Cướp tiền xong hôm sau quay lại trả, thủ phạm có cơ hội được xoá tội?

(Dân trí) - Đêm hôm trước lẻn vào cướp tiền, sáng hôm sau tới nhà bị hại để trả lại để hòng tránh tội, phân tích tình huống sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư cho biết việc trả lại tài sản cho người bị trộm không phải là căn cứ để đình chỉ vụ án, người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và có thể bị phạt tù tùy vào mức độ, tính chất của vụ án.

Đối tượng Hoàng Ba ngụ xã Tây Yên, huyện An Biên, Kiên Giang đột nhập vào nhà chị Nguyễn Thị Diễm- người cùng huyện và kề sát dao vào cổ chị Diễm khống chế cướp được hơn 300 ngàn trong túi áo.

Đến khoảng 8h hôm sau, Hoàng Ba đến nhà chị Diễm trả lại số tiền đã cướp và yêu cầu chị không được trình báo Công an. Vì lo sợ trả thù, nên chị Diễm đồng ý.

Sau đó, khoảng 1h sáng 5/9/2019, Trần Hoàng Ba đi ngang nhà chị Nguyễn Thị Khôn ở ấp Hai Tốt – xã Tây Yên A thì phát hiện cả nhà chị Khôn đang ngủ say nhưng lại không khóa cửa. Lòng tham nổi lên, Hoàng Ba liền lẻn vào trong lấy trộm 1 chiếc máy tính bảng hiệu SAMSUNG.

Sau đó, y thấy chiếc điện thoại của chị Khôn để trong mùng nên định ra tay cuỗm luôn thì bị chị Khôn phát hiện. Hoàng Ba liền rút 1 con dao cán vàng kề cổ khống chế chị Khôn cướp thêm 500 ngàn đồng và đôi bông tai bằng vàng 18 K, sau đó y đã bị Công an bắt giữ.

Cướp tiền xong hôm sau quay lại trả, thủ phạm có cơ hội được xoá tội? - 1

Bà Nguyễn Thị Diễm tường trình lại sự việc cho công an địa phương về việc đối tượng Hoàng Ba kề dao cướp tiền rồi quay trở lại trả. Ảnh: Nguyễn Hành

 Theo Luật sư Quách Thành Lực, - Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội, hành vi của đối tượng Hoàng Ba có dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản quy định tài Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cụ thể:

“Điều 173. Tội trộm cắp tài sản,

Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:...

  1. a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
  2. b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  3. c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
  4. d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

  1. a) Có tổ chức;

Có tính chất chuyên nghiệp;

Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng

 Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

  1. g) Tái phạm nguy hiểm.”

Theo đó, nếu đối tượng không có các tình tiết thuộc khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 thì với số tiền 13 triệu đồng, đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khoản 1 Điều 73 Bộ luật Hình sự nói trên với khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Từ tình huống thực tế trên, có bạn đọc đặt câu hỏi: Liệu sau khi trả lại tài sản đã cướp, đối tượng có thoát khỏi việc bị phạt tù không?

Theo Luật sư Quách Thành Lực, căn cứ Điều 155 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về các trường hợp khởi tố hình sự theo yêu cầu của người bị hại như sau:

“Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

  1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
  2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.”

Theo đó, xét thấy hành vi trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cho nên sẽ không thuộc trường hợp chỉ khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Do đó, nếu trong trường hợp bị hại đã báo công an và đối tượng bị bắt, đã lấy lời khai thì sau đó mặc dù đối tượng có trả lại số tiền ăn cắp được cho bị hại và bị hại đã xin với công an để đối tượng được nhẹ tội thì đối tượng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản. Trường hợp đối tượng đã hoàn trả lại số tiền ăn cắp cho bị hại sẽ được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (do tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả quy định tại Điều 51 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) khi Tòa án quyết định hình phạt đối với hành vi của đối tượng.

 Như vậy, việc trả lại tài sản cho người bị trộm không phải là căn cứ để đình chỉ vụ án, người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và có thể bị phạt tù tùy vào mức độ, tính chất của vụ án.

Khả Vân (thực hiện)