Có nên duy trì khoản thu xây dựng?

(Dân trí) - Sau 3 năm thực hiện xã hội hóa giáo dục đã nảy sinh nhiều bất cập trong vấn đề thu - chi ở các trường học. Nên chăng vừa duy trì khoản thu xây dựng vừa thực hiện xã hội hóa giáo dục để phụ huynh đỡ khổ, giáo viên cũng đỡ mệt.

Phụ huynh khổ vì khoản thu tự nguyện

Đầu năm học, để chấn chỉnh tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hóa giáo dục để lạm thu, để ép phụ huynh nộp tiền xây dựng nhà trường với số tiền không nhỏ, ít thì vài trăm nghìn, thậm chí có trường "vận động" tới một triệu đồng, Sở GD&ĐT các địa phương đều ra văn bản quán triệt tới từng trường. Thậm chí một vị lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội còn lên báo để khẳng định: Phụ huynh có quyền từ chối các khoản thu tự nguyện. Ấy vậy mà cứ vào mỗi đầu mỗi năm học câu chuyện thu ít, thu nhiều vẫn là đề tài nóng. Và thực tế là chẳng có phụ huynh nào dám cả gan từ chối khoản thu tự nguyện này.

Tiếng là khoản thu tự nguyện, nghĩa là các phụ huynh tùy thuộc vào khả năng của mình để đóng góp cho nhà trường. Thế nhưng “để tạo sự công bằng” giữa các em học sinh, các trường thường đưa ra một mức sàn. Mà mức sàn ấy chẳng thấp chút nào. Thường thường tối thiểu cũng vài ba trăm nghìn. Với gia đình có điều kiện thì chẳng sao, với gia đình nghèo, một lúc phải lo cho 2, 3 đứa con ăn học thì số tiền tự nguyện ấy chẳng nhỏ chút nào.
 
Có nên duy trì khoản thu xây dựng? - 1

Vận động xã hội hóa giáo dục đã nảy sinh nhiều bất cập trong công tác thu - chi của các trường.
 
Thậm chí có trường đưa ra mức sàn nhưng phụ huynh phản đối dữ quá nên đành “vận động” đúng kiểu ai có bao nhiêu đóng bấy nhiêu. Nhưng khổ nỗi mức sàn đã đưa ra nên chẳng phụ huynh nào dám đóng thấp quá. Một phụ huynh lớp 2 trường Tiểu học nọ cho biết: “Chị hội trưởng hội cha mẹ học sinh xung phong phát biểu và đề nghị đóng 250.000 đồng. Phụ huynh kêu cao quá nên cô giáo bảo: “Đây là mức sàn vận động, còn các bác đóng được bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu”. Nhưng mà mức sàn đã 250.000 nghìn nên phụ huynh đành tặc lưỡi đóng 200.000 đồng. Duy nhất có một người đăng ký đóng 100, mà người đó là bà nội đi họp cho cháu nên mới "có gan" đóng mức đó. Còn chị hội trưởng xung phong đóng 1 triệu đồng”.

Rút kinh nghiệm từ các năm trước, các trường không dại gì mà lập danh sách đăng ký nộp xã hội hóa kèm theo số tiền cần huy động để phụ huynh ký vào. Năm nay, nhiều trường đã "lách luật" bằng cách gửi cho phụ huynh một lá thư kêu gọi, đồng thời phát luôn một cái phiếu gọi là “Phiếu tự nguyện” để phụ huynh tự điền số tiền mình nộp vào.
 
“Quả bóng” trách nhiệm cũng được đá sang chân hội cha mẹ học sinh. Trước mỗi cuộc họp phụ huynh toàn trường, BGH các trường cùng giáo viên chủ nhiệm tổ chức họp các chi hội cha mẹ học sinh, thông báo những khó khăn, các mục tiêu xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục... Các việc đó muốn làm được và làm tốt phải có tiền. Tiền đó lấy đâu ra? Nhờ các vị hội trưởng vận động hộ. Đến khi bị phản ứng dữ quá thì lại có cái cớ “Hội vận động chứ trường không vận động”. Thế nhưng trong quy chế hoạt động Hội cha mẹ học sinh thì các hội không có trách nhiệm, không có quyền đứng ra vận động xã hội hóa giáo dục. Đã đâm lao thì phải theo lao, Hội đành đưa ra lý do "muốn con em được học tập trong một môi trường tốt hơn nên đứng ra vận động hộ".

Hội đã nói để cho học sinh được học tập trong môi trường tốt hơn nên các phụ huynh cũng đành tặc lưỡi mà đóng. Nhà khá giả thì một vài trăm, thậm chí một triệu chẳng vấn đề gì nhưng đối với những gia đình khó khăn thì có khi phải đi vay nợ mà đóng "tự nguyện" cho con.

