Đà Nẵng: Người dân bức xúc vì cho rằng giải tỏa đền bù chưa thỏa đáng

(Dân trí) - Các hộ dân có đất chuyên canh rau muống tại tổ 15 (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bức xúc cho rằng việc đền bù đối với diện tích đất của họ bị thu hồi là chưa thỏa đáng, người dân thiệt thòi nhiều. Trong khi đó, chính quyền địa phương khẳng định, việc đền bù được thực hiện theo quy định của thành phố và còn có hỗ trợ thêm cho người dân.

Các hộ dân có đất chuyên canh rau muống tại tổ 15 (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) vừa có đơn gửi đến báo Dân trí thể hiện bức xúc trước việc giải tỏa đền bù chưa thỏa đáng.

Theo các hộ dân, vừa rồi, UBND quận Sơn Trà có chủ trương thu hồi đất để đưa vào sử dụng mục đích chung. Về cơ bản, các hộ dân nhất trí nhưng còn mấy vấn đề thấy chưa hợp lý, thỏa đáng.

Cụ thể, theo người dân, giá đền bù theo đất nông nghiệp quá thấp, trong khi đó, đất ở đây là đất có nguồn gốc khai phá từ trước năm 1975, đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng sang đất ở theo luật đất đai năm 2013 và thực tế đã có hơn 30 hộ đã làm nhà ở trên đất này.

Diện tích rau muống của người dân bị giải tỏa
Diện tích rau muống của người dân bị giải tỏa

Giá đền bù hoa màu là 26.000 đồng/m2, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, trợ cấp ổn định đời sống theo quy định của thành phố là chưa sát với quy định của luật đất đai năm 2013 và Nghị định 47 của Chính phủ ngày 15/5/2014.

Thu hồi đất để làm khu dân cư nhưng người dân không được tái định cư lại một lô là chưa hợp lý.

Thu hồi đất để làm chợ (hộ giao ít nhất là 200m2, nhiều nhất là 700m2) nhưng xin 1 ki-ốt chợ khoảng 5m2 để chuyển đổi ngành nghề sang buôn bán kiếm sống nhưng không được.

Quá trình thực hiện các bước trong giải tỏa, đền bù thiếu minh bạch, chưa thực sự tôn trọng ý kiến và đời sống của người dân. Trong đợt 1 đền bù, chỉ tính giá 7.000 đồng/m2, không tính 30% đất ở liền kề, khi dân phát hiện ra, có ý kiến mới điều chỉnh, trong khi đó quy định của thành phố là có.

Mục đích sử dụng đất khi thu hồi không rõ ràng, UBND quận Sơn Trà ra quyết định thu hồi đất làm khu dân cư nhưng Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố và UBND phường Thọ Quang họp dân thì báo làm chợ Mai.

Việc cưỡng chế không công bằng, trong khu đất có 16 hộ nhưng chỉ ra quyết định cưỡng chế 5 hộ, đặc biệt có trên 30 hộ đã làm nhà ở trên cùng loại đất này, tại vị trí này nhưng không có ai can thiệp hay cưỡng chế.

Cũng theo người dân, trong lúc các chính sách giải tỏa, đền bù chưa hợp lý, các hộ dân đang kiến nghị chưa được các cấp xem xét, giải quyết và trả lời thì UBND quận Sơn Trà đã ra quyết định cưỡng chế và tổ chức lực lượng áp đảo tại nhà.

“Đất đây là đất khai hoang chứ không phải đất nông nghiệp nhà nước cấp nên không thể đền bù theo giá đất nông nghiệp được. Đất nông nghiệp sao nhiều hộ dân vẫn được cấp phép xây nhà. Chúng tôi không xây nhà mà muốn để đất trồng rau muống, có cái mà sinh sống.Vì thế không thể đền bù cho chúng tôi như vậy được”, bà Nguyễn Thị Thu bức xúc.

Cũng theo bà Thu, có nhiều hộ dân cũng đã làm nhà trên đất này và khi giải tỏa thì họ được bố trí tái định cư.

Sáng 10/4, trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Tâm – Chủ tịch UBND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) – cho biết, theo chủ trương, vùng đất trồng rau muống trên thu hồi để làm chợ Mai (giai đoạn 1) và khu dân cư (giai đoạn 2).

Bà Tâm cũng cho hay, theo quy định, giải tỏa đất nông nghiệp không có bố trí tái định. Và đơn giá đơn đền bù cũng được thực hiện theo quyết định số 50/2014/QĐ-UBND ngày 20/12/2014 của UBND TP Đà Nẵng chứ UBND quận không tự đặt ra. Ngoài ra, UBND quận còn đề xuất UBND TP hỗ trợ 30% theo giá trị đất ở cho các hộ (mặc dù theo quy định đất nông nghiệp xen lẫn trong khu dân cư ổn định là đất có ít nhất 3 mặt tiếp giáp với đất ở), hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ khó khăn.

Còn việc vì sao không bố trí lô trong chợ cho dân, bà Tâm cho hay, theo mặt bằng phê duyệt, chợ Mai có 278 lô nhưng hiện tại số hộ kinh doanh tại chợ Mai cũ là 279 hộ, chưa kể còn có 77 hộ hàng rong và bán trong nhà dân 68 hộ. Vì thế, trước tiên phải ưu tiên cho những hộ đang kinh doanh tại chỗ cũ trước đã.

“Cả 40 hộ mà hộ nào cũng muốn vào chợ thì không đủ được. Sau này, khi xây xong chợ sẽ tính toán, bố trí lại cho phù hợp. Nếu còn chỗ trống thì bố trí cho những hộ thực sự khó khăn”, bà Tâm nói.

Cũng theo bà Tâm, các hộ dân đã nhiều lần khiếu nại nhiều lần và chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần trả lời nhưng người dân vẫn chưa đồng ý nên vẫn tiếp tục khiếu nại chứ không phải họ khiếu nại chưa giải quyết mà vẫn ra quyết định cưỡng chế.

Bà Tâm cũng khẳng định, những hộ có quyết định cưỡng chế đó là đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp. Và việc cưỡng chế cũng phải làm từ từ, từng đợt chứ không thể một lúc cưỡng chế mười mấy hộ được.

Khánh Hồng