa cũng không dám sửa chữa”.

Theo ông Dùng, chủ trương là phải chấp hành và xã đã vận động người dân, nhưng tình hình lại không như mong muốn. Việc chịu trách nhiệm về những thiệt hại của người dân chưa có ai đứng ra.

Nhiều diện tích cây trồng xơ xác vì không được chăm sóc
Nhiều diện tích cây trồng xơ xác vì không được chăm sóc

Về phía UBND huyện Nông Cống cũng đã có công văn, trong đó nêu rõ: Do thời vụ sản xuất đã đến, các hộ bị ảnh hưởng của dự án đề nghị huyện thông báo kế hoạch trả tiền GPMB để các hộ có phương án sản xuất. Nếu canh tác chưa kịp thu hoạch, phía công ty tổ chức thực hiện dự án thì phần phát sinh đầu tư sản xuất đơn vị có chịu trách nhiệm chi trả phần đền bù? Bên cạnh đó, nếu không canh tác, phía công ty chưa tổ chức thực hiện dự án thì mùa vụ sản xuất này phía công ty có chịu trách nhiệm trả tiền đền bù?...

Và để không ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất của bà con, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống đã có công văn chỉ đạo nhân dân tiếp tục sản xuất trên diện tích đất thu hồi. Tuy nhiên, sau khi có chủ trương thu hồi đất và đã kiểm kê đền bù xong, người dân không còn tâm lý canh tác.

Dự án bò sữa nghìn tỷ: Dân “nhấp nhổm” trên chính mảnh đất của mình! - 9
Không chỉ người dân mà chính quyền địa phương cũng đang gặp khó
Không chỉ người dân mà chính quyền địa phương cũng đang gặp khó

Đối với những diện tích đất mía của người dân trong vùng dự án, sau khi chính quyền địa phương có công văn, Công ty Mía đường Nông Cống cũng đã trả lời: Do đây là diện tích nằm trong quy hoạch của UBND tỉnh để thực hiện dự án; đồng thời thời điểm thu hồi, đền bù và GPMB không rõ ràng nên Công ty chỉ có thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thời vụ 2018-2019 và các vụ tiếp theo đối với các hộ trồng mía xã Yên Mỹ và Công Bình. Việc tổ chức sản xuất và đầu tư cho các hộ dân tiếp tục sản xuất là trách nhiệm của phía công ty thực hiện dự án bò sữa.

Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề trên đến bạn đọc.

Duy Tuyên