Giáo viên cũng khổ vì vận động

Trong lúc phụ huynh khổ vì các khoản tự nguyện đầu năm mà không biết kêu ai thì các giáo viên chủ nhiệm cũng mệt không kém. Là giáo viên chủ nhiệm lớp nên các thầy cô được giao nhiệm vụ phải truyền đạt tinh thần “tự nguyện” đến các phụ huynh. Mặc dù chỉ là người thu hộ nhà trường nhưng giáo viên chủ nhiệm lại là người phải chịu nhiều chỉ trích thậm chí là những câu nói nặng lời của phụ huynh khi họ không đồng ý với mức sàn vận động.

Thường thì các trường khoán trắng việc tuyên truyền, vận động cho giáo viên chủ nhiệm. Thậm chí có trường còn có quy định những lớp vận động 100% phụ huynh đóng nộp, thu được nhiều tiền xã hội hóa thì lớp đó được thưởng. Thế mới có câu chuyện ở một lớp cấp 1 nọ một phụ huynh kiên quyết không nộp 150.000 đồng tiền tự nguyện hỗ trợ xây dựng nhà trường. Muốn cho lớp được thưởng, thầy chủ nhiệm lớp đó đành rút ví ra nộp “kín” cho trường 150.000 đồng để cho lớp được nhận 200.000 tiền thưởng. Vấn đề này vô hình trung trở thành một cuộc chiến tranh giành phụ huynh, bởi giáo viên nào cũng muốn lớp mình có nhiều phụ huynh đại gia như vậy việc vận động xã hội hóa giáo dục càng dễ dàng hơn và nhiệm vụ "vận động" của các giáo viên cũng thuận lợi hơn.
 
Có nên duy trì khoản thu xây dựng? - 2
Duy trì khoản thu xây dựng để các trường có nguồn kinh phí hoạt động còn các giáo viên chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của mình
 
 
Anh bạn tôi hiện là giáo viên cấp 3 của cho biết mức sàn tự nguyện của trường anh là 230.000 đồng/học sinh. Khi thông báo mức vận động của nhà trường trong buổi họp phụ huynh đầu năm, nhiều phụ huynh phản đối. Phản đối thế nhưng hầu hết phụ huynh đều đóng với mức nhà trường đưa ra. Chỉ duy nhất một phụ huynh kiên quyết đăng ký chỉ đóng 150.000 đồng. Vận động, thuyết phục và gần như năn nỉ nhưng không lay chuyển được phụ huynh, thầy giáo đành phải thu và ghi vào biên bản họp phụ huynh nộp lên cho BGH nhà trường. Nộp buổi sáng thì buổi tối thầy hiệu trưởng gọi điện đến phê bình vì... vận động được ít.

Trong khi các giáo viên chủ nhiệm vất vả với các khoản thu tự nguyện thì hiệu trưởng các trường cũng khổ tâm không kém. Không còn khoản thu xây dựng, muốn xây dựng, sửa sang hay mua sắm thêm thiết bị dạy học chỉ còn cách vận động phụ huynh. Có địa phương nọ còn ra cả Chỉ thị “Tăng cường thực hiện cuộc vận động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học” gửi về cho các nhà trường. Chỉ thị ghi rõ “... tuyên truyền vận động tới các tầng lớp nhân dân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức...”.

Đã là chỉ thị nghĩa là phải làm. Vận động phụ huynh thì tiến hành trong cuộc họp phụ huynh. Còn vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm thì các trường đành cử giáo viên xuống từng các doanh nghiệp. “Nghĩ mà tủi thân quá. Nhiệm vụ của giáo viên là giảng dạy và nâng cao chất lượng bài giảng. Thế nhưng với các khoản xã hội hóa này giáo viên còn phải đi vận động, nói đúng hơn là đi xin kinh phí để hoạt động cho nhà trường” – một vị Hiệu trưởng trường cấp 2 chua xót nói.

Chủ trương bỏ khoản thu xây dựng của Bộ GD&ĐT đã từng được phụ huynh hoan nghênh. Tuy nhiên nó lại chưa thực sự hợp lý đối với thực trạng cơ sở vật chất các trường nên đã vô tình làm khó cho phụ huynh và cả giáo viên. Sau 3 năm thực hiện xã hội hóa giáo dục hầu hết phụ huynh đều có chung quan điểm "Thà cứ thu tiền xây dựng như cũ còn hơn".

Nên chăng Bộ GD&ĐT cứ duy trì khoản xây dựng trường song song với việc thực hiện cuộc vận động xã hội hóa giáo dục để các trường có một khoản ngân sách “cứng” hoạt động đồng thời phát huy được tinh thần tự nguyện ở các phụ huynh và các tổ chức, doanh nghiệp. Có như vậy phụ huynh đỡ khổ mà giáo viên cũng đỡ mệt mỗi khi năm học mới lại đến.
 
Hoàng Lam