Con chỉ cần được chơi…

Tiếp theo Diễn đàn Dân trí về việc học và việc chơi của trẻ em tiểu học, tôi xin gửi đến diễn đàn câu chuyện có thật sau đây để người lớn và các anh chị ngành giáo dục suy ngẫm.

Thứ ba, ngày 28/10/2008 vừa qua, con trai tôi phải thi giữa học kỳ I - lớp 4 tiểu học, sau khi đón cháu ở trường, nghĩ rằng cháu đã qua một thời gian dài học tập căng thẳng (luyện thi), nên sau khi đón cháu ở trường, vợ chồng tôi thống nhất cho chở cháu về quê ngoại để cho cháu nghỉ ngơi và được chơi thoải mái 1 buổi chiều. Vì ngay ngày hôm sau 29/10, cháu vẫn phải tiếp tục đi học.

Về đến nhà ngoại, cháu gặp các anh chị em cùng trang lứa và đang học tiểu học nên cháu rất vui và trò chuyện vui vẻ.

Vợ chồng tôi nói chuyện với bà ngoại ở phòng bên và vô tình nghe được câu chuyện của cháu nói với đứa em, tên là cu Gấu, đang học lớp 1 ở quê.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Con tôi tên ở nhà là cu Bo. Nó nói với cu Gấu: “… lịch học của anh dài lắm, này nhé… sáng 6 giờ anh phải dậy rồi, sau khi được bố đưa đi ăn sáng, anh vào trường học phần buổi sáng (học bán trú), nào là 3 bài tập toán, luyện câu, tập làm văn, chép nhạc… sau đó anh được các cô cho ăn cơm và nghỉ trưa, đến 12h45 anh phải vào lớp học buổi chiều (học chính thức). Mỗi buổi chiều chính thức anh học 4 đến 5 môn cũng gần giống như nội dung buổi sáng, có khi thêm các môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Anh văn. Đến 5 giờ chiều, ba anh lại đón anh trước cổng trường.

Cũng may ba biết anh học mệt, nên chở đi vòng vòng quanh phố 1 chút rồi mới về nhà. Về đến nhà sau khi tắm giặt, ăn cơm xong, 7 giờ tối anh lại phải ngồi vào bàn học cùng với mẹ để học phần học chuẩn bị bài cho ngày mai, giải toán và tập làm văn nâng cao, làm thủ công, kỹ thuật, đến 9 hoặc 10 giờ tối thì mẹ bắt đi ngủ, anh chỉ được xem tivi chương trình thiếu nhi kênh CN sau giờ học này hoặc muốn xem nhiều hơn anh phải dậy từ 5h30 sáng, trong khi chờ bố mẹ vệ sinh cá nhân buối sáng thì anh mới được xem”.

Cu Gấu nghe xong phần anh Bo, cũng nói ngay: “Em cũng vậy, anh tưởng chứ bộ ở thành phố học nhiều, ở đây em học ít chắc, sau khi ăn sáng ở nhà, em đến lớp 7 giờ, học tập viết, làm toán, 11 giờ em được bố mẹ đón về (vì nhà vợ chồng em tôi ở gần trường tiểu học), em ăn ngủ nghỉ trưa ở nhà, đến 1 giờ 30, em lại vào lớp học các môn như buổi sáng, tuy nhiên buổi chiều cô giáo cho chơi nhiều hơn, ít phải chép bài.  Đến tối về nhà, 7 giờ, mẹ sau khi đi làm về cũng trở thành giáo viên lên lớp tập viết và làm toán với em đến 8 hoặc 9 giờ, sau đó thì em ngủ, vì em chẳng thích xem chương trình thiếu nhi…”

Cu Bo lại nói: “Em học lớp 1, dễ ợt, khó gì, học 1 chút là xong, anh đây lớp 4, phải học nhiều môn và khó lắm, các bạn lớp anh ganh đua điểm lắm, làm sai, bị điểm kém là cô giáo mắng và ghi vào sổ liên lạc đưa về nhà bố mẹ. Bố mẹ mà biết thì buồn rầu, cứ nhắc nhở anh rút kinh nghiệm bài làm sai hoài…”.

Nghe câu này, vợ chồng tôi giật mình vì khi cháu bị điểm kém, vì lo lắng cho sự học của cháu mà tôi phải lên lớp, giảng lại bài làm sai của cháu đến vài tiếng đồng hồ cho cháu hiểu và bắt cháu rút kinh nghiệm không lặp lại bài làm sai, bị điểm kém này.

Cu Gấu nhanh nhảu nói ngay: “Anh nói dóc, em học như thế còn ít hơn các bạn, em không học như thế làm sao có được điểm 10, lúc xưa anh học lớp 1 có nhiều điểm 10 không ?”.

Vợ chồng sau tôi khi nghe câu chuyện của 2 cháu nhỏ nói chuyện,  đã nhờ dì nó hỏi cháu, cu Bo con chúng tôi, có muốn ăn uống món gì ngon tẩm bổ không, để bù lại những ngày ôn thi, cháu vừa nằm trên giường, vừa xem tivi chương trình thiếu nhi kênh CN và nói  “con chỉ muốn được chơi, con chả thèm ăn món gì cả”.

Trên đường lái xe đưa con tôi về lại thành phố, cháu nằm băng ghế sau, ngủ vùi thiếp đi, nhưng trước khi ngủ cháu còn dặn mẹ nó:  “khi về đến nhà nhớ gọi con dậy, để con học bài chuẩn bị cho ngày mai nghen mẹ” . Vợ tôi trả lời: “thôi, tối nay ba mẹ cho con ngủ, không phải học, nhưng ngày mai con phải cố gắng học nghen, cuối tuần ba mẹ lại cho con đi chơi”.

Trên quãng đường còn lại về nhà, cả hai chúng tôi đều im lặng, con tôi vẫn ngủ vùi.  Không biết trong giấc ngủ của cháu có mơ được đi chơi hay không mà thỉnh thoảng lại toét miệng cười.

Tôi nghĩ, cuối tuần này tôi phải đi công tác Hà Nội rồi, làm sao đưa cháu đi chơi, chắc vợ chồng tôi lại thất hứa với cháu một lần nữa…

Quan32@vnn.vn


LTS Dân trí - Những người lớn thường suy nghĩ: Học tập là quyền lợi của con trẻ cho nên cứ chăm lo đến quyền lợi đó hoài, nhiều khi đến mức thái quá làm cho con trẻ cực quá chẳng cảm thấy quyền lợi của mình…ở đâu.

Thật ra con trẻ không chỉ có quyền lợi được học tập một cách hứng thú (chứ không học tập theo kiểu nhồi nhét) mà còn có quyền chính đáng là được…CHƠI - chơi để  được sống hồn nhiên với tuổi thơ, để lớn lên một cách tự nhiên cả về thể chất và tâm hồn, và chơi…cũng là để học, học theo cách của con trẻ.

Tiếc rằng, người lớn - cả cha mẹ và thầy cô giáo - thường mau quên thời ấu thơ của mình, cho nên cứ bắt trẻ con học hoài, học hết “ngày dài đến đêm thâu” làm cho chúng “phát triển” không theo quy luật tự nhiên, trở thành một con người… méo mó.

Thật đáng buồn thay!