Bài 5:

Con dâu bị quy kết giết mẹ chồng: Từ nạn nhân trở thành phạm nhân?

(Dân trí) - Trong vụ án con dâu bị quy kết giết mẹ chồng tại Cao Bằng nhiều luật sư phản biện cho rằng vụ án có rất nhiều uẩn khúc, không có nhân chứng trực tiếp, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án không đủ cơ sở để kết tội bị cáo.

Trong vụ án con dâu bị quy kết giết mẹ chồng tại Cao Bằng, nhiều luật sư phản biện cho rằng vụ án có rất nhiều uẩn khúc, không có nhân chứng trực tiếp, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án không đủ cơ sở để kết tội bị cáo.

Vụ án xảy ra ngày 05/2/2012, hung thủ đã ra tay tàn độc cướp đi sinh mạng của cụ bà Triệu Thị Tiền 75 tuổi và gây thương tích cho con dâu bà là Hoàng Thị Vấn. Trong khi chưa tìm được hung thủ giết bà Tiền, thì ngày 10/2/2012 CQĐT tỉnh Cao Bằng đã ra quyết định bắt giam Vấn về hành vi không tố giác tội phạm (thực chất là bị giam từ ngày 08/02/2012), sau đó bị khởi tố về tội che giấu tội phạm, cuối cùng Vấn bị cơ quan tố tụng Cao Bằng quy kết chính là hung thủ giết bà Tiền. Vụ án đã qua 4 lần xét xử trong đó có 2 lần HĐXX phúc thẩm đã phải tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Vụ án có rất nhiều uẩn khúc, không có nhân chứng trực tiếp, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án không đủ cơ sở để kết tội bị cáo.

Nhìn nhận về vụ việc Luật sư Dương Văn Thụ - Văn phòng Luật sư Thiên Dương (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) và Luật sư Lưu Quang Nhu (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cùng đưa nhận định: Toàn bộ quá quá trình nghiên cứu hồ sơ có trong vụ án chỉ có một chứng cứ duy nhất để kết tội bị cáo Vấn thực hiện hành vi giết bà Tiền chính là lời khai nhận của bị cáo. Tuy nhiên lời khai nhận này có rất nhiều mâu thuẫn, không phù hợp với hiện trường của vụ án, không phù hợp với các kết luận giám định, không có chứng cứ khác để kiểm định lời nhận tội của bị cáo là có cơ sở. Cụ thể:

Thứ nhất: Mâu thuẫn trong lời khai về trật tự thời gian giết bà Tiền

Tại bản tường trình nhận tội đầu tiên ngày 08/03/2012, Vấn khai khi từ tầng 2 xuống tầng 1, ra gian nhà tạm nhìn thấy bà Tiền, Vấn dùng búa đập bà ngay. Sau đó Vấn lại khai rửa bát xong úp bát vào trạn rồi hai mẹ con nói chuyện về việc chăn gà, Bà Tiền nhắc đến việc Vấn đẻ con trai, rồi hai mẹ con mâu thuẫn Vấn dùng búa đập bà Tiền. Còn về thời gian, Vấn khai giết bà Tiền vào khảo 6h, thì nhân chứng (nhân chứng gián tiếp) lại khẳng định là vào khoảng 5h30. Lời khai này của Vấn là không đồng nhất cũng không phù hợp với lời khai của nhân chứng, không có chứng cứ khác để chứng minh lời khai nhận này của Vấn là có căn cứ.

Thứ hai: Mâu thuẫn trong lời khai về vị trí giết bà Tiền

Tại bản tường trình ngày 8/3, Vấn khai vị trí giết bà Tiền tại vòi nước rửa bát. Đây là lời khai không phù hợp với hiện trường vụ án. Bởi vòi nước của nhà Vấn được gắn chặt vào tường và theo lời khai của Vấn thì vị trí đứng của bà Tiền là ở vòi nước, vị trí Vấn đứng để dùng búa đập bà Tiền là về phía sau bên trái, cách bà Tiền khoảng 30 - 40cm. Nếu lời khai nhận này của Vấn là thật thì Vấn phải đứng ở đâu? Hay phải tàng hình vào trong bức tường mới có thể đập vào đầu bà Tiền được? Chính sự vô lý này, mà tại các bản khai nhận tiếp theo Vấn đã khai nhỏ giọt về vị trí giết bà Tiền là ở khoảng trống gian nhà tạm.

