Doanh nghiệp bị chính quyền “làm khó”: Vẫn còn cơ chế xin cho?

(Dân trí) - Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục có ý kiến đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa liên quan đến việc thí điểm sử đụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh này. Về phía Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng việc cấm đoán, cấp phép đây là giấy phép con, tạo thành một cơ chế xin cho, làm doanh nghiệp khó chịu và làm nản lòng nhiều nhà đầu tư khác.

Cần đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch, tránh độc quyền

Ngày 23/3, Bộ GTVT tiếp tục có công văn về việc thực hiện thí điểm sử dụng xe điện 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Bộ GTVT đề nghị tỉnh Thanh Hóa căn cứ theo tình hình thực tế về tổ chức giao thông, nhu cầu tham gia thí điểm của các doanh nghiệp (DN), nhu cầu đi lại của du khách và người dân để có kế hoạch thay thế phát triển số lượng phương tiện phù hợp.

Bộ GTVT tiếp tục có công văn về việc thí điểm xe điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Bộ GTVT tiếp tục có công văn về việc thí điểm xe điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Đồng thời, việc lựa chọn đơn vị tham gia thí điểm đề nghị tỉnh Thanh Hóa thực hiện theo quy định hiện hành, trong đó cần đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch, tránh độc quyền, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thuế; tạo môi trường bình đẳng giữa các đơn vị có nhu cầu tham gia.

Được biết, năm 2014, tỉnh Thanh Hóa đã cho phép tăng thêm 96 xe điện trên địa bàn TP Sầm Sơn, nâng tổng số xe hiện nay là 431 xe.

Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng tại TP Sầm Sơn được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp. Các tuyến đường được mở rộng, hạ tầng, dịch vụ, cảnh quan bãi biển tạo được điểm nhấn, thu hút lượng du khách ngày càng nhiều hơn. Thanh Hóa cũng phấn đấu đưa thành phố biển này trở thành trung tâm du lịch trọng điểm của quốc gia.

Du lịch phát triển kéo theo mật độ tham gia giao thông trở nên dày đặc, nếu các ngành chức năng tỉnh Thanh Hoá không đẩy mạnh việc phát triển phương tiện công cộng có thể sẽ dẫn tới tình trạng ùn ứ, gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT mới đây, tỉnh Thanh Hóa cho rằng: TP Sầm Sơn đã được mở rộng về địa giới hành chính, hạ tầng giao thông phát triển, nhu cầu vận chuyển khách tăng cao, đặc biệt là vào mùa du lịch, lễ hội,..do đó việc bổ sung thêm số lượng xe điện hoạt động vận chuyển khách trên địa bàn TP Sầm Sơn là rất cần thiết.

Mong muốn góp một phần vào việc đầu tư, phát triển dịch vụ du lịch, từ đầu năm 2017, Công ty TNHH Phương Hiền (Cty Phương Hiền) đã làm đề án trình các cấp, ngành và UBND tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, cái mà đơn vị này nhận được chỉ là sự vòng vo qua lại giữa các ngành, các cấp của tỉnh Thanh Hóa. Về phía TP Sầm Sơn chỉ một mực cho rằng, điều kiện hạ tầng giao thông trên địa bàn TP Sầm Sơn vẫn chưa đảm bảo.

Cũng theo tỉnh Thanh Hóa, việc giữ ổn định 431 xe điện như hiện nay trên địa bàn TP Sầm Sơn là để tăng cường quản lý và giải quyết triệt để những tồn tại khó khăn vướng mắc; tạm thời không bổ sung DN và không cho tăng số lượng phương tiện.

Về phía TP Sầm Sơn trước sau chỉ ngắn gọn rằng, điều kiện hạ tầng giao thông trên địa bàn vẫn chưa đảm bảo
Về phía TP Sầm Sơn trước sau chỉ ngắn gọn rằng, điều kiện hạ tầng giao thông trên địa bàn vẫn chưa đảm bảo

Nói là vậy, nhưng một điều lạ là mặc dù từ chối Cty Phương Hiền, nhưng năm 2018, tỉnh Thanh Hóa lại cho bổ sung thêm 43 xe điện. Theo tỉnh Thanh Hóa thì những đơn vị được bổ sung đã có đề nghị tham gia hoạt động thí điểm xe điện trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, gửi cho UBND TP Sầm Sơn hoặc UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 31/12/2017.

