Điều “kì lạ” trong vụ án thuỷ điện Sơn La!

(Dân trí) - Bị cáo Đèo Văn Ban - người dân duy nhất được bồi thường hơn 1,2 tỉ đứng trước HĐXX đã kêu oan và đề nghị toà trả tự do. Luật sư chỉ ra rằng, Đèo Văn Ban là người dân nhưng cơ quan tố tụng lại truy tố bị cáo tội cố ý làm trái… như người có chức vụ là một điều "kì lạ".

Sáng 28/5, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục xét xử 17 bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong quá trình bồi thường đất tại dự án thủy điện Sơn La.

Điều “kì lạ” trong vụ án thuỷ điện Sơn La! - 1

Các bị cáo trong vụ án thuỷ điện Sơn La đồng loạt kêu oan.

Bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trần Thu Nam, Lê Văn Thiệp, Hoàng Tùng…(Đoàn Luật sư Hà Nội), khẳng định 17 bị cáo bị truy tố ra trước toà thì hầu hết các bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo huyện Mường La, Sở Tài chính, Sở TN&MT (Sơn La) cùng một số cán bộ của công ty đo đạc Bảo Bình đều liên quan đến duy nhất hộ dân Đèo Văn Ban, người bị cáo buộc đã tự “vẽ đất” để lấy số tiền hơn 1,2 tỉ đồng tiền đền bù khiến 16 người còn lại trở thành bị cáo đứng trước toà ngày hôm nay.

Bị cơ quan tố tụng cáo buộc tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, dân thường Đèo Văn Ban bị đại diện VKS đề nghị toà tuyên từ 4 - 5 năm tù.

Sáng 28/5, được đứng trên bục tự bào chữa, bị cáo Ban khẳng định: “Vụ án này là vu khống tôi khai khống đất để nhận bồi thường, làm trái quy định Nhà nước... Tôi có đất, tôi phải được bồi thường. Đề nghị VKSND nói tôi khai khống đất ở đâu? Không chứng minh được phải thả tôi ra ngay”. 

Bị cáo này cũng cho rằng, kế hoạch 41 do Trương Tuấn Dũng ký áp dụng giống nhau với hằng trăm hộ dân; cáo trạng cũng nói kế hoạch 41 gây ra sai phạm với nhiều hộ nhưng tại sao cơ quan điều tra, tuy tố chỉ bắt mình ông? Ngoài ra, Đèo Văn Ban cho rằng nếu kế hoạch 41 sai, phải tìm phương pháp khác để bồi thường vì bản thân ông có đất thật.

Điều “kì lạ” trong vụ án thuỷ điện Sơn La! - 2

Luật sư Trần Thu Nam chỉ ra những điều "kì lạ" trong vụ án.

Đáng chú ý, Đèo Văn Ban tố cáo kiểm sát viên Lê Thị Thu Hà khi giao cáo trạng cho mình đã quát tháo, dọa: “Trường hợp của ông, các cơ quan đã xem xét thống nhất hết rồi...”.

Liên quan đất đai của Đèo Văn Ban, một số bị cáo khác là người trực tiếp đo đạc đất đai trong vụ án đã dẫn các tài liệu thể hiện người này có đất thật; đề nghị kiểm sát viên nêu căn cứ khẳng định ông Ban khai khống đất. 

Trước đó, chiều 27/5, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho thân chủ Trương Tuấn Dũng, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính, là người ban hành kế hoạch số 41 khi còn đương kim chức Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, luật sư Trần Thu Nam, ông Trương Tuấn Dũng và các bị cáo còn lại đều liên quan đến hộ dân Đèo Văn Ban.

Điều “kì lạ” là việc cơ quan tố tụng của tỉnh Sơn La, truy tố tội “Cố ý làm trái (Điều 165)” đối với bị cáo Đèo Văn Ban không thoả mãn về mặt chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội danh này là chủ thể đặc biệt, người phạm tội phải có chức vụ quyền hạn. Bị cáo Đèo Văn Ban không có chức vụ, quyền hạn nên không thể chịu trách nhiệm đối với tội danh này. Các bị cáo trong vụ án này cũng không đồng phạm.

Nói về quá trình điều tra không có ghi âm, ghi hình, Luật sư Trần Thu Nam phân tích, trong suốt quá trình điều tra vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra không thực hiện ghi âm, ghi hình đối với các bị can là trái với BLTTHS năm 2015, trái Thông tư liên tịch số 03/2018 giữa Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng.

Đối với vệc chỉ định người bào chữa, Luật sư Trần Thu Nam khẳng định, các bị cáo bị khởi tố, tạm giam và bị truy tố theo Khoản 3 Điều 165 có khung hình phạt tối đa đến 20 năm tù thuộc diện chỉ định người bào chữa.

Điều “kì lạ” trong vụ án thuỷ điện Sơn La! - 3

Các Luật sư thảo luận về vụ án thuỷ điện Sơn La bên ngoài hành lang phiên toà.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra, ngoài bị cáo Trương Tuấn Dũng mời Luật sư bào chữa thì toàn bộ các bị cáo bị tạm giam khác đều có đơn từ chối người bào chữa do Cơ quan An ninh điều tra chỉ định.

“Một điều trùng hợp có dấu hiệu không ngẫu nhiên, do không có luật sư tham gia vào quá trình điều tra nên tại phiên toà thì rất nhiều bị cáo đã khai bị mớm cung, cho chép lại bản cung khi viết bản tự khai, bị doạ nạt (Bị cáo Phan Đức Chính, bị cáo Tân, bị cáo Trương Tuấn Dũng), luật sư Trần Thu Nam nói.

Tuấn Hợp