Như vậy, với sân nhà tạm rộng khoảng 3- 4m2 nơi hàng ngày Vấn sử dụng trong sinh hoạt mà Vấn khai các vị trí giết bà Tiền không đồng nhất. Điều này chứng tỏ Vấn không phải là hung thủ giết bà Tiền, nên không biết vị trí chính xác bà Tiền bị sát hại là ở đâu.

Thứ ba: Lời khai số lượng gây ra vết thương và vị trí gây thương tích cho bà Tiền không phù hợp với biên bản khám nghiệm tử thi, kết luận giám định. Ngày 12/3/2012, Vấn khai nhận là: Vấn đập bà Tiền 3-4 cái vào đầu và đến ngày 13/2 Vấn lại nhận là đập 4-5 cái; Tuy nhiên theo bản ảnh chụp tử thi bà Tiền thì có đến 06 vết thương ở vùng trán bà Tiền. Biên bản khám nghiệm tử thi cũng xác định có 06 vết thương ở vùng trán bà Tiền. Như vậy lời khai nhận này là không phù hợp với bản ảnh mà CQĐT đã chụp khi khám nghiệm tử thi bà Tiền và không phù hợp với kết luận giám định pháp y về tử thi.

Cũng theo lời nhận tội thì phát đầu tiên Vấn đập vào đỉnh đầu bà Tiền, lời khai này phù hợp với kết quả thực nghiệm điều tra. Tuy nhiên lời khai nhận này lại không phù hợp với Kết luận giám định và bản ảnh tư thi. Bởi theo kết luận giám định thì 06 vết thương của bà Tiền đều ở vị trí của vùng trán mà không có vết thương nào ở vùng đỉnh đầu.

Điều này chứng tỏ Vấn không phải là hung thủ giết bà Tiền nên không biết có bao nhiêu vết thương, không biết vị trí vết thương nằm ở đâu trên đầu bà Tiền.

Bị cáo Hoàng Thị Vấn đã trải qua 4 phiên xét xử kéo dài 4 năm nhưng cơ quan xét xử nhưng chưa thể khép án. Nạn nhân và gia đình liên tục kêu oan.
Bị cáo Hoàng Thị Vấn đã trải qua 4 phiên xét xử kéo dài 4 năm nhưng cơ quan xét xử nhưng chưa thể khép án. Nạn nhân và gia đình liên tục kêu oan.

Thứ tư: lời khai về động cơ giết bà Tiền là không đúng với thực tế

Vấn khai do mâu thuẫn với mẹ chồng về việc bị cáo không sinh được con trai. Để kiểm chứng lời khai nhận này của Vấn có phù hợp với thực tế hàng ngày không, là luật sư, tôi đã phải lặn lội đến phường Đề Thám nơi Vấn sinh sống để làm việc trực tiếp với tổ dân phố, chi hội phụ nữ, hàng xóm là những người thường xuyên sinh hoạt với Vấn. Tất cả mọi người đều khẳng định là hai mẹ con sống rất hòa thuận và không có mâu thuẫn nào, mẹ chồng nàng dâu sống rất tình cảm. (có văn bản xác nhận kèm theo), Văn bản này tại phiên tòa sơ thẩm tôi trình cho HĐXX và không được chấp nhận.

