Đại biểu "truy" Chánh án Bạc Liêu có hay không thẩm phán sợ án hủy, ảnh hưởng tái bổ nhiệm?

(Dân trí) - "Qua giám sát cho thấy thời điểm cuối năm lượng án tồn ở các huyện tương đối nhiều. Một trong những nguyên nhân là do các thẩm phán thận trọng xét xử vì sợ án bị hủy sẽ ảnh hưởng đến tái bổ nhiệm...", đại biểu HĐND đã "truy" vấn Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu có hay không chuyện này.

Tại kỳ họp thứ 12 của HĐND tỉnh Bạc Liêu diễn ra ngày từ ngày 4-6/12, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu là một trong những “tư lệnh” ngành đăng đàn trả lời chất vấn.

Tòa án trả hồ sơ nhiều, Viện kiểm sát lại chấp nhận ít

Đại biểu La Văn Viễn đặt vấn đề, tỷ lệ giải quyết các loại án của tòa 2 cấp tỉnh Bạc Liêu chưa đạt chỉ tiêu của ngành giao và số vụ án tòa trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung còn nhiều, nhưng Viện chấp nhận tương đối thấp. Đề nghị Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Đại biểu truy Chánh án Bạc Liêu có hay không thẩm phán sợ án hủy, ảnh hưởng tái bổ nhiệm? - 1

Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu - ông Đặng Quốc Khởi.

Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu - ông Đặng Quốc Khởi thừa nhận, vấn đề đại biểu đặt ra là đúng và cho biết, tòa án 2 cấp của tỉnh chỉ giải quyết được 6.119/7.594 số vụ đã thụ lý, đạt 80,6%, trong khi tỷ lệ quy định của ngành là 85%.

Ông Khởi đưa ra một số nguyên nhân, như: Trong năm 2019 số vụ việc mà tòa án thụ lý tăng đột biến (tăng 1.291 vụ so với cùng kỳ năm trước), trong khi con người không tăng mà còn phải thực hiện lộ trình giảm biên chế 10%, đây là khó khăn; số lượng thẩm phán còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế giao (chỉ có 59/85 thẩm phán);…

Chánh án Đặng Quốc Khởi cho biết, để khắc phục tình trạng trên, ngành sẽ tăng cường bổ sung đội ngũ thẩm phán của tòa 2 cấp làm sao đủ theo chỉ tiêu; sẽ chủ động điều động, luân chuyển, biệt phái thẩm phán. “Nếu phát hiện tòa cấp huyện nào mà án tồn đột xuất thì điều động thẩm phán từ đơn vị có án ít sang đơn vị án nhiều để giải quyết, không để tình trạng án tồn đọng cao”, ông Khởi nêu giải pháp.

Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu cũng thừa nhận có việc tòa trả hồ sơ nhiều nhưng Viện kiểm sát chấp nhận ít. Vừa qua, tòa trả 39 vụ, nhưng Viện kiểm sát chấp nhận 15 vụ, chỉ đạt 38,46%.

Chánh án Đặng Quốc Khởi cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ nhận thức đánh giá trong từng vụ việc giữa thẩm phán và kiểm sát viên khác nhau. “Chẳng hạn như thẩm phán lúc nào xét xử luôn đặt ra cầu toàn, làm sao vụ việc phải điều tra đầy đủ, chặt chẽ, nếu phát hiện gì còn bỏ sót thì không dám đưa ra xét xử mà trả hồ sơ yêu cầu làm cho đầy đủ. Còn kiểm sát viên họ cho rằng vấn đề tòa trả không phải không có căn cứ nhưng đó là vấn đề phụ, không phải là yếu tố cơ bản để xem xét định tội, lượng hình nên không chấp nhận”, ông Khởi lý giải.

Để khắc phục việc này, theo Chánh án Đặng Quốc Khởi, tòa tăng cường phối hợp giữa thẩm phán và kiểm sát viên trong việc trao đổi nội dung cần điều tra bổ sung trước khi trả hồ sơ; tăng cường công tác tập huấn chuyên đề, xét xử đối với án hủy, sửa nghiêm trọng, cũng như những vụ việc trả hồ sơ không được Viện kiểm sát chấp nhận để chỉ ra những sai sót cần rút kinh nghiệm, từ đó để thẩm phán nhận biết, sửa chữa không để tái diễn.

Có tình trạng thẩm phán sợ án hủy, sửa, năng lực hạn chế

Chất vấn "nóng" ngay tại nghị trường, đại biểu La Văn Viễn cho biết, qua giám sát, vào thời điểm cuối năm lượng án tồn ở các huyện tương đối nhiều, nhất là án liên quan đến lĩnh vực đất đai.

“Một trong những nguyên nhân mà chúng tôi nắm được là do các thẩm phán thận trọng vì sợ án bị hủy sẽ ảnh hưởng đến tái bổ nhiệm. Xin Chánh án cho biết có hay không chuyện này và nếu có thì giải pháp sắp tới khắc phục thế nào?”, đại biểu Viễn hỏi thẳng.

Đại biểu truy Chánh án Bạc Liêu có hay không thẩm phán sợ án hủy, ảnh hưởng tái bổ nhiệm? - 2

Đại biểu La Văn Viễn đặt vấn đề với ngành tòa án.

Ông Đặng Quốc Khởi - Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng vấn đề thẩm phán ngại xét xử vì sợ án bị hủy, sửa thì có, nhưng đó là cá biệt, chỉ rơi vào một số vụ việc. Còn vấn đề “sợ” là tâm lý chung chứ không phải chỉ thẩm phán Bạc Liêu mà cả thẩm phán nơi khác.

