Cơ quan hành chính "sơ suất" gây thiệt hại cho dân: Mong thông cảm là xong?

(Dân trí) - Quá hẹn trả kết quả giải quyết hồ sơ sang tên quyền sử dụng đất cho người dân đến hơn nửa năm, chỉ đến khi có đơn hỏi thì bộ phận một cửa huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương mới có văn bản trả lời mong người dân thông cảm. Việc chậm trễ này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người dân, vậy cơ quan này phải chịu trách nhiệm thế nào?

Báo Dân trí nhận được câu hỏi của bạn đọc Cao Xuân Duy (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) nhờ tư vấn một vụ việc dưới góc độ luật pháp, câu hỏi có nội dung:

"Tôi có nhận tặng cho một thửa đất diện tích khoảng 542 m2, tại tỉnh Hải Dương từ mẹ đẻ của tôi. Sau khi làm Hợp đồng tại UBND xã, tôi đã nộp hồ sơ sang tên tại Bộ phận một cửa của huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Theo phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả thì đến ngày 21/02/2019, Cơ quan này sẽ trả kết quả giải quyết hồ sơ cho tôi.

Tuy nhiên cơ quan này đã quá hẹn nhưng không trả kết quả sang tên sổ đỏ cho tôi. Sau đó tôi buộc phải làm đơn hỏi thì đến ngày 03/09/2019 Bộ phận một cửa của huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương có văn bản trả lời nêu một vài lý do như sơ xuất, chưa thông báo kịp thời, có văn bản tòa án đang thụ lý đơn kiện do mẹ tôi nợ tiền… và mong tôi thông cảm.

Nay nhà đất của tôi do chưa sang tên tôi nên có nguy cơ bị cơ quan thi hành án địa phương kê biên đảm bảo thi hành án cho một vụ việc liên quan đến mẹ tôi.

Tôi xin hỏi việc làm như vậy của cơ quan hành chính như vậy có đúng không? Nếu tôi xảy ra thiệt hại vì không sang tên được nhà đất thì tôi có quyền đòi ai bồi thường".

Cơ quan hành chính sơ suất gây thiệt hại cho dân: Mong thông cảm là xong? - 1
Cơ quan hành chính sơ suất gây thiệt hại cho dân: Mong thông cảm là xong? - 2

Văn bản trả lời người dân của Bộ phận một cửa, huyện Kinh Môn, Hải Dương.

Trước câu hỏi của bạn đọc, Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã phân tích vụ việc dưới góc độ pháp lý như sau:

Thứ nhất, Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 06 năm 2010 của Chính phủ quy định về Kiểm soát thủ tục hành chính đã nêu rõ:

Về Trách nhiệm của cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính quy định tại điều 20:“Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ được giao trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Phải tạo thuận lợi cho đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc trong thực hiện thủ tục hành chính.Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của cá nhân, tổ chức theo quy định.”

Về Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại điều 6: “Nghiêm cấm cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính thực hiện các hành vi sau đây: Từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện hoặc tự ý yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định mà không nêu rõ lý do bằng văn bản. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.”

Cơ quan hành chính sơ suất gây thiệt hại cho dân: Mong thông cảm là xong? - 3

Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Theo quy định nêu trên việc chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính của công dân là hành động vi phạm quy định pháp luật. Không chủ động thông báo lý do từ chối cho công dân là chưa phù hợp. Công dân có quyền không chấp nhận những lý do từ chối thiếu căn cứ pháp luật, không hợp tình hợp lý của cơ quan hành chính.

Thứ hai, về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Việc Xử lý vi phạm được ghi nhận tại điều 33 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 06 năm 2010 của Chính phủ quy định về Kiểm soát thủ tục hành chính: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Nghị định này, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Với văn bản từ chối không giải quyết thủ tục hành chính bạn có thể khiếu nại hoặc khởi kiện ra Tòa hành chính Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Nếu tài sản của bạn bị kê biên, thi hành án dẫn đến thiệt hại vật chất thì bạn căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước yêu cầu cơ quan hành chính bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra cho mình do các quyết định, hành chính sai sót vi phạm của họ gây ra cho bạn.

Sau đó người thi hành công vụ có nghĩa vụ hoàn trả theo Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước:“1. Người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. 2. Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường.”

Xin cảm ơn Luật sư!

Khả Vân (thực hiện)