Về việc này thì toàn thể thành viên trong gia đình nhà chồng cũng đều khẳng định Vấn sống rất tốt với gia đình nhà chồng, không hề có mâu thuẫn với bà Tiền như lời khai nhận của Vấn. Theo ông Ngọc (chồng bà Tiền) lời khai nhận này là Vấn bị ép khai chứ thực tế không phải vậy. Nếu Vấn là hung thủ giết bà Tiền liệu toàn thể gia đình nhà chồng có viết đơn kêu oan cho Vấn trong suất hơn 4 năm qua không?

Như vậy có cơ sở để khẳng định lời khai nhận của Vấn là không phù hợp với thực tế.

Thứ năm: Lời khai về cách thức thực hiện giết, tư thế ngã của bà Tiền, không phù hợp với thực tế hiện trường vụ án, không phù hợp với kết luận Giám định.

Theo lời nhận tội của Vấn, thì Vấn dùng búa để sát hại bà Tiền và sau phát búa đầu tiên, bà Tiền bị ngã, mông trạm đất, gáy tì vào hai đùi trên của Vấn, sau đó Vấn tiếp tục dùng tay trái túm tóc bà Tiền và dùng tay phải liên tiếp đập vào đầu bà Tiền. Với 6 vết thương trên vùng trán bà Tiền trong đó có đến 5 vết gây rách ra đầu, lún và vỡ xương sọ thì máu của bà Tiền chảy ra rất nhiều. Nhưng điều ngạc nhiên là khăn quàng cổ nạn nhân và toàn bộ vùng áo phía trước của nạn nhân lại không có một giọt máu nào.

Với tư thế ngã của bà Tiền như lời khai nhận của Vấn, thì máu của bà Tiền phải chảy xuống khăn và áo bà Tiền. Nhưng theo bản ảnh và biên bản khám nghiệm tử thi và kết luận giám định thì không có một vết máu nào đọng lại ở khăn và áo ở phía trước của bà Tiền. Kết luận này cũng phù hợp với lời trình bày của con gái bà Tiền tại phiên tòa là khi thay áo để làm thủ tục khâm liệm cho bà không có vết máu nào ở khăn và áo của bà.

Như vậy có căn cứ để khẳng định lời khai nhận này của Vấn là không phù hợp vời hiện trường vụ án, không phù hợp với kết quả giám định tử thi, kết luận giám định.

Thứ sáu: Lời khai nhận về tạo hiện trường giả, cách thức giấu xác bà Tiền, xóa dấu vết không phù hợp với hiện trường vụ án không phù hợp với kết luận giám định.

Vấn khai, sau khi giết bà Tiền Vấn dùng dây điện xiết cổ bà Tiền tạo ra vết hằn sau đó mới buông ra để nghi cho bà chết là vì dây điện siết cổ. Tuy nhiên kết luận giám định lại khẳng định không có vết hằn nào trên cổ nạn nhân. Việc này đã được Giám định viên tái khẳng định tại phiên phúc thẩm ngày 29/3/2016 là trong quá trình giám định tử thi không phát hiện dấu vết nào trên cổ nạn nhân.

Với 6 vết thương ở vùng trán nạn nhân rất rõ ràng mà Vấn lại khai dùng dây siết cổ để đánh lạc hướn là bà Tiền chết do bị siết cổ là không phù hợp. Bởi nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận biết nguyên nhân chết là do các vết thương trên trán gây ra. Điều này cũng phù hợp với kết luận giám định nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà Tiền là do lún, vỡ xương hộp sọ, dập não nặng.

Về tư thế xốc nách kéo nạn nhân theo tư thế nằm ngửa và`đi giật lùi để giấu xác, lời khai này là không phù hợp với hiện trường vụ án. Bởi hiện trường vụ án có rất nhiều vết máu vương vãi trên sàn nhà nạn nhân. Nếu kéo xác với tư thế mà Vấn khai thì gót tất của bà Tiền phải dính máu trên sàn nhà (từ vị trí sát hại đến vị trí giấu xác có khoảng cách 5m). Kết quả khám nghiệm tử thi khẳng định bà Tiền đi đôi tất màu trắng đục, nhưng lại không xác định được đôi tất có dấu vết gì không.

