Đắk Nông:

Đau xót cảnh sổ đỏ của dân bị chôn vùi dưới lòng sông sục sôi "nổi giận"!

(Dân trí) - Sau ba năm dừng hoạt động do bờ sông sạt lở nghiêm trọng, mấy tháng trở lại đây, sà lan hút cát lại tiếp tục quần thảo dòng sông Krông Nô (đoạn qua xã Buôn Chóah). Ngoài việc đường giao thông bị xe chở cát cày phá, người nông dân còn đứng ngồi không yên vì sợ dòng sông tiếp tục “nổi giận”.

Tiếp tục cấp phép khai thác cát, dân lo mất đất vì dòng sông “mất ngủ”

“Sổ đỏ của tôi đang nằm dưới lòng sông kia kìa !”

Giữa trưa nắng, thấy ông Phạm Xuân Lai, Trưởng công an xã Buôn Chóah đang đi kiểm tra tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô, anh Linh Văn Hoàn (trú thôn Cao Sơn) vội bỏ chiếc máy cày giữa ruộng rồi chạy lại than thở với vị cán bộ này. Tiếng thở hổn hển xen lẫn giọng nói uất nghẹn của người nông dân, khiến vị trưởng công an xã có phần ái ngại.

Anh Hoàn từ ngoài Bắc vào đây lập nghiệp đã gần 20 năm nay. Ngày ấy, anh mua một miếng đất rộng hơn 1, 4 ha để trồng một vụ lúa, một vụ màu. Ba năm trước, nạn “cát tặc” hoành hành khiến hơn 8 sào đất của anh đã bị dòng nước cuốn trôi, hiện chỉ còn hơn 6 sào để trồng cấy.


Diện tích đất theo sổ đỏ của anh Hoàn đáng lẽ phải kéo dài đến phía dải đất giữa sông.

Diện tích đất theo sổ đỏ của anh Hoàn đáng lẽ phải kéo dài đến phía dải đất giữa sông.

“Mảnh đất này nhà tôi đã được cấp giấy chứng nhận sử dụng, cả gia đình 5 người chỉ trông chờ vào việc sản xuất ở đây. Ngày trước nó rộng ra tận đến cái ụ đất kia, thế nhưng bây giờ quá nửa đã nằm dưới nước. Sổ đỏ chẳng còn giá trị nữa, giờ nó cũng nằm dưới lòng sông rồi”, anh Hoàn nghẹn giọng.

Thế nhưng, quá nửa đã nằm dưới nước do hoạt động hút cát
Thế nhưng, quá nửa đã nằm dưới nước do hoạt động hút cát

Tương tự, anh Luân Văn Khánh (trú thôn 1) có hơn 1ha đất sản xuất nằm ngay cạnh đất của anh Hoàn. Ba năm trước, phần lớn diện tích đất đã bị dòng sông “nuốt chửng” khiến kinh tế gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Anh Khánh cho biết, thời gian trước khi các cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh, tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu dừng khai thác cát nên anh mới giữ được diện tích đất còn lại để làm ăn. Tuy nhiên, bây giờ tàu khai thác cát hoạt động trở lại, người dân ở đây lại lo sợ không giữ nổi đất.

Sau ba năm, Đắk Nông lại cho tàu bè vào khu vực trên khai thác cát
Sau ba năm, Đắk Nông lại cho tàu bè vào khu vực trên khai thác cát

“Nếu theo giấy tờ, con sông này đã “ăn” vào đất nhà tôi cả trăm mét, bây giờ lại chuẩn bị “ăn” nữa rồi, bởi bờ sông chỗ này cũng đang có dấu hiệu sạt lở, nếu tiếp tục hút cát tại đây thì chỉ vài hôm nữa là mất đất. Cứ khoảng 9h tối đến 5h sáng, hàng chục tàu bè, sà lan hoạt động ầm ầm ở khu vực này. Thời điểm các anh đến, họ đã rút về nghỉ ngơi hết rồi…”, anh Khánh uất ức.

Theo ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Buôn Chóah, năm 2015 tình trạng khai thác cát diễn ra rầm rộ khiến hàng chục hộ dân sinh sống và có đất sản xuất bên bờ sông bị ảnh hưởng. Hiện nay, việc khai thác cát trên đoạn sông chảy qua xã được cấp phép trở lại, người dân của ba thôn Cao Sơn, Buôn Chóah và Thanh Sơn lo ngại sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nếu không có sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan chức năng và các công ty khai thác cát “không làm đúng kỹ thuật”.

