Ninh Bình:

Dân “kêu trời” vì mỗi ngày chịu một trận… “động đất”!

(Dân trí) - Mỗi khi mỏ đá bên kia sườn núi thuộc huyện Thanh Liêm (Hà Nam) nổ mìn khai thác, người dân thôn Sẽ Chè (Ninh Bình) phải sống trong tình cảnh như gặp trận động đất, nơm nớp lo nhà sập, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn… nhiều năm qua nhưng không biết kêu ai.

Người dân thôn Sẽ Chè, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình phản ánh, thời gian qua họ luôn phải sống trong tình cảnh lo sợ nhà sập, cuộc sống bị đảo lộn… vì mỏ khai thác đá của một doanh nghiệp bên kia sườn núi, thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam thường xuyên nổ mìn với khối lượng lớn để khai thác đá.

Theo đó, thôn Sẽ Chè là địa bàn giáp danh với huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (cách nhau dãy núi), từ nhiều năm nay điểm giáp danh này bên phía Hà Nam cấp phép cho doanh nghiệp Thành Thắng khai thác đá làm nguyên vật liệu xây dựng. Cũng từ đó, cuộc sống người dân thôn Sẽ Chè bị đảo lộn bởi mỗi khi doanh nghiệp này nổ mìn khai thác đá lại là nỗi ám ảnh với người dân nơi đây.

Thôn Sẽ Chè cách một dãy núi khoảng 200m là sang đến mỏ khai thác đá của doanh nghiệp Thành Thắng bên đất Thanh Liêm, Hà Nam.
Thôn Sẽ Chè cách một dãy núi khoảng 200m là sang đến mỏ khai thác đá của doanh nghiệp Thành Thắng bên đất Thanh Liêm, Hà Nam.

Nhà ở giáp với dãy núi khai thác đá phía bên kia huyện Thanh Liêm, ông Bùi Quang Phồn, Trưởng thôn Sẽ Chè bức xúc, thôn Sẽ Chè nằm bên đây sườn núi, bên kia là sườn núi thuộc tỉnh Hà Nam. Khoảng cách từ bên mỏ đá ở Hà Nam sang Sẽ Chè theo đường chim bay chỉ hơn 200m. Cũng vì thế mà người dân trong thôn khổ sở nhiều năm qua vì tình trạng nổ mìn khai thác đá của doanh nghiệp.

“Mỗi khi doanh nghiệp nổ mìn, cuộc sống của người dân thôn chúng tôi bị đảo lộn hoàn toàn, như gặp trận động đất vậy. Tiếng nổ mìn không to lắm nhưng cũng “chát chúa” ám ảnh với mọi người. Mìn phá đá làm rung lắc nhà cửa của người dân chẳng kém gì động đất. Một ngày phía doanh nghiệp nổ mìn 1 lần vào buổi trưa hoặc chiều, những lúc đó bà con trong thôn như “thót tim”, mong cho thời khắc ấy mau qua nhanh”.

Anh Đỗ Đức Toàn cho hay, doanh nghiệp nổ mìn âm nên tiếng không to lắm nhưng rung chấn thì rất mạnh. Bà con trong thôn ai ai cũng khiếp sợ vì mặt đất, nhà cửa, các công trình khác cứ rung lên bần bật. “Nhà mái bằng kiên cố như gia đình tôi còn lo sợ, chứ nhiều nhà cấp 4 cũ kỹ trong thôn những lúc mìn nổ chỉ còn cách chạy ra khỏi nhà vì không dám ở bên trong sợ nhà sập”, anh Toàn nói.

Cũng theo anh Toàn, căn nhà anh dù được xây dựng kiên cố vào bậc nhất trong thôn nhưng do ảnh hưởng từ rung chấn của việc nổ mìn giờ cũng bị hư hại phần nào. Dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, anh Toàn chỉ rõ nơi phần mái bằng căn nhà của gia đình anh bị nứt một vệt dài hơn 2m. Không biết kêu ai, anh Toàn phải thuê thợ sửa, sơn đến gia cố để không bị ngấm nước mưa vào bên trong.

Anh Toàn chỉ cho phóng viên chỗ căn nhà anh bị nứt do ảnh hưởng từ việc nổ mìn khai thác đá của doanh nghiệp bên phía Hà Nam
Anh Toàn chỉ cho phóng viên chỗ căn nhà anh bị nứt do ảnh hưởng từ việc nổ mìn khai thác đá của doanh nghiệp bên phía Hà Nam

Không chỉ hộ anh Toàn mà 105 hộ với 340 nhân khẩu của thôn Sẽ Chè cũng đang sống trong tình cảnh tương tự. Những hộ gia đình ở bên này sườn núi tiếp giáp với bên Hà Nam chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì khoảng cách gần với mỏ khai thác đá.

Ông Phồn cho hay, từ khi phải sống chung với tình trạng này, cử tri trong thôn cũng nhiều lấn ý kiến, kiến nghị lên xã nhưng đến nay tình trạng này cũng không có gì thay đổi. Người dân trong thôn vẫn phải sống trong tình cảnh hoang mang lo nhà sập. Hàng ngày vẫn phải đối diện với những “trận động đất” từ bên kia sườn núi của huyện Thanh Liêm, Hà Nam đem đến.

“Những hộ dân trong thôn bị nứt nhà, công trình phụ trợ do rung chấn từ việc nổ mìn thì nhiều lắm. Nhà tôi bể nước cũng đã bị nứt 2 lần nước rò rỉ ra hết bên ngoài, phải sửa chữa mới dùng tạm được. Bà con trong thôn rất mong mỏi các cấp các ngành về kiểm tra và có ý kiến giải quyết giúp bà con, chứ cứ sống trong tình cảnh này, người dân thôn chúng tôi hoang mang lắm”, ông Phồn nói.

Trước thực trạng trên, PV Dân trí đã trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Duy Thọ, Chủ tịch UBND xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn để làm rõ ý kiến người dân thôn Sẽ Chè phản ánh. Ông Thọ cho hay, xã có nhận được phản ánh, kiến nghị của người dân, tuy nhiên mỏ khai thác đá này nằm bên địa phận tỉnh Hà Nam nên xã không biết giải quyết sự việc như thế nào.

Hàng chục hộ dân thôn Sẽ Chè chỉ biết kêu trời vì mỗi ngày phải chịu một trận động đất.
Hàng chục hộ dân thôn Sẽ Chè chỉ biết "kêu trời" vì mỗi ngày phải chịu một trận "động đất".

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Gia Thanh, hiện xã cũng chưa biết bắt đầu từ đâu vì báo cáo sự việc sang tỉnh Hà Nam thì không đúng thẩm quyền. Phóng viên đặt câu hỏi: Chính quyền địa phương đã kiểm tra thực tế và đã có báo cáo lên cấp trên chưa? Ông Thọ cho biết, xã chưa về kiểm tra thực tế lần nào sau khi có ý kiến phản ánh của người dân thôn Sẽ Chè, đồng thời cũng chưa có báo cáo lên cấp trên về thực trạng mà người dân trong xã đang phải chịu.

Ông Phồn nói thêm: “Trước tình cảnh người dân trong thôn phải chịu ảnh hưởng từ việc nổ mìn khai thác đá của doanh nghiệp Thành Thắng bên đất Hà Nam, chúng tôi chỉ biết kiến nghị lên xã, xã nói báo cáo sang Hà Nam không đúng thẩm quyền, chưa biết khi nào người dân chúng tôi mới thoát khỏi tình cảnh này”.

Quang Tân