Bài 4:

Cuốn sổ đỏ "kỳ quái" ở Hải Dương: Cứ làm thế thì hồ Tây cũng bị "nuốt chửng"!

(Dân trí) - “Với cái lý của chính quyền địa phương huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương mà áp dụng ra thủ đô Hà Nội thì chả mấy mà hồ Tây với hồ Gươm bị lấp kín xây nhà và cũng được cấp sổ đỏ chót luôn”, bạn đọc Dân trí đưa ra so sánh hài bước.

Vụ việc ông Phạm Thế An - Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cấp sổ đỏ cho diện tích 332m2 trên mặt nước ao công khiến người dân “kinh ngạc”, luật sư Quách Thành Lực cũng đã chỉ rõ đây là sự việc vi phạm pháp luật rõ ràng, báo Dân trí đã đăng tải được 3 kỳ báo nhưng đến thời điểm hiện tại, sự việc vẫn “án binh bất động”, chưa có bất kỳ thông tin hồi âm chính thức nào từ phía UBND huyện Gia Lộc.

Chính quyền xẻ mặt nước ao công cấp sổ đỏ, người dân “tròn mắt” kinh ngạc!

Có mặt tại khu ao bà Ba Tạ, PV Dân trí ghi nhận sự bức xúc của nhiều người cao tuổi. Các cụ cao niên cho biết từ khi họ sinh ra và lớn lên, đến bây giờ đã cả nửa thế kỷ ao công này vẫn là ao chung của cả làng. Thế mà không hiểu sao các cấp chính quyền địa phương lại cấp sổ đỏ trên mặt nước từ bao giờ. Nhân dân không hề hay biết, không được trao đổi ý kiến và thậm chí không được thông báo. Khu vực ao bị san lấp có vị trí đắc địa, khi trở thành đất thổ cư có sổ đỏ trị giá hàng trăm triệu đồng. Như vậy, không chỉ cộng đồng dân cư mất ao làng, nhà nước bị thất thu ngân sách, số lợi nhuận phi pháp này đã vào túi ai?

Phép vua thua lệ làng?

Bày tỏ sự bức xúc, bạn đọc Dân trí đã gửi ý kiến bình luận (comment): “Không lẽ "phép vua thua lệ làng"? bây giờ đã là thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, không lẽ chính quyền địa phương, chính quyền nhân dân lại vẫn hành xử theo kiểu "thời kỳ đồ đá"?. Vụ việc này phải được giải quyết dứt điểm tận gốc của vấn đề, nếu không lại "để lâu hóa bùn"! Việc tùy tiện cấp đất vi phạm pháp luật như thế này đâu chỉ có ở Hải Dương mà nó hiện hữu trên cả nước, bởi "tấc đất tấc vàng"!”- bạn đọc Nguyễn Hiền.

Bạn đọc Nguyen Duc Hiep đề xuất xử lý nghiêm để lấy lại lòng tin của nhân dân: “Đọc mà thấy bất bình bởi cách làm việc coi trời bằng vung của các ông quan này. Mong sao cơ quan điều tra vào cuộc và sử lý nghiêm, dù là đương chức hay về hưu. Những sai phạm mà để người dân bức xúc như này, rõ ràng như này không xử nghiêm thì bao giờ người dân mới có lòng tin vào pháp luật?”.

Cuốn sổ đỏ kỳ quái ở Hải Dương: Cứ làm thế thì hồ Tây cũng bị nuốt chửng! - 1

Hiện trạng khu mặt ao công được san lấp và xây móng kiên cố.

Cuốn sổ đỏ kỳ quái ở Hải Dương: Cứ làm thế thì hồ Tây cũng bị nuốt chửng! - 2

Ông Phạm Thế An, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc là người đã ký cấp cuốn sổ đỏ "kỳ quái" này.

Chia sẻ quan điểm với kinh nghiệm của một cựu Trưởng phòng TN&MT, bạn đọc Phó Đức Hồng cho biết: “Tôi thấy ở nông thôn, ven các ao công cộng, một số hộ dân liền kề ao tiến hành trồng rau và có thể được Hợp tác xã giao là đất phần trăm. Khi làm sổ đỏ đất thổ cư, có thể đất này được đưa vào cùng bìa đỏ như là đất vườn. Từ đó đất này được chính quyền cho chuyển mục đích thành đất ở. Cần kiểm tra kỹ việc này, nhất là việc quy hoạch sử dụng đất của khu vực vì việc cấp sổ đỏ là sau Luật đất đai 2003”.

“Quản lý đất đai quan liêu tệ hại, chẳng lẽ ở địa phương không có người cập nhật, đối chiếu bản đồ địa chính hàng năm. Ông cấp sai cũng liền ông đề nghị sai không thể mổ người làm được. Điều tra lại, sai phạm gây thất thoát, thực chất dấu hiệu là trộm cắp thì dù lên làm quan to hay đã nghỉ việc cũng phải lôi ra mà xử”, bạn đọc Tuan DD.

Dường như sự việc không chỉ có ở huyện Gia Lộc, theo bạn đọc có nickname PKCH: “Không sao đâu các bác ạ, làng em Quý Dương cũng Hải Dương cách Gia Lộc không xa, trước đây làng em nhiều ao lắm, giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Mọi chuyện rồi sẽ yên ổn, hàng chục hàng trăm tỉ đồng sẽ yên ổn trong ngân hàng, mọi người đừng lo lắng, chỉ là biến cái ao thành cái nhỏ hơn cất cho kĩ thôi. Tất cả rồi sẽ trôi đi êm đềm”.

