Cover bài hát của người khác coi chừng vi phạm pháp luật!

(Dân trí) - Cover hoặc chế lại lời của một bài hát là hình thức giải trí mới nhưng dưới góc độ pháp luật, hành vi này có được cho phép hay không?

Cover lại bài hát đăng lên Yotube có vi phạm pháp luật?

Cover lại bài hát của ca sĩ nổi tiếng là hình thức đã xuất hiện khá lâu, nhưng dạo gần đây lại trở nên phổ biến. Trước đây, cover chỉ mang tính chất giải trí hay bày tỏ sự yêu thích và ngưỡng mộ của mình với ca sĩ và bài hát đó. Nhưng hiện tại, cover cũng là 1 hình thức biểu diễn có khi còn có thể kiếm lợi nhuận từ đó.

Đặc biệt, gần đây có 1 Youtuber nổi tiếng nhờ việc cover lại các khúc mới và nổi tiếng. Hiện tại, việc cover của ca sĩ này vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều, cho rằng cover như vậy là ảnh hưởng đến ca sĩ và cũng không đúng với pháp luật.

Vậy việc cover này có thực sự vi phạm pháp luật không? Mời bạn đọc cùng gặp gỡ Luật sư Nguyễn Đức Chánh để cùng tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Cover bài hát của người khác coi chừng vi phạm pháp luật! - 1

Thưa luật sư, việc cover bài hát của người khác như cách Youtuber đã đề cập làm thì có được xem là vi phạm pháp luật không? Nếu có thì khung hình phạt dành cho hành vi này là gì?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ thì âm nhạc là một trong những tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả và ca sĩ trình bày bài hát đó sẽ được bảo hộ quyền liên quan.

Theo đó, tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm này trước công chúng, sao chép tác phẩm, truyền tác phẩm đến công chúng bằng các phương tiện kỹ thuật…

Ngoài ra, cover bài hát được hiểu là việc hát lại một bài hát đã có trước đó. Bởi vậy, đây cũng có thể coi là một dạng của tác phẩm phái sinh.

Như vậy, về nguyên tắc, việc cover bài hát thì phải có sự đồng ý của tác giả, người sở hữu tác phẩm đó. 

Tùy theo tính chất và mức độ thực hiện, hành vi sao chép tác phẩm mà không xin phép tác giả sở hữu thể bị xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 12, 13 Nghị định 131/2013/NĐ-CP như sau:

- Trường hợp sử dụng không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối và buộc dỡ bỏ tác phẩm;

- Trường hợp biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

- Trường hợp biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng; Buộc dỡ bỏ tác phẩm.

Cover bài hát của người khác coi chừng vi phạm pháp luật! - 2

Nếu cover không nhằm mục đích kiếm lợi mà chỉ vì yêu thích, ngưỡng mộ và chỉ cover cho vui thì có vi phạm pháp luật không thưa luật sư?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Các trường hợp các bạn cover lại không cần xin phép quy định tại Điều 32 Luật sở hữu trí tuệ 2014, như sau: sử dụng vào mục đích nghiên cứu; giảng dạy, hát trong buổi diễn không thu phí hoặc sử dụng làm chữ nổi, in bản giấy cho người mù, người tàn tật sử dụng,... các mục đích phi lợi nhuận và không ảnh hướng đến tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền như sau:

- Không để việc cover lại bài hát gây ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của bài hát;

- Bản ghi âm, ghi hình, hình ảnh tái hiện lại bài hát không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng;

- Phải ghi đầy đủ thông tin về tên, nguồn bài hát mà bạn cover lại.

Cover bài hát của người khác coi chừng vi phạm pháp luật! - 3

Ngoài cover, còn 1 hình thức khác cũng khá phổ biến hiện nay đó là chế nhạc (lấy nhạc của bài hát và viết lại 1 lời khác). Trường hợp này có vi phạm pháp luật không thưa luật sư?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Chế lại lời bài hát trong trường hợp này được gọi là tác phẩm phái sinh. Việc tạo ra tác phẩm phái sinh phải được sự đồng ý của tác giả.

Nếu làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ và có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 12 Nghị định 131/2013 của Chính phủ.

Theo đó, Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả và buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số đối với hành vi vi phạm.

Thư Quỳnh - Nguyễn Quang