“Bởi vì theo chỉ tiêu của tòa án tối cao quy định, nếu một thẩm phán mà giải quyết án bị hủy trên 1,16 thì phải dừng thẩm phán, ngồi lại kiểm điểm; nếu hủy trên 2,0 hoặc 3,0 thì có thể dừng luôn không bổ nhiệm thẩm phán, đưa qua việc khác, nên về tâm lý sợ bị hủy là đương nhiên. Nếu như thẩm phán có tư tưởng này thì có một số ít thôi, có lúc rơi vào một số vụ việc có tính chất phức tạp, có liên quan đến nhều ngành, nhiều cấp, có quan điểm khác nhau nên thẩm phán băn khoăn không dám xử”, ông Khởi lý giải.

Giải pháp mà Chánh án Đặng Quốc Khởi đưa ra là nếu như phát hiện vụ việc thẩm phán gặp phải như thế thì sẽ bố trí Ủy ban thẩm phán của tòa án tỉnh tạo điều kiện cho các thẩm phán này đưa hồ sơ lên báo cáo, Ủy ban sẽ cho ý kiến tham khảo để các thẩm phán có cơ sở pháp lý, để vững tâm xét xử.

Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu trả lời chất vấn.

Đại biểu La Văn Viễn "truy" vấn thêm, theo báo cáo của tòa án trong 3 năm liên tục (2017-2019) án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán tuyên dưới ngưỡng quy định vẫn còn nhiều, đặc biệt tập trung vào một số thẩm phán năng lực còn hạn chế, chưa có trách nhiệm cao trong công việc. Ông Viễn cho rằng, vấn đề này đã tồn tại qua nhiều năm, nên đề nghị Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu cho biết ngành tòa án có giải pháp gì để các thẩm phán khắc phục.

Chánh án Đặng Quốc Khởi nhìn nhận, về năng lực hạn chế của thẩm phán là có, nhưng để khắc phục trong một ngày một bữa thì rất khó. “Chúng tôi cũng thấy được cái này. Hàng năm có tập huấn, rút kinh nghiệm nghiệp vụ, thấy năng lực của thẩm phán có nâng lên. Và nếu như có một số này nâng lên thì một số em khác mới vào thẩm phán cũng bị yếu về năng lực do thực tiễn chưa cập nhật được nhiều nên dễ bị vấp phải, nó cứ luân phiên như thế, nên cũng thường xuyên xảy ra, cũng yếu về mặt này, mặt khác.

Hơn nữa, thẩm phán cũng không toàn diện được, bởi vì có thẩm phán mạnh về hình sự, hoặc dân sự, kinh tế... Nhưng một thẩm phán không chỉ xử một loại án, do đó khi loại án này tăng thì phải giao cho thẩm phán khác xét xử, chính vì thế có một phần không chuyên sâu.

Do đó, vấn đề đại biểu đặt ra chúng tôi xin rút kinh nghiệm, cố gắng làm sao để những thẩm phán chuyên sâu về lĩnh vực tránh mắc phải sai lầm để án không bị hủy, sửa”, ông Khởi phân trần.

Đại biểu truy Chánh án Bạc Liêu có hay không thẩm phán sợ án hủy, ảnh hưởng tái bổ nhiệm? - 3

Bà Lê Thị Ái Nam - Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu đề nghị ngành tòa án cần có những giải pháp quyết liệt để khắc phục một số hạn chế, tồn tại hiện nay.

Với những vấn đề đặt ra như trên của ngành tòa án, bà Lê Thị Ái Nam - Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng hiện nay việc xét xử và chất lượng xét xử của tòa án 2 cấp của tỉnh có nâng lên nhưng vẫn còn một số hạn chế, tồn tại.

“Riêng việc tòa trả hồ sơ bổ sung nhưng không được Viện kiểm sát chấp nhận còn đến hơn 62%, tôi cho rằng tỷ lệ này là cao. Yêu cầu ngành tòa án cần phải đánh giá đúng nguyên nhân vì sao, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Như trình độ, năng lực của thẩm phán xem thế nào; tòa án cấp trên có kịp thời kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm để chấn chỉnh hay không; thẩm phán như vậy có tinh thần trách nhiệm cao hay không, hay xử như vậy để trả hồ sơ lại đừng cho bị quá hạn; xem sự công tâm, khách quan của thẩm phán thế nào;…

Nếu như hồ sơ trả cho Viện kiểm sát mà Viện không đồng ý thì sẽ kéo dài thêm thời gian xét xử, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Do đó, tôi đề nghị Chánh án đánh giá lại cho toàn diện, để từ đó có giải pháp khắc phục tốt hơn”, bà Lê Thị Ái Nam nói.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị Chánh án TAND tỉnh khẩn trương bổ sung số lượng thẩm phán đang thiếu. “Hiện nay còn thiếu đến 26 thẩm phán là quá nhiều. Theo báo cáo thì có khả năng năm 2020 bổ sung được 20 thẩm phán, nhưng cũng chưa chắc bởi số này đang đi học, còn tùy thuộc tuyển được hay không nữa. Nếu số lượng thẩm phán thiếu càng nhiều thì áp lực đặt lên số thẩm phán hiện tại phải xử nhiều vụ thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc”, bà Ái Nam nêu quan điểm.

Theo bà Lê Thị Ái Nam, hiện nay thực trạng một số thẩm phán mà số án bị hủy không đủ điều kiện để bổ nhiệm lại là có. Nếu như thẩm phán đã thiếu mà gặp thêm trường hợp này lại càng thiếu hơn. “Do đó, đề nghị Chánh án cần có giải pháp quyết liệt hơn trong việc nâng cao chất lượng công tác xét xử của tòa án 2 cấp, nhất là cấp huyện”, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu chốt lại.

Huỳnh Hải