Bạn đọc Huyenchi Nguyen: “Phóng viên về đến xã Gia Khánh huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương rồi thì Phóng viên về Đội 6 xã Quang Khải huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương xem. Những năm cuối của thập niên 80 ao làng chúng tôi nước trong xanh, người dân xóm tôi còn lấy nước ao làng về ăn, bọn trẻ chúng tôi bì bõm tắm nhưng rồi xã cho 1 cán bộ văn hóa xã đấu thầu thả cá... và đến giờ ao chung đã có một căn nhà và khu nhà xưởng xây chềnh ềnh trên mặt ao, những hộ dân cạnh đó cũng đổ đất lấn chiếm ngăn dòng chảy thoát nước của làng, ao làng trở thành tài sản sở hữu của một số hộ dân, dân làng bức xúc mà không thể lên tiếng...”.

Bạn đọc Van Quan: “Đất công được cắt xẻ ra bán bừa bãi thì địa phương nào cũng xảy ra hàng chục năm nay. Địa phương của tôi giờ không còn một chút đất công nào. Mỗi một nhiệm kỳ của lãnh đạo là một đợt cắt xẻ bán cả chục lô đất. Thành thử giờ đây đến cái sân chơi cho người già và trẻ em cũng không còn. Trước kia cả thị trấn rợp bóng mát của hàng trăm cây cổ thụ lớn nhỏ nhưng giờ chỉ còn là dĩ vãng!”.

Bạn đọc Loi: “Ông nào ký cấp sổ đỏ phải chịu trách nhiệm hoàn trả mặt bằng ao như cũ và phải chịu trách nhiệm về pháp luật”; “UBND tỉnh Hải Dương cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn vào cuộc để điều tra xác minh thì sẽ rõ ngay thôi”, bạn đọc Van Lan Ha.

 Lo lắng vì sự việc sẽ “rơi vào im lặng” như kịch bản đã từng xảy ra ở nhiều vụ việc, bạn đọc Nguyễn Diệp: “Lại rơi vào “sự im lặng đáng sợ” rồi. Đây là bài tủ của cán bộ địa phương “học ít, làm nhiều” chưa có thuốc đặc trị hiệu quả đây”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Tu Ngoc: “Nói vậy thôi nó (nhà đang xây) sẽ được tồn tại và hoàn thiện trong nay mai. Vì các sai phạm sẽ được giải quyết bằng cách "phạt" rồi cho tồn tại. Các cán bộ làm sai sẽ rút kinh nghiệm (Chưa biết có khi có thêm vài cái sổ đỏ đã được cấp và chia hết cái ao công kia rồi)”.

Bạn đọc Thạch Buì: “Khả năng trình độ và tầm nhìn của cán bộ cần phải có nhiều thay đổi thì mới phù hợp với sự phát triển của đất nước. Không thể làm sai chỉ nói câu xin lỗi trong phòng kín là xong”.

Chủ tịch huyện ký cấp cuốn sổ đỏ trên mặt ao công, luật sư nói gì?

Liên quan đến (Sổ đỏ) cho thửa đất số 463B, tờ bản đồ số 3 có diện tích 332 m2 trên mặt ao Bà Ba tạ mang tên ông Phạm Công Bền, được Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc Phạm Thế An ký cấp ngày 6/8/2008, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật TNHH LSX (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đưa ra nhiều phân tích dưới góc nhìn pháp lý.

Luật sư Lực cho rằng: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Tuy nhiên Giấy chứng nhận đó chỉ có giá trị pháp lý khi nó là kết quả của việc tuân thủ đúng quy định pháp luật về trình tự, thủ tục trong việc cấp sổ cũng như nội dung công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp đúng đắn của chủ sử dụng đất.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp (Sổ đỏ) cho thửa đất số 463B, tờ bản đồ số 3 có diện tích 332 m2 (ao bà Ba Tạ) mang tên ông Phạm Công Bền, được UBND huyện cấp sổ đỏ ngày 6/8/2008 do ông Phạm Thế An, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc ký có những dấu hiệu vi phạm phạm pháp luật rõ ràng.

Cụ thể việc cấp Sổ đỏ cần phải được công khai, lấy ý kiến các hộ dân xung quanh, lập Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất, bình chọn đánh giá thận trọng. Nếu việc này được tuân thủ thì chắn hẳn đã không có chuyện đến khi nhà được xây trên đất ao, người dân mới ngã ngửa ra đất ao đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về nội dung đất mặt nước muốn được chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khẳng định vùng mặt nước đó được phép chuyển đổi thành đất thổ cư. Thêm nữa theo đúng quy định luật Đất đai năm 2003, thời điểm năm 2007 khi Sổ đỏ được cấp phải trải qua quy trình chuyển đổi từ đất công Nhà nước quản lý sang quỹ đất đấu giá, thực hiện đấu giá, giao cho người dân”.

Theo luật sư Lực, khi không tuân thủ đúng những quy định nêu trên thì sổ đỏ này phải được UBND huyện Gia Lộc thu hồi, hủy bỏ hiệu lực. Trước mắt UBND xã Gia Khánh, UBND huyện Gia Lộc cần nhanh tróng có văn bản pháp lý phù hợp quy định pháp luật tạm đình chỉ, giữ nguyên hiện trạng để tránh những phát sinh phức tạp khó quản lý.

Để làm rõ sự việc, trách nhiệm cán bộ liên quan và hướng xử lý có hay không thu hồi sổ đỏ cấp trái luật trả lại ao công cho cộng đồng dân cư, tránh thất thoát tài sản của nhà nước, ngày 1/4/2019, PV Dân trí đã liên hệ làm việc với UBND huyện Gia Lộc, trao đổi các nội dung thông tin đề nghị được phối hợp cung cấp. Tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua, Báo Dân trí vẫn chưa nhận được hồi âm từ UBND huyện Gia Lộc.

Ngọc Hân (tổng hợp)