Đi tìm kho báu quốc gia

Đã qua rồi cái thời đi tìm kho báu là vàng bạc. Giờ tri thức mới là những kho báu vô hạn. Những kho báu do chính những người con ưu tú của dân tộc, đã đổ mồ hôi, công sức và trí tuệ của cả một đời người mới xây dựng nên và chăm lo gìn giữ.

Dù họ không sinh sống trên đất nước ta, nhưng luôn nghĩ về đất nước, về đồng bào, luôn hướng về sự tồn vong của tổ quốc, hưng thịnh của gia tiên. Một trong những trí thức kiều bào có tấm lòng như vậy là GS Hoàng Xuân Hãn. Trước khi qua đời, tâm nguyện cuối cùng của ông là muốn đưa toàn bộ di sản khoa học của mình từ Paris (Pháp) về nước để góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Ông là một nhà khoa học uyên bác, để lại những công trình nghiên cứu về nhiều lĩnh vực, một trí thức yêu nước luôn khát khao đóng góp cho quê hương. Đến giây phút cuối cùng ông vẫn còn cháy bỏng nỗi niềm xây dựng quê hương giàu đẹp. Ông còn lo rằng di sản khoa học to lớn của mình rồi đây cũng như chính ông phải nằm lại nơi đất khách quê người. Ấy vậy nhưng sau bao nhiêu năm rồi, cả một di sản khoa học to lớn đó vẫn còn nằm ở Paris, và nhà khoa học Việt Nam ở hải ngoại đã từng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh này chắc vẫn còn chưa yên lòng vì tâm nguyện của mình vẫn chưa thành.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tôi lại được biết, GS Lê Thành Khôi, một nhà khoa học khác đang sinh sống tại Paris cũng có một di sản khoa học to lớn. Ông là một nhà khoa học người Việt Nam được giới khoa học rất nhiều nước biết tới và đánh giá cao về những kết quả nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực. Cách đây nhiều năm, GS Lê Thành Khôi cũng bày tỏ ý kiến là muốn đem toàn bộ di sản khoa học của mình về nước lập một thư viện mang tên ông để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học. Nhưng năm nay, ở tuổi 87, ông vẫn chưa thực hiện được tâm nguyện đó của mình.

Nguyên nhân là do đâu? Có lẽ câu hỏi này quá khó. Tôi thiết nghĩ: Di sản khoa học của GS Hoàng Xuân Hãn và GS Lê Thành Khôi là hai kho báu vô giá.

Đã qua cái thời đi tìm kho báu là vàng bạc mất rồi. Giờ tri thức mới là những kho báu vô hạn. Hai kho báu này do chính những người con ưu tú của dân tộc, đã đổ mồ hôi, công sức và trí tuệ của cả một đời người mới xây dựng nên và chăm lo gìn giữ. Dù họ không sinh sống trên đất nước ta, nhưng luôn nghĩ về đất nước, về đồng bào, luôn hướng về sự tồn vong của tổ quốc, hưng thịnh của gia tiên.

Ngay nước Pháp cũng chỉ chờ một cái gật đầu của họ dù trả bao nhiêu tiền cũng sẵn sàng mua lại toàn bộ di sản của hai nhà khoa học tài ba này, một phần vì giá trị khoa học phục vụ cho đất nước họ, phần khác vì họ không muốn những kho tàng kiến thức này rơi vào những nước khác. Còn chúng ta, tại sao không đi tìm lại, xin về những kho báu quốc gia vô giá này?

Trước đây, chúng ta đã bàn nhiều về trí thức Việt Nam. Vừa rồi, truyền thông, báo chí và dư luận lại rộn lên về sự ra đời của “Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản tiến sỹ Việt Nam”. Câu chuyện trí thức lại tiếp tục được tranh luận sôi nổi quanh các chủ đề tiến sỹ thực và tiến sỹ giấy, tôn vinh ai và tôn vinh như thế nào? Tôi nghĩ mà buồn!

Hình như chúng ta đang “chưa tìm ra của cải lại cãi nhau chuyện chia phần”. Nếu chúng ta không có tài liệu, không có những thông tin có độ chính xác cao thì câu chuyện về tiến sỹ thực và tiến sỹ giấy sẽ còn cho đến mai sau. Phải tạo ra được ngân hàng dữ liệu để mai này có cơ sở tài liệu nhằm làm rõ vấn đề này. Vậy nên, nếu trung tâm kia làm được những ý tưởng của họ thì đó là một đóng góp to lớn vào kho tàng tư liệu khoa học. Không có tư liệu, xin các Ngài đừng phán!

Trở lại câu chuyện ban đầu. Tôi được biết, di sản khoa học của GS Hoàng Xuân Hãn hiện giờ đang được con trai ông quản lý. Có lẽ vì kính trọng người cha thân sinh nên người con trai này còn chưa bán đi. Nhưng không ai đảm bảo rằng đến đời cháu của ông ta thì vẫn giữ vậy được. Còn lý do tại sao tâm nguyện cuối cùng của GS Hãn lại chưa được thực hiện chắc còn là một ẩn số. Và GS Lê Thành Khôi, ở tuổi 87 không ai có thể nói trước được chuyện sinh tử. Giả dụ sau khi GS mất, thế hệ sau của ông còn giữ gìn được cái di sản khoa học này không hay lại đem bán đi để có một khoản tiền lớn. Ai mà biết được chuyện này!

Tôi thiết nghĩ: Nhất thiết bằng mọi giá phải đưa được những di sản/tài sản, những của cải vô giá này về nước. Làm như vậy vừa không phụ lòng chủ nhân của nó, vừa làm giàu thêm cho đất nước. Vật sẽ về đúng chủ, tài sản của ta sẽ về với dân ta. Như vậy vừa không phụ lòng người đã khuất mà cũng làm giàu đẹp cho thế hệ mai sau.

Hay chăng chúng ta nên tiếp tục tranh luận về những câu chuyện không có hồi kết hay tiến hành những việc làm thiết thực và cấp bách này hơn? Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên đi tìm những kho báu của quốc gia và đưa về phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Những nuối tiếc muộn màng thường vô nghĩa!

Bui Tu

LTS Dân trí - Tác giả bài viết trên đây đã nêu ra ý tưởng đề xuất có tâm huyết và có ý nghĩa nhiều mặt. Di sản của các nhà khoa học nổi tiếng đúng là tài sản vô giá và lâu dài của đất nước. Không chỉ đối với hai nhà khoa học lão thành nổi tiếng được nêu ra trong bài viết, mà còn nhiều trí thức kiều bào là những nhà khoa học có những công trình nghiên cứu nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, để lại những di sản quý báu và không ít người có tâm nguyện muốn cống hiến cho Tổ quốc của mình.

Biết trân trọng tấm lòng đó của những trí thức kiều bào đối với đất nước cũng như đánh giá đúng ý nghĩa và giá trị của những di sản quý báu đó là trách nhiệm của các nhà quản lý đất nước, nhất là quản lý những lĩnh vực có liên quan như văn hóa, khoa học, ngoại giao…

Cần tạo điều kiện thuận lợi và tìm mọi biện pháp đưa những di sản quý báu đó trở về với Tổ quốc. Giữ gìn, bảo quản và khai thác có hiệu quả những di sản đó không những đáp ứng đúng tâm nguyện của những người có thiện chí cống hiến mà còn đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đất mước.