“Cấp phép đây là giấy phép con, tạo thành một cơ chế xin cho”

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, 431 xe điện hoạt động trước ngày Thông tư số 86/2014/TT- BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ GTVT có hiệu lực mà không đủ điều kiện đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm định kỳ theo quy định thì sau ngày 31/12/2019 không được phép hoạt động.

Trong khi đó, Thông tư số 86 của Bộ GTVT, quy định: Đối với các xe tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế lưu hành trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải thực hiện kiểm tra lưu hành trước ngày 15/9/2015.

Thực tế, trên địa bàn TP Sầm Sơn hiện có một số đơn vị kinh doanh loại hình dịch vụ xe điện không đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật. Hơn thế, nhiều xe điện đưa vào kinh doanh không có đăng ký, đăng kiểm, xe không đảm bảo an toàn...Trong khi có DN đã đầu tư phương tiện bài bản thì vẫn phải “đắp chiếu” chờ ý kiến của các ngành, các cấp tỉnh Thanh Hóa.

Như vậy, vô tình, tỉnh Thanh Hóa “rộng rãi” với DN này, nhưng lại “khắt khe” với DN khác? “DN đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, văn bản hướng dẫn của các sở, ngành tỉnh Thanh Hoá về việc mở hai tuyến xe buýt (khách sạn Hoa Hồng đi Cảng cá và khách sạn Đức Thành đi chợ Mới)”, ông Cao Duy Hồng, Giám đốc Cty Phương Hiền, cho biết.

Cũng theo ông Hồng, đã gần 2 năm trôi qua, Công ty vẫn chưa được giải quyết để đưa hai tuyến xe buýt vào hoạt động. Công ty đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua sắm phương tiện chất lượng do Mỹ sản xuất, đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực lái xe. Nếu UBND TP Sầm Sơn không cởi mở, minh bạch thì có thể sẽ đẩy DN rơi vào tình cảnh phá sản.

Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản vì bị chính quyền làm khó
Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản vì bị chính quyền "làm khó"

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Các dòng xe mà đặc biệt là xe thân thiện với môi trường là một chủ trương lớn của Chính phủ, hơn nữa lại thuộc nhóm nhà nước không cấm, khuyến khích.

Về phương diện quản lý Nhà nước chỉ nên đặt hai vấn đề: Một là kiểm soát về an toàn; hai là có nộp thuế hay không nộp thuế, vì kinh doanh là phải làm nghĩa vụ với Nhà nước.

Ông Đệ cho rằng: Phương tiện là do con người điều khiển, phải tôn trọng pháp luật, tức là thượng tôn pháp luật, sai cái gì pháp luật xử lý cái đó. Còn về mặt chủ trương của Đảng, Nhà nước không cấm, khuyến khích cho các loại hình kinh tế hoạt động, cạnh tranh bình đẳng; không nên tạo thành một cơ chế xin cho, sinh ra tiêu cực.

“Việc thí điểm kéo dài gây khó khăn cho DN, tạo thành giấy phép con, sinh ra một ân huệ mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt về vấn đề này. Nếu đông quá, cho người ta phân luồng, phân tuyến. Làm gì có chuyện cấm, cấm là không đúng”, ông Đệ chia sẻ.

Ông Đệ lấy ví dụ: “Một thành phố lớn như Hà Nội tắc đường, cấm các gia đình không được mua xe ô tô à (!?). Anh là cơ quan quản lý nhà nước, anh phải có đủ trình độ, năng lực để anh quản lý về phương tiện và làm tốt công tác an toàn xã hội. Chứ cái gì không quản lý được là cấm, anh càng cấm, càng hạn chế thì sinh ra tiêu cực, sinh ra cơ chế ban ơn, xin cho, làm cho DN rất khó chịu và làm nản lòng nhiều nhà đầu tư khác”.

Từ đó, theo ông Đệ: “Ở Thanh Hóa, đặc biệt là TP Sầm Sơn, chính quyền nên nghiêm túc để nhìn nhận với phương thức lãnh đạo, chỉ đạo ở thời kỳ mà xã hội chúng ta đang đổi mới, để tạo điều kiện cho DN phát triển. Không nên kiểu như cách đây 40 năm trở về trước lại phải đi xếp hàng để mua hàng, làm gì có kiểu những tư tưởng lạc hậu thế”.

Duy Tuyên