Bạn đọc viết:

Đau đớn tình trạng “yêu râu xanh” núp vỏ bọc gia đình

(Dân trí) - Trong xã hội hiện đại, những giá trị đạo đức truyền thống đang dần bị xâm phạm một cách nghiêm trọng bởi những hành vi suy đồi về đạo đức. Trong đó, việc hiếp dâm cùng huyết thống là hành vi bị coi là loạn luân và thú tính nhất.

Tội ác núp dưới mái ấm gia đình

Số liệu trong Hội thảo Tập huấn Tổ chức an toàn với trẻ em trong năm 2012 tại Hà Nội cho thấy tình trạng trẻ bị lạm dụng, xâm hại tình dục đang là vấn đề nổi cộm trong xã hội. Số vụ xâm hại tình dục trẻ em giai đoạn 2006 – 2010 chiếm 58,8% tổng số vụ xâm hại trẻ em, tăng 6,4% so với giai đoạn 2001-2005.

Điều đáng lưu tâm là tính chất của các vụ xâm hại trẻ em ngày càng trở nên nghiêm trọng với những hành vi suy đồi đạo đức như: hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ em dưới 5 tuổi, hiếp dâm rồi giết trẻ em… Nguy hại hơn nữa, có tới 70% nạn nhân bị xâm hại bởi người quen, thậm chí là chính người thân, máu mủ, ruột rà.

Trong năm 2012, rất nhiều vụ hiếp dâm trẻ em đã được pháp luật đưa ra ngoài ánh sáng. Đáng lo, thủ phạm lại chính là những đối tượng “không ai ngờ tới” như: bố, dượng, anh trai,… của các nạn nhân.
 
Số lượng trẻ em bị xâm hại tình dục gia tăng báo động
Số lượng trẻ em bị xâm hại tình dục gia tăng báo động

Trong rất nhiều vụ việc đã xảy ra, vụ việc cha đẻ nhiễm HIV Bùi Ngọc Thắng (34 tuổi) hiếp dâm con gái 11 tuổi của mình là Bùi Thị Nắng ở Hải Phòng đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Dường như, hiếp dâm cùng huyết thống đang trở thành một tệ nạn của xã hội.

Con đường gieo rắc tội ác

Gần đây, các vụ xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là ở trong phạm vi gia đình đang có chiều hướng gia tăng cao và trở thành tâm điểm của dư luận.

Lí giải điều này trên báo VOV, TS Đỗ Đức Hồng Hà – Giảng viên ĐH Luật Hà Nội, cán bộ của Bộ Tư pháp cho biết: “Nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của văn hóa phẩm kích động, bạo lực, phim, ảnh khiêu dâm tràn lan, đặc biệt trên Internet, những website khiêu dâm, game online kích dục… khiến người ta dễ bị kích thích, mất kiểm soát hành vi bản thân”

Ông còn cho rằng: “nguyên nhân chính vẫn là chủ quan từ ý thức con người. Từ việc đặt mình quá cao, có những đòi hỏi cá nhân ích kỷ, coi thường mạng sống của người khác... nên họ đã tự biến mình thành những con quỷ đội lốt người”.

Không chỉ vậy, sự tác động của cuộc sống đô thị hóa cũng là một nguyên nhân cần kể đến. Việc nhiều người dân di dời từ vùng nông thôn ra đô thị mưu sinh hay tràn qua biên giới để kiếm sống đã khiến họ sao nhãng trách nhiệm đối với gia đình. Không ít trẻ em vì thế mà bỏ học, đi lang thang,… trở thành “mồi” cho những tên yêu râu xanh.

PGS Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và truyền thông đại chúng) cũng lí giải: “Do là người quen, người thân trong gia đình nên các nạn nhân ít phòng bị, dẫn đến bị kẻ phạm tội lợi dụng. Bản thân kẻ phạm tội cũng không có khả năng thực hiện hành vi đồi bại ở những nhóm đối tượng khác”. (trích trả lời trên báo Lao động).

Trường hợp trẻ em bị lạm dụng nhiều lần, nhiều năm mà vẫn không bị phát giác là do bị xâm hại tình dục nhưng vì sợ hãi, vì bị đe dọa bằng vũ lực mà nhiều em không dám lên tiếng để được cứu giúp.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình biết con mình bị xâm hại nhưng không tố cáo tội phạm vì nhiều lý do. Trong đó, vì sợ chuyện riêng tư gia đình bị nhiều người biết, sợ xấu hổ, sợ rắc rối nên họ im lặng cho êm chuyện. Những suy nghĩ thiếu đúng đắn đó vô hình đã trở thành tấm lá chắn che đậy tội ác của những tên yêu râu xanh đội lốt những bậc làm cha, làm chú.

Ngoài ra, vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, cộng đồng chưa được coi trọng. Do hạn chế mặt kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Đồng thời, với sự thiếu hiểu biết về pháp luật, lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm của một số gia đình đã tạo ra sự mất an toàn cho trẻ ngay trong chính gia đình của mình.

Hiện nay, hệ thống bảo vệ trẻ em ở nước ta vẫn chưa được tốt. Các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp kịp thời để giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ cho trẻ bị xâm hại tình dục còn chưa hiệu quả, thậm chí dường như là không có.

Lối thoát nào cho nạn xâm hại tình dục trẻ em?

Xâm hại tình dục là vấn đề gây nhức nhối dư luận từ lâu, cho đến nay vẫn chưa có một giải pháp nào có thể hạn chế được nó. Để tránh những sự việc đau lòng trên, gia đình cần quản lý con cái chặt chẽ hơn, đặc biệt là người mẹ. Trong gia đình, người mẹ vừa là mẹ vừa là bạn với con, việc quan tâm, gần gũi, quản lý chặt chẽ của mẹ sẽ giúp tạo ra hàng rào bảo vệ con cái từ xa.

Ngoài ra, vấn đề truyền thông đối với gia đình, xã hội trong việc bảo vệ các em cũng cần được xem trọng. Hệ thống truyền thông cần phổ biến sâu rộng hơn nữa về quyền của trẻ em để mọi người nhận thức được tầm quan trọng và sự cấp thiết trong vấn đề bảo vệ trẻ em trước những cái xấu, độc hại.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết là một biện pháp cần làm. Khi bị xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình phải trình báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết tránh để lọt tội phạm.

Quan trọng nhất, gia đình cùng nhà trường cần giáo dục, trang bị kỹ năng sống cho các em; phổ biến những kiến thức về giới tính một cách khéo léo, lành mạnh; góp phần phòng chống việc lạm dụng tình dục trong cuộc sống.

Những vụ xâm hại tình dục đều để lại hậu quả rất nặng nề. Nạn nhân không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi và sự ám ảnh. Đó là lí do vì sao mà các em rất khó hòa nhập lại với cộng đồng, sống biệt lập trong một thế giới riêng.

Rất nhiều vụ xâm hại tình dục đã bị đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, con đường để giảm thiểu và xóa bỏ tình trạng xâm hại tình dục trẻ em thật không dễ dàng.

Đào Lan Anh