Những chiếc sà lan hút cát liên tục quần thảo khiến diện tích đất còn lại bị đe dọa biến mất
Những chiếc sà lan hút cát liên tục quần thảo khiến diện tích đất còn lại bị đe dọa biến mất

Bến cát chui, vận chuyển phá đường dân sinh

Theo người dân thôn Buôn Choáh (xã Buôn Chóah) thời gian qua tại khu vực bờ sông Krông Nô như “đại công trường” khai thác, tập kết và vận chuyển cát. Việc này không những khiến hàng chục hecta đất nông nghiệp nằm dọc bờ sông bị đe dọa sạt lở mà còn khiến tuyến đường dân sinh hư hỏng xuống cấp do xe chở cát thường xuyên lưu thông.

Mỗi ngày, hàng chục lượt tàu thuyền hoạt động huyên náo cả khu vực
Mỗi ngày, hàng chục lượt tàu thuyền hoạt động huyên náo cả khu vực

Ông Hoàng Thiên Vũ (ngụ thôn 1) bức xúc: “Mấy ngày nay xe chạy liên tục cả ngày đêm. Tải trọng đường 10 tấn nhưng toàn xe chở cát tải trọng lớn chạy phá nát hết đường. Dù đường bê tông có cắm biển giới hạn tải trọng, cho phép lưu thông 10 tấn, nhưng xe hổ vồ (4 trục) chở theo hàng chục khối cát vẫn ngang nhiên hoạt động”.

Theo tìm hiểu, tại khu vực này có một số công ty khai thác cát hoạt động như Công ty Tây Nguyên; Công ty Thịnh Vượng… Giữa Công ty Tây Nguyên với chính quyền địa phương đã có cam kết, sau khi khai thác, cát được vận chuyển bằng đường sông, đưa về tập kết tại bãi ở thôn Quỳnh Ngọc (xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắk Lắk), không tập kết, lập bến tại địa phận Đắk Nông.

Một bến cát “chui” mọc lên gần khu vực khai thác cát
Một bến cát “chui” mọc lên gần khu vực khai thác cát

Tuy nhiên thời gian qua, công ty này ngang nhiên thành lập bến bãi chui, tập trung tàu thuyền khai thác cát để bơm cát lên bờ tại thôn Buôn Chóah. Tại đây, một bãi tập kết cát rộng lớn cặp sát bờ sông Krông Nô có diện tích khoảng 1000m; hàng ngày xe chở cát trọng tải lớn tấp nập ra vào gây bức xúc cho người dân

Trao đổi với đại diện của Công ty Tây Nguyên, người này thừa nhận: “Công ty không được cấp phép lập bến bãi tập kết cát trên bờ sông thuộc xã Buôn Choáh. Công ty có hợp đồng mua bán với một doanh nghiệp khác ở Đắk Nông và họ yêu cầu nhận cát tại xã Buôn Choáh. Mình bán cát của mình trên địa phận mỏ của mình, họ tập kết cát và vận chuyển như thế nào mình không biết. Mình cũng không quan tâm đến vấn đề đó, mình chỉ bán cát thôi", ông này nói.

Người dân lo ngại chỉ vài tháng nữa, sẽ không còn đất sản xuất
Người dân lo ngại chỉ vài tháng nữa, sẽ không còn đất sản xuất

Ông Nguyễn Văn Thinh, Phó chủ tịch xã Buôn Chóah khẳng định: “Trên địa bàn xã chưa cấp phép bến bãi cho 1 công ty nào. Họ tự ý khai trương bến bãi, đưa xe vào vận chuyển khiến các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng”.

Ông Trần Đăng Ánh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Nô khẳng định: "Sau khi nhận được thông tin Công ty Tây Nguyên lập bãi cát trái phép trên bờ sông xã Buôn Choáh. Huyện đã cử Công an và phòng TN&MT xuống kiểm tra để xử lý. Công ty Tây Nguyên không được lập bến bãi tập kết cát trên bờ sông thuộc xã Buôn Choáh. Vì vậy, sau khi kiểm tra, huyện sẽ cấm để bảo vệ đường dân sinh”.

Đặng Dương