Cũng theo lời khai của Vấn, sau khi đập bà Tiền Vấn dùng con gấu bông để lau máu bà Tiền. Nhưng thật bất ngờ là kết luận giám định lại khẳng định vết máu dính trên con gấu bông không phải là máu của bà Tiền.

Điều này chứng tỏ lời khai nhận của Vấn là hoàn toàn không có thật, bời lời khai này không phù hợp với hiện trường và không đúng với kết luận giám định.

Thứ bảy: Cơ quan điều tra tỉnh Cao Bằng không đưa ra được chứng cứ khác để chứng minh cho lời khai nhận của Vấn là có căn cứ.

Ngoài lời khai nhận tội của bị cáo, thì trách nhiệm của Cơ quan Điều tra tỉnh Cao Bằng phải tìm ra chứng cứ khác để kiểm chứng và chứng minh cho lời nhận tội của bị cáo là có căn cứ. Giống như vụ án oan Huỳnh Văn Nén là lời nhận tội đó không có chứng cứ khác để chứng minh, không phù hợp với nhân chứng và hiện trường.

Trong 19 đồ vật được thu tại hiện trường vụ án, thì kết luận giám định không tìm được bất ký một dấu vết nào để chứng minh là Vấn dùng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội. Các nhân chứng trong vụ án đều là nhân chứng gián tiếp, không có ai là người trực tiếp nhìn thấy Vấn giết bà Tiền.

Trong vụ án này CQĐT công an tỉnh Cao Bằng còn dùng lời khai của 02 nhân chứng đang bị tạm giam tại Trại Kế tỉnh Bắc Giang là những người cùng buồng giam với Vấn để làm chứng cứ kết tội Vấn là không có cơ sở cả về pháp lý và thực tế. Bởi họ không phải là người nhìn thấy Vấn giết bà Tiền, họ còn không biết được nhà Vấn ở đâu, trong khi họ cũng đang là những người bị tạm giam mà theo pháp luật họ là những người bị hạn chế một số quyền dân sự.

Từ những phân tích trên có cơ sở để khẳng định lời nhận tội của Vấn là không có căn cứ, không phù hợp tình tiết khách quan của vụ án. Các kết luận giám định không tìm được dấu vết để khẳng định Vấn là hung thủ của vụ án. Căn cứ vào khoản 2, Điều 72 BLTHS thì lời nhận tội này không được coi là chứng cứ của vụ án và không được dùng lời nhận tội của Vấn để buộc tội Vấn. Vì vậy để tránh tính trạng oan sai kéo dài, cơ quan tố tụng cần phải đình chỉ điều tra đối với Vấn và trả tự do ngay cho Vấn.

Ông Nguyễn Duy Chiến cùng vợ là Hoàng Thị Vấn bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CQCSĐT) khởi tố và bắt tạm giam về tội danh “che giấu tội phạm” theo Điều 313 của Bộ luật Hình sự. Sau một thời gian tạm giam để điều tra, CQCSĐT không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Chiến, cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng đã phải ban hành Quyết định đình chỉ điều tra đối với ông. Trong khi vợ ông sau ba lần bị thay đổi tội danh từ “tội không tố giác tội phạm” sang “tội che giấu tội phạm” và cuối cùng bị khép vào “tội giết người”. Qua 2 lần xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Cao Bằng tuyên vợ ông chung thân. Cả 2 bản án trên đều bị HĐXX phúc thẩm TAND Tối cao tuyên hủy với lý do chứng cứ có trong hồ sơ vụ án không đủ cơ sở để kết tội bị cáo và chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng để điều tra lại vụ án. Tính đến nay, vợ ông Chiến đã bị tạm giam hơn 4 năm. Cho rằng việc cơ quan Điều tra Công an tỉnh Cao Bằng bắt tạm giam vợ chồng ông là oan sai, ông Chiến đã nhiều lần viết đơn kêu oan và tố cáo gửi các cơ quan chức năng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Thanh Trầm