Ba phút cùng luật sư:

Đâm sập cầu phải chịu trách nhiệm như thế nào?

(Dân trí) - Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ sà lan đâm chân cầu, thậm chí làm sập cầu như trường hợp cầu Ghềnh. Theo luật sư, trong các vụ tai nạn như trên thì chủ phương tiện có thể bị liên đới trách nhiệm hình sự rất nặng dù họ không trực tiếp điều khiển tàu.

Sự cố sà lan đâm sập cầu Ghềnh vào ngày 20/3 vừa qua là vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng nhất trong những tháng đầu năm 2016. Dù không có thiệt hại về người nhưng hậu của nó vô cùng nặng nề khi làm ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến đường sắt quốc gia. Trách nhiệm của lái sà lan, tài công và cả chủ phương tiện trong vụ này là rất lớn.

Từ vụ cầu Ghềnh, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên Thư Viện Pháp Luật, sẽ làm rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan khi xảy ra sự cố đâm sập cầu tương tự trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” của báo Dân trí kỳ này.

Thưa luật sư, vụ tai nạn sà lan đâm sập cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai vào ngày 20/3/2016 là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Với những vụ tai nạn nghiêm trọng như trên, hành vi của tài công lái sà lan sẽ bị xử lý như thế nào?

Vụ việc sà lan đâm sập cầu Ghềnh là vụ việc nghiêm trọng, đã gây ra hậu quả về nặng nề về kinh tế cho những người tham gia giao thông và ngành đường sắt Việt Nam.

Theo điều tra ban đầu, thì người điều khiển sà lan chỉ là phụ lái, không có giấy phép lái tàu nên trong vụ việc này có dấu hiệu Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ theo Điều 212 BLHS hiện hành.

Theo đó, người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thuỷ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Nếu không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn tương ứng với nhiệm vụ được giao thì nằm trong khung hình phạt là bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Trách nhiệm hình sự của người điều khiển sà lan sẽ phụ thuộc vào hậu quả mà người có hành vi gây ra. Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09 năm 2013 thì Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ 500 triệu đồng thuộc tình tiết “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” với khung hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Nếu gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1 tỷ 500 triệu đồng trở lên thì thuộc tình tiết “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” với khung hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Để phương tiện đường thủy đâm sập cầu sẽ bị xử lý rất nặng, thậm chí là bị tù đến 15 năm
Để phương tiện đường thủy đâm sập cầu sẽ bị xử lý rất nặng, thậm chí là bị tù đến 15 năm

Ông Phan Thế Thượng là tài công chính của chiếc tàu đẩy nhưng khi đến phà Cát Lái, ông Thượng lên bờ đi công việc riêng, giao cho Trần Văn Giang và Nguyễn Văn Lẹ tiếp tục điều khiển tàu đến cầu Ghềnh thì gặp nạn. Hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào thưa ông?

Nếu tình tiết nêu trên là đúng thì ông Thượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thuỷ theo Điều 215 BLHS hiện hành.

Theo đó, người nào điều động hoặc giao cho người không có bằng lái điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ gây thiệt hại cho tính mạng, hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Nếu phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Còn nếu phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Còn về trách nhiệm dân sự thì như thế nào thưa luật sư?

Sà lan và chiếc tàu đẩy trong vụ việc này là phương tiện tham gia giao thông vận tải trên đường thủy nội địa, được xác định là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005.

Vì vậy, theo Nghị quyết 03/2006/NQ - HĐTP thì Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Vì vậy, để xác định trách nhiệm bồi thường sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra nhưng khả năng chủ sở hữu chiếc tàu đẩy là ông Thượng phải chịu bồi thường phần lớn thiệt hại là khá cao. Vì ông Thượng đã có lỗi khi giao cho Giang và Lẹ điều khiển tàu đẩy sà lan gây ra tai nạn khi biết đây chỉ là phụ lái, chưa có bằng lái.

Vâng, xin cảm ơn Thư Viện Pháp Luật và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Ngọc Tiến (thực hiện)